Ngành nghề kinh doanh có điều kiện: Không phải càng bỏ nhiều càng tốt !

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Đây là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đặng Huy Đông tại buổi Tọa đàm "Kết quả sơ bộ rà soát các ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện" do Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 6/10.

Ngành nghề kinh doanh có điều kiện: Không phải càng bỏ nhiều càng tốt !
Việt Nam có 4 hoạt động kinh doanh chủ yếu là: sản xuất, nuôi, trồng; tư vấn, dịch vụ; mua, bán; nghiên cứu và thử nghiệm. Nguồn: internet

Khi phân tích về thực trạng việc chuẩn hóa ngành nghề kinh doanh, ông Phan Đức Hiếu, Tổ phó Tổ rà soát cho biết, việc gọi tên các ngành nghề kinh doanh có điều kiện hiện chưa thống nhất và chưa có nguyên tắc chung.

Bên cạnh đó, hiện đang tồn tại sự trùng lặp trong quản lý nhà nước. Và, để chứng minh cho nhận định trên, ông Hiếu đưa ra ví dụ: Bộ Công an quản lý 18 ngành nghề kinh doanh với giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự. Rất nhiều ngành nghề trong số này cũng đồng thời thuộc quản lý của những ngành khác, như: karaoke, vũ trường, xóa bóp...

Thực tế cho thấy, Việt Nam có 4 hoạt động kinh doanh chủ yếu là: sản xuất, nuôi, trồng; tư vấn, dịch vụ; mua, bán; nghiên cứu và thử nghiệm. Tuy nhiên, các hoạt động này lại không thể tách bạch hoàn toàn. Ví dụ: sản xuất có thể bao gồm nghiện cứu, thử nghiệm...

Trước những thực trạng trên, ông Hiếu kiến nghị, nên thống nhất nguyên tắc đặt tên là: tên hoạt động kinh doanh + tên sản phẩm, dịch vụ. Bên cạnh đó, thống nhất làm đối với những ngành nghề do nhiều cơ quan cùng quản lý.

Đồng tình với kiến nghị này, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết, với vai trò của Nhà nước là kiến tạo và cung cấp các dịch vụ công thì các doanh nghiệp chính là khách hàng. Do vậy, để tại thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải phối hợp với nhau để trong quá trình rà soát thống nhất được cơ quan nào làm chủ, tránh tình trạng một ngành có tới hai cơ quan cùng quản. Ví dụ: Karaoke nên giao cụ thể Bộ Công an làm chủ hay do Bộ Văn hóa làm chủ.

Cũng tại Tọa đàm, Thứ trưởng Đặng Huy Đông chỉ rõ, mục tiêu của việc rà soát ngành nghề kinh doanh có điều kiện không phải là bỏ đi càng nhiều thủ tục càng tốt, mà phải làm rõ “cái gì cần thì giữ lại, còn không cần thì bỏ”.

Thứ trưởng cũng nhắc nhở, nếu không bỏ phải nêu rõ được lý do, phải công khai, minh bạch các điều kiện để doanh nghiệp và người dân biết nhằm tránh tình trạng xin – cho. Đồng thời, giảm bớt được gánh nặng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch.

Các ngành nghề kinh doanh có điều kiện phải cần cân nhắc giữa chi phí và tính khả thi. Trong quá trình rà soát các ngành, các bộ phải trả lời tại sao phải có giấy phép và ngược lại, nếu bỏ thì hệ lụy là gì? Nếu lý do không thực sự thuyết phục thì phải xem lại cả tính hợp lý và tính cần thiết của các điều kiện kinh doanh cụ thể.

Bên cạnh đó, trong phương thức rà soát, Thứ trưởng đề nghị, ngoài các chuyên gia độc lập, thì nên thêm các đại diện là những người thực thi điều kiện kinh doanh, như: doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề... vào Nhóm rà soát để thu được kết quả mang tính khách quan.

Về tính rõ ràng và cụ thể, Thứ trưởng cho rằng, các điều kiện kinh doanh mang tính định tính quá nhiều thì phải được loại bỏ để tránh tình trạng “nay thế này, mai thế kia”.

Thêm vào đó, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thông tin, Thứ trưởng chỉ rõ, việc đăng tải thông tin về điều kiện kinh doanh trên Cổng Thông tin Doanh nghiệp Quốc gia là thực sự cần thiết.