Ngành Thép đừng tự hại mình
(Tài chính) Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa có văn bản chính thức gửi đến Tổng Giám đốc các công ty, doanh nghiệp (DN) sản xuất thép trong nước yêu cầu tuân thủ, đảm bảo thực hiện đúng quy trình chất lượng đối với việc sản xuất các sản phẩm sắt thép cung ứng ra thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, cũng như giữ gìn uy tín, thương hiệu của chính các DN ngành thép.
Sở dĩ có văn bản trên bởi trước đó, trên thị trường đã xuất hiện nhiều loại sản phẩm sắt thép xây dựng kém chất lượng do chính những nhà sản xuất trong nước trực tiếp đưa ra thị trường. Điều đáng nói hơn, không chỉ một số cơ sở sản xuất tư nhân nhỏ lẻ tham gia hoạt động này mà một vài DN có quy mô, thậm chí có tên tuổi cũng đã tự hạ chuẩn chất lượng sản phẩm của mình.
Lý giải cho vấn đề này, nhà sản xuất đã tự đưa ra lời biện minh rằng, việc hao hụt đôi chút về kích thước không ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng công trình, nhất là đối với nhà dân dụng.
Tuy nhiên, ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thép Việt lại cho rằng, phần lớn thép không đạt tiêu chuẩn trên thị trường là loại thép xây dựng, không những không đảm bảo kích cỡ về chiều dài, độ dày mà quan trọng hơn mức độ tạp chất lẫn trong thành phẩm cao hơn quy định… Nếu chỉ nhìn bằng mắt thường rất khó phân biệt, nên thông thường bao giờ người có nhu cầu sử dụng cứ thấy giá rẻ là mua.
Song đối với dân xây dựng chuyên nghiệp, nhất là dân chuyên thi công các công trình lớn đều biết rất rõ về khái niệm sắt “gầy” hay còn gọi là sắt âm, có đường kính nhỏ hơn kích cỡ chuẩn trung bình khoảng 0,5-08 mm, tính chất lý hóa của thanh thép không được đảm bảo. Tuy nhiên, giá bao giờ cũng rẻ hơn sản phẩm cùng loại trung bình vài chục nghìn đồng/cuộn nên rất dễ thuyết phục khách mua, đặc biệt là những người ít am hiểu về lĩnh vực kỹ thuật.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thời gian qua do thị trường vật liệu xây dựng khó khăn về đầu ra khiến mặt hàng thép trong nước tồn kho tăng cao, đồng thời vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ hàng nhập khẩu Trung Quốc. Nên để cạnh tranh về giá và tồn tại với thị trường, một số nhà sản xuất trong nước đã tự hạ chuẩn. Song về lâu dài, cách làm này chẳng khác gì các DN ngành thép tự đào hố chôn mình, do thị trường khó có thể chấp nhận những sản phẩm kém chất lượng, nhập nhằng về giá bán, nhất là khi nó liên quan trực tiếp đến chất lượng của công trình.
Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen kiêm Phó chủ tịch VSA cho rằng, dự báo năm nay sản lượng thép thô của Trung Quốc có thể đạt 800 triệu tấn/năm (chiếm gần 50% sản lượng thép thế giới). Trong khi, sự tăng trưởng của nền kinh tế chậm đã dẫn đến việc dư thừa nguồn cung các sản phẩm thép, vì vậy các nhà sản xuất Trung Quốc đang tìm mọi cách để xuất khẩu sản lượng dư thừa này ra các nước, trong đó có Việt Nam. Hiện, giá thép của Trung Quốc xuất sang Việt Nam luôn ở mức thấp hơn giá thép trong nước khoảng 1 triệu đồng/tấn do chính sách khuyến khích xuất khẩu mà Trung Quốc áp dụng lâu nay với các DN nước này.
Tuy nhiên, việc hạ chuẩn để giảm giá, cạnh tranh với sắt thép Trung Quốc là điều hết sức phi lý, bởi DN Việt Nam cuối cùng cũng khó để cạnh tranh về giá với hàng hóa Trung Quốc. Ưu thế của DN nội chính là sân nhà, không thể vì khó khăn trước mắt mà quên đi quyền lợi của khách hàng cũng như công sức bao năm gây dựng nên uy tín của DN với người tiêu dùng trong nước. Càng khó khăn, DN lại càng phải nâng cao uy tín, chất lượng để tìm cách gây dựng niềm tin, chỗ đứng, hướng đi bền vững, thay vì chỉ giải quyết vấn đề trước mắt như hiện nay.
Với mục đích bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các DN sản xuất thép và người tiêu dùng trong nước, đối với thép làm cốt bê tông được lưu thông trên thị trường kể từ ngày 1/6/2014 bắt buộc phải áp dụng QCVN 7: 2011/BKHCN. Sau thời gian quy định nói trên, DN nào không áp dụng sẽ bị xử phạt theo Nghị định 80/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.