Ngành Tài chính: Vượt qua khó khăn, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ
(Tài chính) Năm 2014 qua đi để lại nhiều dấu ấn, nỗ lực của ngành Tài chính từ trung ương đến địa phương, từ các đơn vị tham mưu giúp việc đến các tổng cục, các cục, vụ, viện... Với phương châm bao quát, toàn diện trong nghiên cứu xây dựng chính sách pháp luật, quyết liệt, dứt điểm trong tổ chức triển khai, nỗ lực sáng tạo, vượt khó, đoàn kết đồng lòng, ngành Tài chính đã đạt được những kết quả đáng kể trong một năm đầy thách thức và nhiều áp lực. Tin tưởng rằng với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương và với quyết tâm cao của toàn Ngành, ngành Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện thành công nhiệm vụ năm 2015 mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao cho.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật tài chính
Năm 2014, tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt, cụ thể và có hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, chính quyền địa phương chủ động đề xuất, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước. Những điểm sáng trong năm qua được nhân dân, xã hội và cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận là bên cạnh việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách, ngành Tài chính đã quyết liệt thực hiện có hiệu quả cải cách thủ tục hành chính (TTHC); kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư; bố trí dự toán chi chặt chẽ, đảm bảo những nhiệm vụ chi cấp thiết, quan trọng nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi tăng trưởng, đảm bảo quốc phòng an ninh…
Xác định cải cách TTHC là khâu đột phá quan trọng không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (DN), nuôi dưỡng nguồn thu mà còn là yếu tố quan trọng giúp cải thiện môi trường kinh doanh, trong năm 2014, toàn ngành Tài chính đã quyết liệt thực hiện để mang lại những chuyển biến tích cực trong cải cách TTHC. Trước hết, về hoàn thiện thể chế, đã hoàn thành toàn bộ chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 4 dự án Luật và trình Quốc hội cho ý kiến để thông qua tại kỳ họp sau 1 dự án Luật. Đối với chương trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã hoàn thành hơn 90% với việc trình Chính phủ ký ban hành 9 Nghị định, 5 Quyết định và phê duyệt nhiều báo cáo, dự án. Trong đó, tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến TTHC, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh (SXKD) đặt ra; và hướng dẫn các luật, pháp lệnh có hiệu lực trong năm.
Trong phạm vi thẩm quyền, Bộ Tài chính đã ban hành 205 thông tư, thông tư liên tịch tập trung chủ yếu vào việc hướng dẫn chủ trương chính sách pháp luật mới của Đảng và Nhà nước, sửa đổi, bổ sung một số thông tư đã ban hành sau một thời gian phát sinh vướng mắc nhằm tháo gỡ khó khăn, cải cách TTHC, tạo thuận lợi cho người dân và DN.
Không chỉ dừng lại ở số lượng, thể chế tài chính, năm qua đã có một bước tiến đáng kể về chất lượng, tác động tích cực đến môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng DN. Tính cấp bách, khẩn trương, triệt để trong hoàn thiện chính sách pháp luật tài chính còn thể hiện ở chỗ lần đầu tiên nhiều văn bản quy phạm pháp luật từ luật của Quốc hội đến nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thông tư của Bộ ban hành kịp thời, có hiệu lực theo quy định tại văn bản Luật. Với sự đồng thuận của Quốc hội, của Chính phủ và của nhiều bộ, ngành, lần đầu tiên trong xây dựng thể chế, hình thức 1 luật sửa nhiều luật (Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các Luật về thuế liên quan đến 5 Luật), 1 Nghị định sửa nhiều Nghị định (Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về Thuế sửa đổi 4 Nghị định), 1 Thông tư sửa nhiều Thông tư (Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 sửa 7 thông tư; Thông tư số 151/2014/ TT-BTC sửa 4 Thông tư) đã được thực hiện đồng bộ, nhuần nhuyễn, tạo cách làm mới trong xây dựng thể chế trước yêu cầu khẩn trương của nền kinh tế.
Đột phá trong cải cách thủ tục hành chính
Trong năm 2014, cải cách TTHC thuế, hải quan là vấn đề hết sức cấp thiết.
