Ngành mía đường: Vì đâu nên nỗi?
(Tài chính) Trước thực trạng gần 500.000 tấn đường tồn kho theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), các doanh nghiệp mía đường trong nước đang nơm nớp lo đường sẽ tiếp tục tồn kho khối lượng lớn vào cuối năm nay do sản lượng mía niên vụ mới dự báo đạt trên 1,6 triệu tấn.
Nguồn cung dồi dào
Chỉ riêng niên vụ năm 2012 - 2013 vừa qua, lượng đường sản xuất trong nước cộng với lượng đường tồn kho của niên vụ trước đã thừa khoảng 400.000 tấn. Theo con số dự báo mới nhất của VSSA, trong niên vụ 2013 - 2014, nước ta có 306.000 ha mía, diện tích các nhà máy ký hợp đồng và đầu tư là 278.000 ha; năng suất bình quân đạt 63,9 tấn/ha, sản xuất được 19,6 triệu tấn mía và sản xuất công nghiệp được 16 triệu tấn đường. Tính đến ngày 1/10, lượng đường tồn kho là 220.000 tấn, nếu tính cả lượng đường tồn kho và nhập khẩu thì con số này vượt khoảng 500.000 tấn.
Theo cam kết của WTO thì trong năm 2013 Việt Nam phải nhập khẩu về khoảng 53.000 tấn đường. Với tình trạng các kho đường đang bị tồn đọng với số lượng lớn, cộng thêm sản lượng đường của niên vụ 2013-2014 thì đây là một thách thức không nhỏ đối với Ngành này. Và câu chuyện về ngành mía đường đang trở nên nóng hổi không chỉ trong ngành công nghiệp sản xuất mà trở thành vấn đề đang được Quốc hội mổ xẻ trong các phiên chất vấn gần đây. Theo thông tin mới nhất, Chính phủ chủ trương chỉ nhập khẩu đường trong trường hợp bắt buộc theo cam kết quốc tế, để phần nào giúp đỡ các doanh nghiệp trong nước đồng thời kiểm soát được thị trường đường nội địa.
Hiện nay, nhiều nhà máy mía đường đang rơi vào cảnh khốn khó chỉ trông chờ vào giải pháp xuất khẩu tiểu ngạch. Tuy nhiên, gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm khi công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và công ty cổ phần đường Biên Hòa đồng đề xuất xin phép Bộ Công Thương cấp hạn ngạch nhập khẩu 40.000 tấn đường từ Lào vào thị trường Việt Nam để gia công và xuất khẩu tiểu ngạch vào cửa khẩu phụ (xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc). Nếu việc cấp thêm hạn ngạch nhập khẩu đường được chấp thuận thì giá đường đã thấp nay lại càng bị các tiểu thương nhập khẩu ép xuống thấp hơn do tình trạng cạnh tranh xuất khẩu.
Như vậy, việc nhập khẩu này không tạo điều kiện cho ngành mía đường trong nước phát triển mà ngược lại tạo thêm áp lực cho các nhà máy đường do cạnh tranh không cân bằng. Không những thế, hàng triệu hộ nông dân trồng mía và hàng vạn công nhân lao động đang làm việc tại các nhà máy chế biến đường sẽ gặp phải khó khăn lớn. Ngành mía đường có thể đối mặt với nguy cơ phá sản.
Mặt khác, do chính sách ưu đãi mà HAGL nhận được từ phía chính phủ Lào, nên có sự chênh lệch về giá cả nguyên liệu khá lớn. Giá nguyên liệu đầu vào khoảng 296.000 đồng/tấn, nếu quy ra giá đường chỉ khoảng 4.320.000 đồng/tấn đường. Mức giá này thấp hơn rất nhiều so với giá mà các doanh nghiệp mía đường và Chính phủ đang hỗ trợ người nông dân trong nước là 950.000 - 1.150.000 đồng/tấn. Điều này sẽ dẫn đến một sự so sánh và cạnh tranh. Hơn nữa sẽ tạo tiền lệ cho các nhà máy trong ngành buông lỏng tiêu thụ mía nguyên liệu, tự sản xuất và chuyển sang nhập khẩu đường thô về tinh luyện rồi xuất tiểu ngạch.
