Cần tăng tín dụng cho chương trình giảm nghèo
(Taichinh) - Sau 6 năm thực hiện, hiệu quả tích cực của Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo là không thể phủ nhận, cuộc sống của người dân thụ hưởng chương trình này được nâng lên, bộ mặt nông thôn đã có nhiều thay đổi… Tuy nhiên, để chương trình thực sự phát huy được hiệu quả tích cực như mục tiêu đề ra, cần phải có phương án triển khai hợp lý hơn nữa, trong đó có việc phân bổ hợp lý nguồn vốn dành cho chương trình.
Từ các chủ trương, chính sách
Nhằm tạo sự chuyển biến nhanh hơn về đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các huyện nghèo, bảo đảm đến năm 2020 ngang bằng các huyện khác trong khu vực, ngày 27.12.2008, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo. Để nâng cao hiệu quả của Chương trình 30a, ngày 31.12.2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Quyết định số 2621/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số mức hỗ trợ phát triển sản xuất quy định tại Nghị quyết số 30a. Theo đó, ngoài chính sách về hỗ trợ bảo vệ rừng, phát triển rừng và sản xuất nông lâm kết hợp; hỗ trợ khai hoang phục hóa hoặc ruộng bậc thang để sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế theo quy hoạch, các huyện nghèo này còn được thụ hưởng thêm một số chính sách đặc thù khác.
Theo Quyết định 2621, các hộ nghèo trên địa bàn huyện nghèo 30a được vay vốn với lãi suất chỉ bằng nửa lãi suất hộ nghèo ở các khu vực khác trong thời gian không quá 3 năm để chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy hải sản và mở rộng ngành nghề. Đây cũng là một động lực lớn để các hộ nghèo khu vực này cố gắng vươn lên, tránh tâm lý ỷ lại (trước đây, các hộ thuộc các huyện nghèo trong một số chương trình được vay với lãi suất 0%).
Đồng hành với Chính phủ trong quyết tâm thực hiện mục tiêu giảm nghèo, từ góc độ của cơ quan lập pháp, QH coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng. Ngày 24.6.2014, QH đã ban hành Nghị quyết số 76/2014/QH13 đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020. Theo đó, Nghị quyết đánh giá, những thành tựu trong công tác giảm nghèo đã góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, Nghị quyết cũng chỉ rõ những hạn chế: kết quả thực hiện chính sách giảm nghèo chưa thật bền vững; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn cao; vẫn còn tình trạng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước; việc lồng ghép chính sách, cân đối nguồn lực và công tác quản lý điều hành thực hiện chính sách giảm nghèo còn hạn chế. Nghị quyết cũng yêu cầu Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ cụ thể để triển khai hiệu quả các chương trình nhằm đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020.
Đến thực tế triển khai
Một chủ trương đúng đắn có đi vào cuộc sống, có thực sự mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội hay không rất cần phương án triển khai phù hợp.
Từ thực tế giám sát, khi nhận diện về hạn chế trong việc thực hiện chính sách pháp luật đối với giảm nghèo, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đã có sự chồng chéo, manh mún, dàn trải trong các chính sách giảm nghèo. Trong cơ chế điều hành vẫn còn những vướng mắc, khó khăn, đặc biệt là hiệu quả lồng ghép các chính sách về giảm nghèo tại địa phương còn thấp. Sự huy động nguồn lực xã hội vẫn chưa tương xứng với yêu cầu và tiềm năng.
Cũng theo Phó chủ nhiệm Nguyễn Mạnh Hùng, nếu nhìn vào các hạn chế thiếu sót này thì có thể thấy nguyên nhân ở cả góc độ thiết kế chính sách cũng như tổ chức thực hiện. Về thiết kế chính sách, có thể nói nguồn lực không đi liền với chính sách, nhiều chính sách ta mong muốn thì lớn nhưng nguồn lực không đáp ứng. Trong tổ chức thực hiện thì chồng chéo, manh mún, dàn trải. Một điểm nữa là phân cấp cho địa phương chưa đủ mạnh để địa phương có thể chủ động hơn trong thực hiện giảm nghèo.
Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết Nghị quyết số 30a của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo mới đây, Báo cáo của Bộ LĐ, TB và XH cho thấy, mặc dù, những năm qua kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, song QH, Chính phủ luôn dành nguồn lực ưu tiên đầu tư cho các huyện nghèo, tập trung ưu tiên về nguồn lực, thực hiện nhiều cơ chế, chính sách đặc thù và toàn diện. Các mục tiêu giảm nghèo nhanh, cải thiện đời sống của người dân, cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, thu hẹp dần khoảng các chênh lệch về mức sống so với các vùng khác, củng cố và tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội… đã cơ bản đạt được.
Tuy nhiên, Báo cáo cũng cho thấy, tính đến cuối năm 2014, tỷ lệ nghèo bình quân của 61 huyện nghèo còn cao gấp 5,5 lần so với tỷ lệ bình quân của cả nước; một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao trên 50%, cá biệt có huyện cao trên 60 - 70%; kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng tỷ lệ hộ cận nghèo lại tăng; số hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm hơn 90% tổng số hộ nghèo chung tại các huyện nghèo; hệ thống cơ sở hạ tầng đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của người dân và địa phương, cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động chuyển dịch chậm.
Những con số trong Báo cáo cho thấy, mặc dù đã có sự vào cuộc của QH, Chính phủ, các cấp, các ngành nhưng mục tiêu giảm nghèo bền vững dường như vẫn chưa đạt được. Một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước có ý nghĩa nhân văn sâu sắc; tạo được sự đồng thuận cao, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng và huy động được các bộ, ngành, các cấp tham gia nhưng hiệu quả lại chưa được như mong muốn. Câu hỏi đặt ra là, có phải chính sách triển khai về giảm nghèo chưa thực sự đến được với người dân hay chúng ta vẫn còn thiếu nguồn lực để triển khai hiệu quả?
Cần tăng tín dụng cho chương trình giảm nghèo
Để đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, tại Nghị quyết số 76/2014/QH13, QH đã yêu cầu Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, trong đó giai đoạn 2016-2020, Chính phủ cần tăng nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; điều chỉnh đối tượng, mức vay, lãi suất, thời hạn tín dụng cho vay phù hợp gắn với chính sách khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư. HĐND các cấp có trách nhiệm xây dựng và ban hành chính sách, phân bổ nguồn lực và giám sát việc thực hiện chính sách giảm nghèo tại địa phương…
Trước tình hình hộ nghèo vẫn còn quá lớn, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết Nghị quyết 30a mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu phải tiếp tục rà soát để loại bỏ những chính sách trùng lặp, kém hiệu quả, bổ sung những chính sách cần thiết. Cùng với đó, các bộ, ngành hữu quan tiếp tục chuẩn bị, cân đối, bảo đảm và tăng nguồn lực của Trung ương trong trung hạn cho chương trình này. Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương dành nguồn lực của địa phương thực hiện chương trình giảm nghèo; lồng ghép hiệu quả chương trình giảm nghèo với các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội khác, kiểm soát tốt các nguồn lực đầu tư. Tiếp tục quan tâm huy động từ các nguồn khác để tăng tín dụng cho chương trình giảm nghèo.
Về nguồn vốn dành cho chương trình, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội, thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững Dương Quyết Thắng cho biết, tại 61 huyện nghèo trong hơn 6 năm qua (từ năm 2009 đến tháng 4.2015), Ngân hàng đã giải ngân 16.283 tỷ đồng; doanh số thu nợ đạt 9.981 tỷ đồng. Tính đến ngày 30.4.2015, tổng dư nợ tại 61 huyện nghèo là 10.156 tỷ đồng với gần 455 nghìn khách hàng còn dư nợ...
Để nâng cao hiệu quả của chính sách tín dụng trong việc giảm nghèo, ông Thắng đề nghị Chính phủ sớm ban hành quy chế cho vay đối với hộ mới thoát nghèo theo kiến nghị của địa phương để hộ mới thoát nghèo ổn định cuộc sống, bảo đảm giảm nghèo bền vững. Đồng thời, cần giảm lãi suất cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, cân đối nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để tập trung nguồn lực cho vay hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, vùng đặc biệt khó khăn…
Giảm nghèo và tiến tới giảm nghèo bền vững là mục tiêu phấn đấu của chúng ta trong thời gian tới. Điều này, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, bộ, ngành trong thực hiện lồng ghép các chính sách, trong đó, một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu chính là nguồn vốn đầu tư hợp lý cho chương trình hỗ trợ giảm nghèo.