Ngành ngân hàng đã bước vào nền tăng trưởng mới?

Theo Trần Thúy/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Ngành ngân hàng được cho là đã bước được vào nền tăng trưởng mới với các yếu tố hỗ trợ như là lãi suất huy động ở mức thấp, trong khi lãi suất cho vay giảm chưa tương ứng...

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong báo cáo mới công bố, CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 quay trở lại với những biến thể mới với cường độ mạnh hơn nửa đầu 2021, nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng cũng gặp nhiều thách thức, nhưng vẫn có thể thấy những điểm sáng.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết tính đến thời điểm 21/6, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 5,47%, tăng trưởng gấp hai lần so với cùng kỳ năm 2020. Bất chấp tác động của đại dịch, lợi nhuận của ngành ngân hàng vẫn tăng trưởng cao, chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu vẫn được kiểm soát tốt. 

Theo dữ liệu của FiinGroup, tổng thu nhập hoạt động trong quý I/2021 tăng 28,4% so với cùng kỳ. Đầu tháng 7, một số ngân hàng công bố kết quả kinh doanh với sự bứt phá mạnh mẽ, dự báo sẽ có nhiều kỷ lục mới trong bức tranh lợi nhuận của ngành ngân hàng.

“Những số liệu này cũng cho thấy gần như ngành ngân hàng đã bước được vào nền tăng trưởng mới với các yếu tố hỗ trợ như là lãi suất huy động ở mức thấp, trong khi lãi suất cho vay giảm chưa tương ứng, thêm vào đó nhiều ngân hàng còn huy động được lượng lớn trái phiếu kỳ hạn dài với lãi suất thấp, giúp cho biên lãi ròng của ngân hàng được cải thiện”, Vietnam Report nhận định.

Cùng với đó, sự ra đời của loạt chính sách mới cũng khiến các ngân hàng dễ thở hơn trước các nguy cơ, đặc biệt về nợ xấu. Sự ra đời của Thông tư 03 về việc cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn lãi vay do ảnh hưởng dịch được các chuyên gia trong khảo sát của Vietnam Report đánh giá như "nắng hạn gặp mưa rào" đối với ngân hàng, mang tính nhân văn đối với cả tổ chức tín dụng và bên đi vay. 

Nếu không có Thông tư 03, các ngân hàng sẽ phải trích lập rất mạnh các khoản nợ xấu trong năm nay nhưng với thông tư này khoảng thời gian đã được giãn ra trong 3 năm. Việc trích lập dự phòng cụ thể tùy thuộc sự chịu ảnh hưởng từ chất lượng dự nợ cho vay của ngân hàng. Nhiều ngân hàng có dòng tiền ổn định đã chủ động trích lập dần trong từng quý để chuẩn bị "bộ đệm" lớn hơn cho dự phòng rủi ro có thể xảy ra.

Điểm sáng đáng chú ý trong thời gian qua là những câu chuyện về phát hành bán vốn, bán công ty con cho nước ngoài. Giữa bối cảnh dịch bệnh bùng phát, mà gần như khối ngoại rút ra khỏi thị trường chứng khoán, bán ròng rất mạnh mẽ, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn nhìn thấy được cơ hội trong các giao dịch tài sản của ngân hàng. 

Điển hình như trường hợp VPBank bán được 49% vốn của FE Credit cho tập đoàn của Nhật Bản, một kế hoạch khác trong tương lai như HDBank cũng bán mảng tín dụng cho ngân hàng nước ngoài.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh, tỷ trọng thu nhập phi tín dụng tiếp tục được gia tăng cả về quy mô lẫn tỷ trọng. Điều này giúp các ngân hàng phát triển toàn diện hơn, không còn lệ thuộc nhiều vào chỉ tiêu tín dụng, đồng thời giảm thiểu rủi ro và cải thiện cơ cấu nguồn thu theo hướng bền vững.

Về triển vọng tăng trưởng của ngành ngân hàng năm 2021,  Vietnam Report cho rằng, triển vọng là khả quan nhưng không quá tích cực trước những lo ngại về diễn biến khó lường của đại dịch.

Kết quả khảo sát chuyên gia và ngân hàng của Vietnam Report trên thang Li-kert 5 điểm đã chỉ ra yếu tố vĩ mô ảnh hưởng nhất đến kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng trong năm 2021 bao gồm sự bùng phát đại dịch trở lại trên diện rộng, sự phục hồi của kinh tế vĩ mô và chính sách, quy định của Nhà nước lĩnh vực ngân hàng. 

 

Ngành ngân hàng đã bước vào nền tăng trưởng mới? - Ảnh 1

 

Trên khía cạnh vi mô, xét trong ngân hàng, 3 yếu tố ảnh hưởng nhất bao gồm khả năng áp dụng công nghệ số trong các dịch vụ ngân hàng, hệ thống quản lý rủi ro và công tác kiểm soát nội bộ và chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

Với những yếu tố thuận lợi đến từ nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi, sự hỗ trợ về mặt chính sách, lãi suất thấp tiếp tục được duy trì, cùng sự linh hoạt trong điều hành của ngân hàng khi chuyển hướng mạnh mẽ trong cơ cấu hoạt động và tăng cường đầu tư công nghệ số, có 52,94% chuyên gia và ngân hàng trong khảo sát của Vietnam Report nhận định ngành ngân hàng trong năm 2021 sẽ tăng trưởng khả quan, tốt hơn một chút. 

Theo đó, tăng trưởng tín dụng cả năm có thể tương đương hoặc cao hơn mức tăng trưởng 12,13% của năm ngoái một chút. Mặc dù kết quả kinh doanh của nhóm ngành ngân hàng trong những tháng đầu năm có sự vượt trội hơn so với nhiều ngành khác, nhưng các chuyên gia đánh giá tăng trưởng cả năm chỉ đạt ở mức khả quan, không quá tích cực do tăng trưởng tín dụng của nhóm ngân hàng thiên về nhiều yếu tố chưa thực chất, còn tiềm ẩn những rủi ro, thách thức, nhất là khi dịch bệnh đang diễn biến khó lường, chưa được kiểm soát.