- Trong lĩnh vực Thuế: Năm 2013, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Tài chính đã đạt được một số kết quả bước đầu trong cải cách TTHC lĩnh vực thuế. Báo cáo do Ngân hàng Thế giới công bố, Việt Nam xếp hạng 173/189 quốc gia về tiêu chí thuế với thời gian phải mất 537 trong tổng thời gian 872 giờ/ năm cho công việc này (bao gồm cả bảo hiểm xã hội). Trong khi đó, Indonesia là 259 giờ, Thái Lan là 264 giờ, Philipines là 193 giờ, Malaysia là 133 giờ và Singapore là 82 giờ. Thực tế này đã trở thành sức ép rất lớn đối với ngành Tài chính nói chung và hệ thống cơ quan quản lý thuế nói riêng.
Có ý kiến cho rằng, việc điều tra, thống kê số liệu trên có vấn đề, cần phải có sự tính toán lại. Nhưng quan điểm chung của toàn ngành Tài chính là phải nhìn thẳng vào sự thật, phải xem thách thức về việc giảm thời gian làm thủ tục thuế như là một cơ hội tốt để sửa mình. Các nguyên nhân đã được mổ xẻ - phân tích. Khâu đột phá về cắt giảm thời gian làm thủ tục thuế được xác định là phải rà soát từng thủ tục trong các văn bản quy phạm pháp luật về thuế để ban hành văn bản mới thay thế sao cho vừa đáp ứng được yêu cầu quản lý, vừa tạo thuận lợi cho người dân và DN. Một bộ phận lớn các văn bản pháp luật được xây dựng, ban hành và thực hiện trong năm qua thuộc nhóm này.
Trước hết, trong phạm vi thẩm quyền, Bộ Tài chính đã thực hiện việc rà soát TTHC thuế, làm rõ sự cần thiết ở mức hợp lý nhất của các thủ tục để ban hành và thực hiện ngay Thông tư số 119/2014/ TT-BTC ngày 25/8/2014 sửa đổi, bổ sung đồng thời 7 Thông tư hướng dẫn về thuế, tạo điều kiện pháp lý để giảm thời gian kê khai, nộp thuế 201,5 giờ/năm. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 sửa đổi bổ sung 1 số điều của các Nghị định về thuế, trên cơ sở đó đã ban hành Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 để tiếp tục giảm thêm 88,36 giờ/năm.
Đối với những nội dung thuộc thẩm quyền Quốc hội, Bộ Tài chính đã khẩn trương nghiên cứu xây dựng dự thảo Luật, đề xuất với Quốc hội việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII vừa qua. Khi Luật có hiệu lực, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và làm cơ sở cho việc ban hành theo thẩm quyền Thông tư hướng dẫn để giảm tiếp khoảng 80 giờ/năm.
Như vậy, dưới góc độ thể chế, Bộ Tài chính đã hoàn tất việc tạo cơ sở pháp lý để thực hiện mục tiêu đưa số giờ thực hiện thủ tục nộp thuế từ 537 giờ/năm xuống còn 167 giờ/năm (thấp hơn thời gian trung bình của nhóm nước ASEAN-6 là 171 giờ/năm) ngay trong năm 2015.
Có thể nói, với những nỗ lực không ngừng trong nửa cuối năm 2014, ngành Tài chính đã trải “thảm đỏ” về TTHC thuế, việc tiếp theo là phải đưa được DN, người nộp thuế lên tấm thảm đó, để đồng hành với cơ quan quản lý thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế như quy định tại Điều 47 Hiến pháp 2013, đó là: “Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế theo luật định” và để việc thu thuế được như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thu thuế, phải thu được lòng dân”.
- Trong lĩnh vực Hải quan: Để thực hiện các mục tiêu tại Nghị quyết số 19/NQ-CP và Chỉ thị 24/ CT-TTg về tăng cường quản lý, cải cách TTHC về hải quan, thực hiện đơn giản hóa thủ tục hải quan, phấn đấu đến hết năm 2015 sẽ phải giảm thời gian làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu qua cảng/cửa khẩu bằng mức bình quân chung của các nước ASEAN-6, từ đầu năm đến nay, ngành Tài chính đã triển khai áp dụng thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại (VNACCS/VCIS). Đây là tiền đề quan trọng để triển khai hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và nâng cao trình độ quản lý của cơ quan hải quan. Hiện đã có 100% cục, chi cục hải quan trong phạm vi cả nước thực hiện Hệ thống VNACCS/VCIS có sự tham gia của gần 50 nghìn DN xuất nhập khẩu, với 170,61 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu và liên quan tới 4,24 triệu tờ khai. Trong thời gian tới, nếu thực hiện tốt cơ chế một cửa quốc gia (NSW), thời gian thông quan hàng hóa sẽ giảm được 3,5 đến 4 ngày, giúp DN cắt giảm từ 10 đến 20% chi phí, 30% thời gian cho việc thông quan lô hàng xuất nhập khẩu.
