Ngành Thuế chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp có hoạt động liên kết
Tổng cục Thuế cho biết, sau đợt thanh tra, kiểm tra thuế tại các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), ngành Thuế đã xử phạt và truy thu hàng ngàn tỷ đồng từ nhiều công ty tên tuổi như Coca-Cola Việt Nam, Heineken, Standard Chartered…
Theo thống kê của Tổng cục Thuế, chỉ trong năm 2019, toàn ngành Thuế đã thanh tra, kiểm tra hơn 800 DN có hoạt động liên kết (trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp FDI), truy thu, truy hoàn và phạt hơn 1.700 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 7.000 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 7.500 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, thanh tra cũng xác định lại giá trị thị trường đối với giao dịch liên kết và đã truy thu hơn 660 tỷ đồng, giảm lỗ 2.600 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế gần 6.400 tỷ đồng.
Điều đáng chú ý là những đơn vị liên tục bị nhắc tên vì báo cáo lỗ như Coca-Cola Việt Nam thì lần này tiếp tục bị phạt, truy thu thuế hơn 820 tỷ đồng vì khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp. Trong đó, số thuế giá trị gia tăng bị truy thu là hơn 60 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp gần 360 tỷ đồng, thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài gần 52 tỷ đồng.
Do vậy, Coca-Cola Việt Nam đã bị phạt vi phạm hành chính 61 tỷ đồng, cùng với số tiền chậm nộp tính đến cuối năm 2019 là hơn 288 tỷ đồng. Tương tự, Heineken Việt Nam cũng bị buộc nộp số tiền hơn 823 tỷ đồng.
Mục tiêu chủ yếu và xuyên suốt của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là tối thiểu hóa nghĩa vụ thuế phải nộp, tối đa hóa lợi nhuận của cả tập đoàn, của cả tổng công ty. Với mục tiêu đó, nhiều doanh nghiệp FDI Việt Nam đã thực hiện các hành vi chuyển giá.
Nguyên nhân, Công ty Heineken Asia Pacific Pte. Ltd (trụ sở tại Singapore) ký hợp đồng chuyển nhượng 100% cổ phần tại Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Hà Nội cho Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam với trị giá hơn 4.800 tỷ đồng.
Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam đã nộp (thay) tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp với số thuế gần 823 tỷ đồng, nhưng Công ty Heineken Asia Pacific Pte. Ltd sau đó có văn bản gửi Cục Thuế TP. Hà Nội đề xuất được miễn, giảm số thuế nói trên theo Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Chính phủ Việt Nam - Singapore.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, Vụ Thanh tra (Tổng cục Thuế) kết luận Công ty Heineken phải nộp thuế tại Việt Nam nên số tiền 823 tỷ đồng sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước.
Mặc dù Chính phủ liên tục tìm giải pháp để chống chuyển giá đối với các DN có hoạt động liên kết, thế nhưng hiệu quả vẫn chưa cao như mong đợi. Một số DN có tỷ suất lợi nhuận lớn như DN sữa, nước uống, bán lẻ… vẫn liên tục báo lỗ.
Qua thanh tra, kiểm tra các DN có giao dịch liên kết, chuyển giá rất cao cho thấy nguy cơ thất thu thuế là rất lớn. Do vậy, thời gian tới, ngành Thuế cho biết sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra đối với nhóm đối tượng này.
Bên cạnh đó, để giám sát và hạn chế thất thu thuế, ngành Thuế tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở dữ liệu về tỷ suất lợi nhuận để đưa ra cơ sở so sánh; đặc biệt tiếp tục giám sát chặt, theo dõi cung đường hàng hóa của những DN hàng chục năm đầu tư kinh doanh mở rộng tại Việt Nam nhưng báo cáo lỗ, không nộp thuế.
Hiện nay, tại Việt Nam, một số thủ thuật chuyển giá mà các nhà đầu tư nước ngoài thường sử dụng gồm: Thủ thuật nâng giá tài sản cố định khi góp vốn đầu tư. Theo đó, các DN đa quốc gia thường tính giá cao hơn so với giá thị trường cho những máy móc, thiết bị nhập khẩu để góp vốn đầu tư ở Việt Nam.