Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình khẳng định vị thế

PV.

Với những thành tích đã đạt được trong suốt 70 năm qua, tập thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình đã khẳng định rõ được vai trò, vị trí của ngành trong việc phát triển kinh tế, ổn định chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ninh Bình vốn là tỉnh thuần nông. Từ năm 2005 trở về trước nông nghiệp vẫn là ngành chiếm tỷ trọng cao trong GDP của tỉnh và có tới hơn 85% số lao động địa phương tham gia vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Từ năm 2010 đến nay, nông nghiệp là ngành chiếm tỷ trọng thấp nhất trong thu ngân sách của tỉnh (hơn 16%), song nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế quan trọng bởi số lao động nông thôn tham gia trong lĩnh vực này đông hơn cả và diện tích đất canh tác vẫn chiếm đa số. Nông nghiệp không chỉ đóng vai trò quyết định trong việc ổn định đời sống của gần một triệu người ở địa phương mà còn tác động đáng kể đến phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Trong bối cảnh đó, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn giữ vững và phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần khắc phục khó khăn, năng động, sáng tạo và đã tạo nên những bước đột phá, sự chuyển biến mạnh trong sản xuất nông nghiệp.

Đến nay, ngành Nông nghiệp đã có bước phát triển khá toàn diện theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, nổi bật là những kết quả đạt được trong thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung toàn tỉnh Ninh Bình.

Kinh tế nông nghiệp chuyển dịch và phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước đổi mới mô hình sản xuất nông nghiệp ngày càng tiên tiến. Từ một tỉnh thiếu lương thực, Ninh Bình đã vươn lên đảm bảo an ninh lương thực, có dự trữ và sản xuất hàng hoá. Diện tích trồng lúa hai vụ luôn được duy trì 80.000 ha, liên tục nhiều năm nay được mùa, năng suất và sản lượng các năm đều tăng.

Cơ cấu cây trồng từng bước được chuyển đổi, hàng nghìn ha đất trồng cây có giá trị kinh tế thấp được chuyển sang các loại cây có giá trị kinh tế cao. Cơ cấu giống có chuyển biến tích cực theo hướng tăng diện tích lúa thuần, giảm diện tích lúa lai và đặc biệt là diện tích lúa chất lượng cao được mở rộng, năm 2015 toàn tỉnh có gần 40.000ha diện tích lúa chất lượng cao. Đã xuất hiện mô hình “cánh đồng mẫu lớn” và đưa cơ giới vào đồng ruộng ở nhiều địa phương.

Các hình thức liên kết, hợp tác giữa nhà khoa học, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được tăng cường. Cây trồng vụ đông được đa dạng hơn, tập trung chủ yếu là các cây có hiệu quả kinh tế và thị trường tiêu thụ.

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng nguyên liệu chuyên canh gắn cơ sở chế biến với thị trường nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nhất là những hàng hóa nông sản, thực phẩm chế biến để xuất khẩu như: Nuôi tôm, cua biển ở vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn; trồng dứa, mía ở Nho Quan và Tam Điệp.

Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn ngày càng được nâng cấp, góp phần xoá đói giảm nghèo, ổn định chính trị xã hội.

Chăn nuôi phát triển khá toàn diện, theo hướng có hiệu quả hơn, đã có nhiều trang trại chăn nuôi theo hướng công nghiệp. Thủy sản phát triển nhanh cả về nuôi trồng và đánh bắt, cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Diện tích nuôi trồng thủy sản luôn duy trì khoảng 11.000 ha.

Ngành có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển trồng rừng. Lực lượng chức năng đã thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, khoanh nuôi bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng, trồng rừng ngập mặn do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ triển khai có hiệu quả, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 20%.

Công tác nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã dần bám sát nhu cầu của nông dân. Chương trình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn được triển khai và thực hiện tốt, đã đưa gần 100 học viên tham gia lao động, học tập tại Israel để tiếp cận và học ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp.

Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thủy lợi, đê điều và phòng chống lụt bão, ngành Nông nghiệp đã tập trung chỉ đạo quyết liệt trong công tác thủy lợi, cán bộ thủy lợi luôn bám sát thời vụ, vận hành hệ thống công trìnhđể đảm bảo phục vụ đủ nước cho sản xuất; luôn chủ động phương án phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, phòng hộ đê toàn tuyến và các hồ, đập trên toàn tỉnh; chuẩn bị đủ các phương tiện hộ đê, đảm bảo an toàn cho sản xuất và đời sống nhân dân. Chương trình cấp nước và vệ sinh nông thôn đã tạo ra sự chuyển biến tích cực. Đến nay toàn tỉnh đã có 82 công trình cấp nước tập trung hoạt động, đưa tỷ lệ người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho nông thôn đạt 91%.

Trong lĩnh vực phát triển nông thôn, Ngành đã chủ động tham mưu cho tỉnh cơ chế, chính sách phát triển trang trại, gia trại, kinh tế tập thể để làm nền móng phát triển ngành Nông nghiệp bền vững. Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Ngành đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo tỉnh và kịp thời đề xuất các cơ chế, chính sách, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến năm 2015 có 40 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới.

Với truyền thống đoàn kết, lao động, sáng tạo, khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ và những thành tích đạt được, trong những năm qua nhiều tập thể, cá nhân của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã được Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ tặng nhiều Huân chương cao quý và các phần thưởng vinh dự như: Huân chương độc lập hạng Nhì, cờ thi đua, bằng khen của Chính phủ...