Bên cạnh đó, sự tấn công ồ ạt của đường lậu từ biên giới phía nam tràn vào chiếm khoảng 30% thị phần nội địa cũng là một sức ép không nhỏ đối với các doanh nghiệp mía đường. Một mặt, do trốn được thuế nhập khẩu và thuế thương mại nên đường lậu có giá bán khá mềm buộc giá đường trong nước phải hạ xuống để cạnh tranh, điều đó ảnh hưởng đến lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất cũng như người nông dân trồng mía; mặt khác phản ánh chính sách buông lỏng trong khâu quản lý hải quan. Trong khi cả ngành mía đường đang lao đao giải quyết đường tồn kho kỷ lục thì đường nhập lậu vẫn tràn lan trong nước mà chưa có chính sách quản lý chặt chẽ.
Lối thoát nào cho ngành mía đường
Theo đại diện VSSA, thời điểm đường tồn kho tăng cao trong niên vụ 2012, Bộ Công thương đã cho các doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 200.000 tấn đường cả hai loại RS và RE sang Trung Quốc. Hiện tại, do đường dự báo sẽ tiếp tục tồn kho cao trước niên vụ mới, VSSA lại kiến nghị được xuất thêm 165.000 tấn sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch ở Lào Cai. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp giải phóng được phần nào đường tồn kho để yên tâm thu mua và tiếp tục sản xuất. Tuy nhiên, cùng với lượng đường nhập khẩu theo cam kết của WTO, tạm nhập tái xuất và cả đường nhập lậu về thì các doanh nghiệp lại đang phải đối mặt với sức ép về giá, sự kiểm tra nghiêm ngặt về nguồn gốc hàng hóa và rất nhiều rủi ro khác… đại diện VSSA cũng đề xuất với Chính phủ chỉ nhập khẩu đường trong trường hợp bắt buộc theo cam kết quốc tế.
Còn đối với đề xuất của Bộ Công thương theo kiến nghị của HAGL và công ty CP đường Biên Hòa về việc nhập khẩu đường thô của HAGL sản xuất tại Lào để tinh chế sau đó xuất khẩu sang Trung Quốc, chính phủ cũng nên xem xét chặt chẽ hơn, thiết nghĩ để cứu nguy cho các doanh nghiệp trong nước thì không nên chấp nhận vào thời điểm này, với thực tế là trong nước đã dư thừa và nhà nước đang phải hỗ trợ tiêu thụ, giữ giá mía để đảm bảo sản xuất của các doanh nghiệp trong nước cũng như nông dân thì tạm ngưng đề xuất là giải pháp hợp lý. Hoặc nếu chấp thuận, công ty CP đường Biên Hòa phải thực hiện tạm nhập chính ngạch và tái xuất cũng chính ngạch qua các cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế có sự giám sát chặt chẽ của hải quan.
Ngành nông nghiệp cũng phải quy hoạch lại vùng mía theo hướng sản xuất quy mô lớn,có chính sách bảo hiểm đối với cây mía, bao tiêu diện tích, hỗ trợ để người nông dân yên tâm trồng mía. Khuyến khích các doanh nghiệp chế biến bánh kẹo, nước giải khát... nên hợp tác với nhà máy đặt hàng về chủng loại đường, số lượng... Phải làm đồng bộ nhiều giải pháp, và giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nhà máy đường với nông dân cùng người tiêu dùng, thì ngành đường mới thoát khỏi mối nguy sản xuất ra không tiêu thụ được.
Bộ Công thương cùng với VSSA nên chủ động tìm mọi giải pháp để nâng cao khả năng xuất khẩu đường sang các thị trường mới như Ấn Độ, châu Âu, châu Phi chứ không nên chông chờ vào việc xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc, bởi xuất khẩu tiêu ngạch qua các cửa khẩu nhỏ cũng nhiều rủi ro, hơn nữa giá cả, số lượng đều hoàn toàn phụ thuộc vào đối tác. Bên cạnh đó, quản lý chất lượng nguyên liệu đầu vào, thành phẩm theo đúng tiêu chuẩn đường xuất khẩu quốc tế, có như vậy đường Việt Nam mới có khả năng xuất khẩu và cạnh tranh với sân chơi của các ông lớn. Chưa kể đến không bao lâu nữa Hiệp định Thương mại AFTA có hiệu lực và thuế nhập khẩu hàng hóa từ ASEAN vào Việt Nam bằng 0%. Lúc đó, ngành đường nước ta khó cạnh tranh được so với các nước láng giềng ngay trong thị trường nội địa chứ chưa nói đến thị trường ngoại.