Linh hoạt trong điều hành giá
Theo quy định của Luật Giá, từ năm 2013, công tác quản lý nhà nước về giá có thay đổi lớn. Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật. Đồng thời, thực hiện điều tiết giá để bình ổn giá, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước. Vấn đề bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo Luật Giá được đặt ra ngay từ đầu năm 2014. Với việc trình Chính phủ cho áp dụng cùng lúc 2 biện pháp bình ổn giá là đăng ký giá (trong 6 tháng) và công bố giá tối đa (trong 12 tháng), giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã được kiểm soát và bình ổn giảm từ vài chục nghìn đến trăm nghìn đồng/hộp. Đây là kết quả của việc lần đầu tiên thực hiện bình ổn giá theo pháp luật về giá một cách sáng tạo với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, dứt điểm, hiệu quả đối với một mặt hàng cụ thể liên quan đến đời sống người dân được dư luận đồng tình.
Đối với giá xăng dầu, trước những diễn biến bất ngờ giảm của thị trường thế giới, công tác quản lý - điều hành giá trong năm 2014 đối với mặt hàng này đã phải đương đầu với một sức ép rất lớn từ cả nền kinh tế và người dân. Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, theo dõi sát sao diễn biến giá thị trường thế giới, điều hành giá xăng dầu trong nước mềm dẻo, linh hoạt, hiệu quả hơn. Giá xăng dầu đã được điều chỉnh 24 lần (5 lần điều chỉnh tăng, 19 lần điều chỉnh giảm) với tổng mức giảm trong năm lên tới 22% - 28,7% tùy từng chủng loại mặt hàng, điều này giúp lấy lại được lòng tin của người tiêu dùng về công tác quản lý giá mặt hàng nhạy cảm này. Tiếp sau giá xăng dầu, một loạt mặt hàng thiết yếu khác đã được đưa vào diện kiểm soát với các hình thức phù hợp với pháp luật, trong đó có giá cước vận tải hành khách với mức giảm khoảng 2-10% tùy loại và tiếp tục sẽ có những điều chỉnh nữa để hình thành một mặt bằng giá mới, mang lại những lợi ích cho cả nền kinh tế và người tiêu dùng. Đánh giá kết quả này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ghi nhận: “Về công tác kiểm soát giá, Quốc hội hoan nghênh Chính phủ, Bộ Tài chính đã có những biện pháp cần thiết tổ chức thực hiện Luật Giá của Quốc hội mới ban hành năm 2013 và công tác kiểm soát giá đã được tăng cường”.
Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn bằng các chính sách tài chính
Tại bài viết nhân dịp năm mới 2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: “Pháp luật và cơ chế chính sách phải tạo thuận lợi nhất cho mọi người dân và DN”. Bên cạnh những kết quả về cải cách TTHC, bình ổn giá cả thị trường, chính sách pháp luật tài chính năm 2014 còn hướng tới việc hỗ trợ DN vượt qua khó khăn thách thức, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Điểm nổi bật nhất đó là việc Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế. Trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã bổ sung quy định không tính thuế TNDN đối với chênh lệch do đánh giá lại tài sản của DNNN khi cổ phần hóa; Sửa đổi thời gian miễn thuế từ 01 năm lên không quá 03 năm đối với thu nhập từ thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; thu nhập từ bán sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam; thu nhập từ bán sản phẩm sản xuất thử nghiệm trong thời gian sản xuất thử nghiệm theo quy định của pháp luật...
