Ngành Tài chính chống thất thu ngân sách hiệu quả từ thanh, kiểm tra

Trần Huyền

Để chống thất thu ngân sách nhà nước hiệu quả, một trong những giải pháp được Bộ Tài chính sát sao chỉ đạo các đơn vị thực hiện là thanh tra, kiểm tra. Công tác này đã phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần thu đúng, thu đủ vào ngân sách nhà nước, đảm bảo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước.

Công tác thanh, kiểm tra được ngành Tài chính chú trọng thực hiện. Ảnh: internet
Công tác thanh, kiểm tra được ngành Tài chính chú trọng thực hiện. Ảnh: internet

Nhận diện những lĩnh vực có rủi ro cao

Ngay từ đầu năm 2024, Bộ Tài chính đã chỉ đạo, quán triệt các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thực hiện xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai kế hoạch thanh tra năm 2024. Đồng thời, bố trí lực lượng, tổ chức triển khai kịp thời các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất, đáp ứng chỉ đạo của Chính phủ và ngành Tài chính.

Các đơn vị tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thanh tra, kiểm tra; tích cực trao đổi, phối hợp, nắm thông tin từ các cơ quan liên quan. Toàn Ngành tập trung thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm các vấn đề quản lý của ngành Tài chính; áp dụng nguyên tắc thanh tra, kiểm tra theo cơ chế rủi ro.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, năm 2024, riêng Thanh tra Bộ đã triển khai thực hiện 31 cuộc thanh tra và 02 cuộc kiểm tra theo kế hoạch. Thanh tra Bộ đã ban hành 37 kết luận thanh tra; 11 báo cáo kết quả kiểm tra, biên bản kiểm tra. Kết quả kiến nghị xử lý tài chính 17.942.705 triệu đồng, trong đó: kiến nghị nộp ngân sách nhà nước 2.872.034 triệu đồng; kiến nghị xử lý tài chính 15.070.609 triệu đồng; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 2.001 triệu đồng. Các đơn vị đã thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước 643.621 triệu đồng.

Ngành Tài chính cũng chú trọng chống thất thu trong lĩnh vực thuế. Cơ quan thuế đã tập trung phân tích cơ sở dữ liệu lớn về người nộp thuế qua các nguồn dữ liệu thu thập được từ các hồ sơ khai, nộp thuế, hệ thống hóa đơn điện tử. Từ đó nhận diện những lĩnh vực có rủi ro cao về thuế, có dư địa thu lớn để xây dựng các chuyên đề thanh tra, kiểm tra, chống thất thu như: Nông sản nhập khẩu; lĩnh vực vận tải, BOT; quản lý hộ kinh doanh; sản phẩm chăn nuôi; kinh tế đêm; kinh tế chia sẻ, khai thác khoáng sản, đá cát sỏi, nhận cổ tức bằng cổ phiếu...

Đặc biệt, cơ quan thuế tập trung phòng chống gian lận hóa đơn, chống chuyển giá đối với những doanh nghiệp có giao dịch liên kết để tổ chức triển khai thống nhất trong toàn Ngành; tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan để đấu tranh chống các hành vi trốn thuế, gian lận thuế và tội phạm về thuế. Cùng với đó, tổ chức các hội nghị toàn quốc để phổ biến các hành vi, phương thức gian lận, trốn thuế nhằm thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp xử lý, nâng cao nghiệp vụ cho công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra.

Năm 2024, cơ quan thuế đã thực hiện được 62.932 cuộc thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, đạt 97,5% kế hoạch năm 2024; kiểm tra được 574.397 lượt hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 62.735 tỷ đồng, bằng 102% so với cùng kỳ năm 2023.

Chủ động phối hợp, thu thập thông tin

Trong lĩnh vực hải quan, cơ quan hải quan đã chủ động thu thập thông tin, bố trí lực lượng triển khai kế hoạch thanh tra chuyên ngành. Đồng thời, tăng cường kiểm tra nội bộ theo hình thức chuyên đề, công vụ đột xuất, trực tuyến thông qua các hệ thống thông tin nghiệp vụ hải quan và hệ thống camera giám sát; tăng cường điều tra phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trên toàn quốc. Qua đó, kịp thời phát hiện các sai phạm, kiến nghị để thu hồi ngân sách nhà nước.

Năm 2024, cơ quan hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 16.390 vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại với số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là 901,58 tỷ đồng. Lực lượng hải quan thực hiện 1.852 cuộc kiểm tra sau thông quan, tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là 906,6 tỷ đồng, đã thực thu vào ngân sách nhà nước số tiền 584,52 tỷ đồng. Đồng thời, thực hiện 47 cuộc thanh tra chuyên ngành với số tiền kiến nghị truy thu là 20,6 tỷ đồng; 99 cuộc kiểm tra nội bộ, thu nộp ngân sách nhà nước 5,3 tỷ đồng. Qua kiểm tra trị giá hải quan, tổng số tiền thuế điều chỉnh tăng thêm sau tham vấn là khoảng 312 tỷ đồng.

Nhờ có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các đơn vị liên quan, chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra tài chính đã được nâng cao với các kiến nghị đề xuất thiết thực, phục vụ cho công tác quản lý điều hành tài chính ngân sách. Qua thanh tra, kiểm tra đã kiến nghị xử lý tài chính, thu nộp ngân sách nhà nước và thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp có vi phạm, giúp chấn chỉnh công tác quản lý tài chính ngân sách tại các đơn vị. Từ đó cũng kiến nghị với các bộ, ngành, địa phương bổ sung các quy trình, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đảm bảo đúng pháp luật và phù hợp với thực tế.

Bước sang năm 2025, thanh tra, kiểm tra tiếp tục được Bộ Tài chính xác định là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm chống thất thu ngân sách nhà nước. Theo đó, toàn Ngành tiếp tục triển khai thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, đảm bảo thời hạn, chất lượng; tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin giữa các đơn vị trong và ngoài ngành nhằm ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực thuế và các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa.

Ngành Tài chính cũng tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm tra trong sạch, vững mạnh có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Theo đó, tăng cường bồi dưỡng bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ sâu và có kỹ năng thanh tra, kiểm tra để đảm bảo lực lượng thanh tra là lực lượng đi đầu trong việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý các sai phạm trong ngành Tài chính.

Chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 của Thanh tra Bộ Tài chính mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cũng yêu cầu các đơn vị phát huy những kết quả đã đạt được để thanh tra, kiểm tra tài chính tiếp tục là cộng cụ đắc lực, giúp tăng thu, tiết kiệm chi, sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực; kịp thời phát hiện những sơ hở, yếu kém trong quản lý tài chính - ngân sách; đề xuất, tham mưu, kiến nghị với Lãnh đạo Bộ nhằm khắc phục và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước.