Ngành Nông nghiệp Lào Cai: Chung tay bảo vệ môi trường

PV.

(Taichinh) - Nhằm góp phần chung tay bảo vệ môi trường, ngành Nông nghiệp Lào Cai đã có nhiều hoạt động thiết thực từ việc thu gom, xử lý bao bì thuộc bảo vệ thực vật. Hoạt động này không chỉ bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe người dân mà còn thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới...

Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), việc nhập khẩu và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đang gia tăng một cách đáng báo động. Số lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu từ 20.000 tấn năm 2005 lên đến gần 50.000 tấn năm 2014. Cả nước có khoảng 20.000 đại lý buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, 97 nhà máy chế biến thuốc với khoảng 30.000 - 40.000 tấn/năm. Cùng với đó, số lượng phân bón cũng tăng đáng kể, Việt Nam hiện sử dụng khoảng 10 triệu tấn phân bón các loại mỗi năm.

Mỗi năm hoạt động nông nghiệp phát sinh khoảng 9.000 tấn chất thải nông nghiệp nguy hại, chủ yếu là thuốc bảo vệ thực vật, trong đó không ít loại thuốc có độ độc cao đã bị cấm sử dụng. Ngoài ra, cả nước còn khoảng 50 tấn thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu tại hàng chục kho bãi; 37.000 tấn hóa chất dùng trong nông nghiệp bị tịch thu đang được lưu giữ chờ xử lý.
Đặc biệt, việc sử dụng thuộc bảo vệ thực vật xong, bà con vứt bao bì thuốc bảo vệ thực vật tràn lan ra đồng ruộng, đây là loại rác thải nguy hại, nhưng hầu hết không được xử lý. Cùng với đó là chất thải trong sản xuất, chăn nuôi. Tất cả những nguồn này sẽ ngấm xuống đất, nước ngầm, gây ô nhiễm đất, nước và sẽ có những tác động ngược lại đến sức khỏe con người.

Lào Cai cũng không nằm ngoài thực trạng trên. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại Lào Cai cũng khá phổ biến trong sản xuất nông nghiệp và việc vứt bỏ bao bì trên các cánh đồng đã trở thành thói quen khá phổ biến của người dân.

Đây là tác nhân gây ô nhiễm môi trường tự nhiên và có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Để khắc phục tình trạng này, những năm gần đây ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai có hiệu quả mô hình thu gom rác thải, bao bì, thuốc BVTV trên đồng ruộng. Điều đáng mừng là mô hình này ngày càng được nhân rộng và nhận được sự đồng tình hưởng ứng của người dân.

Xã Bản Xen, huyện Mường Khương có diện tích đất nông nghiệp trên 1.000 ha, trong đó, diện tích lúa nước là 150 ha, diện tích đất trồng ngô gần 300 ha, diện tích chè trên 500 ha. Là xã điển hình trong xây dựng nông thôn mới nên người dân Bản Xen có trình độ thâm canh cao, việc sử dụng thuốc BVTV cũng phổ biến hơn nhiều nơi khác. Trước đây, tại Bản Xen, chai, lọ, vỏ bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng chủ yếu vứt lại trên đồng ruộng, nương đồi, ven đường giao thông gây mất mỹ quan và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống, nhất là nguồn nước bề mặt, nguồn nước ngầm.

Tháng 2/2014, xã Bản Xen thành lập mô hình “Cộng đồng tự quản thu gom bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng”, đây là mô hình hoạt động theo nhóm tự quản do trưởng thôn làm nhóm trưởng, các thành viên gồm cán bộ khuyến nông, cán bộ chi hội nông dân, phụ nữ, đoàn viên chi đoàn. Nhóm tự quản chịu trách nhiệm phụ trách khu vực, cánh đồng về việc kiểm tra, giám sát khi người dân sử dụng thuốc BVTV và yêu cầu mọi người bỏ vào các bể chứa đúng nơi quy định.

Được tập huấn, nên bà con đã hiểu rõ hơn tác hại của rác thải độc hại là bao bì thuốc bảo vệ thực vật, do đó ai cũng ý thức được cần phải bỏ rác thải thuốc bảo vệ thực vật vào bể chứa để giữ môi trường sống trong sạch. Mô hình này đã phát huy hiệu quả tích cực đối với bảo vệ môi trường tại khu vực nông thôn, trong thời gian tới, địa phương sẽ huy động thêm nguồn lực để đầu tư xây nhiều bể chứa rác thải hơn nữa. Đó cũng là mục tiêu quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và để nâng cao chất lượng, đảm bảo nguồn nông sản hàng hóa sạch.

Tại các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh, việc sử dụng thuốc BVTV an toàn đang là vấn đề được cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm. Đó là việc nông dân không tuân thủ thời gian cách ly sau khi phun thuốc, tình trạng vứt vỏ bao bì thuốc BVTV bừa bãi sau khi sử dụng đang tạo nguy cơ lớn về ô nhiễm nguồn nước, gây ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến chăn nuôi và sức khỏe của cộng đồng.

Từ năm 2012, Chi cục BVTV tỉnh đã triển khai Dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng tự quản thu bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng” và được thực hiện tại vùng chè Mường Khương, vùng sản xuất lúa chất lượng cao tại huyện Bảo Yên và xã Bản Xen (Mường Khương).

Đến nay, Dự án đã hỗ trợ xây dựng 66 bể chứa ngay trên các cánh đồng, nương đồi để chứa chai lọ, vỏ bao thuốc BVTV sau khi sử dụng. Cùng với đó, trạm BVTV các huyện đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân quy cách sử dụng thuốc BVTV an toàn theo nguyên tắc “4 đúng”. Việc xây dựng các bể chứa vỏ thuốc BVTV cũng khá hợp lý, bởi trước khi thực hiện, các thôn đều tổ chức họp dân để lựa chọn vị trí, vừa thuận lợi trong sản xuất nhưng cũng tránh xa nguồn nước, xa khu dân cư.

Đánh giá của cơ quan chuyên môn là mô hình “Cộng đồng tự quản thu gom bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng” đã phát huy được hiệu quả khá tích cực, tạo sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ và người dân trong bảo vệ môi trường tại khu vực nông thôn. Tuy nhiên, rác thải là chai lọ, vỏ bao bì thuốc BVTV không thể tiêu hủy theo cách thông thường là chôn hoặc đốt mà phải có quy trình kỹ thuật khắt khe nên rất cần sự hỗ trợ, đầu tư của các cấp, ngành và sự chung tay đóng góp của toàn cộng đồng.

Bảo vệ môi trường nông thôn trước vấn đề sử dụng thuốc BVTV đang cần được nhân rộng, đó cũng là một trong những mục tiêu hướng đến nền sản xuất nông nghiệp sạnh, bền vững và thân thiện với đời sống.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để giảm và hạn chế vấn đề ô nhiễm đất nông nghiệp, Việt Nam nói chung cũng như Lào Cai cần xây dựng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể để khuyến khích người nông dân bảo vệ môi trường trong quá trình sử dụng đất nông nghiệp. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn bà con cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón... đúng cách.