Về thuế giá trị gia tăng (GTGT), bổ sung quy định trường hợp chưa có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt do chưa đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng thì cơ sở kinh doanh vẫn được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào; Bổ sung quy định được khấu trừ thuế GTGT theo giá trị thực tế đối với ô tô dưới 9 chỗ ngồi dùng để làm mẫu và lái thử của các cơ sở kinh doanh ô tô... Về quản lý thuế: Bổ sung quy định trường hợp người nộp thuế tạm ngừng hoạt động kinh doanh; Bổ sung vào diện được áp dụng biện pháp ưu tiên trong quản lý thuế đối với một số trường hợp xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; Bổ sung quy định đối với một số trường hợp không phải khai quyết toán thuế TNDN; Quy định về việc tạm nộp số thuế TNDN; Quy định về thời gian gia hạn nộp thuế tối đa không quá 2 năm đối với trường hợp chưa được thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã được ghi trong dự toán NSNN…
Cùng với những cải cách về thủ tục hành chính, các chính sách về thuế ban hành và áp dụng trong năm 2014 nói trên đã góp phần tạo thuận lợi cho DNNN trong quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu, nâng cao sức cạnh tranh, đạt được một số kết quả bước đầu. Đó là sức cạnh tranh của DNNN từng bước được cải thiện đáng kể, tình trạng đầu tư dàn trải, đầu tư vào các ngành, lĩnh vực không phải là ngành kinh doanh chính đã bước đầu được khắc phục và chấn chỉnh; Cơ cấu DNNN đã được sắp xếp, điều chỉnh phù hợp với yêu cầu phát triển theo lĩnh vực, ngành nghề cũng như xu hướng phát triển kinh tế - xã hội qua từng giai đoạn theo chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước. Cơ chế chính sách về sắp xếp, cổ phần hóa DNNN liên tục được hoàn thiện theo hướng nâng cao chất lượng cổ phần hóa, ngăn chặn thất thoát vốn, tài sản nhà nước theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các DN thực hiện. Việc sắp xếp, cổ phần hóa DNNN đã góp phần hoàn thiện và phát triển các yếu tố thị trường, đặc biệt là thị trường chứng khoán, tạo điều kiện cho DN sau khi cổ phần hoá huy động vốn, đổi mới phương thức quản lý, công nghệ, gắn kết người lao động, ổn định và phát triển trong xu thế hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới. Và quan trọng hơn cả đó là hiệu quả hoạt động của DNNN sau khi sắp xếp, cổ phần hóa từng bước được nâng cao. Việc sắp xếp, cổ phần hóa DNNN cũng tạo thêm nguồn thu cho Nhà nước để thực hiện đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước
Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành Tài chính là thu ngân sách và đảm bảo chi cho các mục tiêu nhiệm vụ hàng năm của đất nước trong đó có an sinh xã hội. Năm 2014 thực sự là một năm quyết liệt triển khai các giải pháp thu ngân sách. Ngay sau Hội nghị tổng kết ngành Tài chính năm 2013, cùng với toàn Ngành, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đã vào cuộc, đồng bộ áp dụng công tác quản lý thuế theo TTHC mới thuận tiện hơn và cũng đề cao trách nhiệm hơn đối với người nộp thuế thông qua việc áp dụng khai thuế điện tử, khai hải quan điện tử. Quản lý sâu sát đến từng DN, nắm bắt kịp thời DN mới thành lập, DN ngừng hoạt động; tăng cường kiểm tra giám sát chặt chẽ việc kê khai hải quan và kê khai thuế đối với DN có rủi ro cao, chống các hành vi gian lận, lợi dụng chiếm đoạt tiền thuế; quyết liệt thu nợ thuế; đẩy mạnh thanh tra kiểm tra, đấu tranh chống chuyển giá, phòng chống buôn lậu…
Kết quả thu NSNN vượt 6,2% dự toán đã đóng góp tích cực vào cho việc đảm bảo chi ngân sách theo dự toán được giao theo nguyên tắc chủ động, tích cực và đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đảm bảo cân đối ngân sách các cấp; đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ chi về quốc phòng, an ninh, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội và xử lý kịp thời các nhiệm vụ quan trọng phát sinh (khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo).
Năm 2014 qua đi để lại nhiều dấu ấn, nỗ lực của toàn ngành Tài chính từ Trung ương đến địa phương, từ các đơn vị tham mưu giúp việc đến các tổng cục, các cục, vụ, viện. Với phương châm bao quát, toàn diện trong nghiên cứu xây dựng chính sách pháp luật, quyết liệt, dứt điểm trong tổ chức triển khai, đoàn kết chung sức, chung lòng, chúng ta đã đạt được những kết quả đáng kể trong một năm đầy thách thức và nhiều áp lực. Triển khai nhiệm vụ tài chính trong năm 2015, bên cạnh những chuyển biến tích cực của nền kinh tế - xã hội đạt được còn không ít khó khăn, tin tưởng rằng với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương và với quyết tâm cao của cán bộ công chức trong toàn ngành Tài chính, chúng ta nhất định sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao.