Ngành Ngân hàng: Gập ghềnh chặng đường phục hồi
Nhu cầu vốn của nền kinh tế thấp, trong khi áp lực nợ xấu chưa có hồi kết khiến quá trình hồi phục của ngành Ngân hàng còn nhiều gian nan, cần nhiều thời gian hơn dự kiến.
Tín dụng đình trệ những tháng đầu năm
Với khởi đầu không khả quan, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế chỉ đạt 1,34% trong quý I/2024. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong gần một thập kỷ qua, phản ánh xu hướng kinh tế chưa hoàn toàn hồi phục. Con số này chỉ cao hơn mức tăng 0,5% trong quý I/2014 và tương đương mức tăng trưởng tín dụng năm khởi phát dịch COVID-19.
Tuy nhiên, theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN), kết quả này không hoàn toàn bất ngờ trong bối cảnh triển vọng kinh tế vĩ mô thận trọng, dù có một số dấu hiệu phục hồi. Ngoài ra, tín dụng tăng mạnh trong những tháng cuối năm 2023 đã đáp ứng phần lớn nhu cầu tín dụng trong những tháng đầu năm 2024.
Cho vay doanh nghiệp tiếp tục đóng vai trò chủ chốt thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong 3 tháng đầu năm. Tuy nhiên, theo báo cáo của CBRE, lượng giao dịch bất động sản tại TP. Hồ Chí Minh vẫn giảm đáng kể khoảng 74% so với quý IV/2023.
Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch bất động sản tại Hà Nội cũng duy trì ở mức thấp. Sự ảm đảm của thị trường bất động sản một phần do nguồn cung hạn chế tại TP. Hồ Chí Minh (phân khúc cao cấp vẫn dồi dào). Vì vậy, mảng cho vay khách hàng cá nhân tương đối chậm, trong khi phân khúc khách hàng doanh nghiệp tiếp tục được khai thác tối đa.
Tăng trưởng tín dụng được dự kiến sẽ dần cải thiện hơn trong nửa cuối năm 2024 với kỳ vọng phục hồi kinh tế tích cực hơn, cùng khả năng các thông tư mới hướng dẫn áp dụng Luật Đất Đai mới được kỳ vọng ban hành vào cuối quý II/2024.
Đồng thời, dựa trên mức tăng trưởng ổn định của giá căn hộ và tỷ lệ đặt chỗ tăng cao tại các dự án sắp mở bán, khả năng phục hồi đói với mảng cho vay sẽ tích cực hơn trong nửa sau năm 2024.
Chất lượng tài sản còn nhiều biến động
Tỷ lệ nợ xấu vẫn là vấn đề “đau đầu” của các ngân hàng. Mặc dù có một vài ngân hàng thương mại cho thấy chất lượng tài sản có tín hiệu cải thiện trong quý I/2024, tỷ lệ nợ xấu trung bình của các ngân hàng niêm yết vẫn tăng đáng kể lên mức 2,2%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023 và tương đương với số liệu cuối quý II/2023. Tổng số nợ xấu của 27 ngân hàng niêm yết tăng mạnh so với cuối năm 2023 lên trên 221 nghìn tỷ đồng, tăng 14% trong quý I/2024 và tăng 31,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, số dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN được vài ngân ngân hàng công bố cũng ghi nhận xu hướng tăng, cho thấy khó khăn vẫn tương đối lớn. Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) trung bình của các ngân hàng lại giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm gần đây, còn 87,9%, giảm 6,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ nhảy nhóm sau cơ cấu và lỗ trong trường hợp phát sinh nợ xấu, theo các ngân hàng, là không cao.
Đặc tính chung của các ngân hàng có tốc độ gia tăng nợ xấu cao là sở hữu danh mục tín dụng cân bằng giữa các nhóm khách hàng, trong khi những ngân hàng có tỷ trọng khách hàng cá nhân cao lại ghi nhận sự cải thiện về chất lượng tài sản. Ngoài ra, việc kinh tế không hồi phục mạnh mẽ như mong đợi trong quý I/2024, tình trạng trầm lắng của thị trường bất động sản cũng đã làm tăng nợ xấu trong danh mục cho vay mua nhà.
Quá trình xử lý nợ xấu được cho là sẽ kéo dài hơn dự kiến khi tốc độ phục hồi của ngành Bất động sản chưa có tín hiệu rõ ràng. Hơn nữa, áp lực lạm phát cũng ít nhiều tác động tới đà tăng trưởng của nền kinh tế. Vì vậy, chặng đường phục hồi chất lượng tài sản của ngành Ngân hàng sẽ mất nhiều thời gian hơn so với dự kiến ban đầu là nửa cuối năm nay.
Nếu nhìn vào mặt tích cực, kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước gia hạn thời gian hiệu lực của Thông tư số 02/2023/TT-NHNN sẽ giúp ngân hàng “ẩn” được nợ xấu, cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp tạm thời dễ thở hơn.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã cố gắng duy trì lãi suất thấp để hỗ trợ các đối tượng vay vốn, nhằm ngăn ngừa các khoản nợ xấu mới phát sinh.