Ngành thuế đặt mục tiêu dẫn đầu khu vực về kê khai nộp thuế

Theo vnexpress.net

(Tài chính) Đại diện Tổng cục Thuế cho rằng sự phức tạp khi đóng bảo hiểm xã hội là một áp lực lên quá trình cải thiện chỉ số nộp thuế tại Việt Nam.

Ngành thuế đặt mục tiêu dẫn đầu khu vực về kê khai nộp thuế
Thời gian thủ tục nộp thuế tại Việt Nam đã cải thiện nhiều so với mức 1.050 giờ trước đây. Nguồn: internet

Theo báo cáo môi trường kinh doanh (Doing Businese) của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là quốc gia có thời gian tiêu tốn cho nộp thuế gần như cao nhất khu vực với 872 giờ mỗi năm, gấp 4 lần mức trung bình của các nước châu Á - Thái Bình Dương và cao hơn Indonesia (259 giờ), Thái Lan (264 giờ), Phillipines (193 giờ), Malaysia (133 giờ) và Singapore (82 giờ).

Trong đó, lãng phí nhất là thời gian để người sử dụng lao động đi đóng các khoản an sinh xã hội bắt buộc như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… Thời gian cho hoạt động này lên tới 335 giờ với tần suất kê khai 12 lần một năm, trong khi thủ tục về thuế giá trị gia tăng tốn mất 320 giờ và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là 217 giờ.

Tại hội thảo về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh sáng ngày 4/6, bà Hoàng Thị Lan Anh - Phó trưởng Ban Cải cách Tổng cục Thuế thừa nhận thời gian nộp thuế tại Việt Nam vẫn cao nhưng đã cải thiện nhiều so với mức 1.050 giờ trước đây. Theo bà, những ứng dụng phần mềm hỗ trợ kê khai thuế điện tử, kê khai qua mạng triển khai từ năm 2008 đã góp phần giảm gần 200 giờ nộp thuế. "Tuy vậy, con số hiện tại vẫn chưa đáp ứng được mong muốn", bà Lan Anh cho biết.

Lý giải về việc liên tục cải cách nhưng chỉ số nộp thuế của Việt Nam vẫn ở mức thấp trong khu vực, vị này cho hay số liệu của Doing Businese thường có độ trễ hai năm, đánh giá về năm 2013 nhưng lại sử dụng số từ năm 2011. "Chúng tôi biết điều này nên sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu đến năm 2015 trở thành thành một trong 5 nước đứng đầu khu vực về thủ tục kê khai nộp thuế", bà nói.

Tháng 3/2014, Thủ tướng đã ký ban hành Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong đó, mục tiêu đến năm 2015 giảm 5 lần số thời gian nộp thuế, về còn 171 giờ mỗi năm. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ, cơ quan chịu trách nhiệm được giao phải giải trình trước Chính phủ, Thủ tướng.

Bà Lan Anh cho rằng Tổng cục Thuế đã chủ động tìm hiểu những vướng mắc để tháo gỡ. Ngoài ra, việc Nghị quyết ban hành sẽ tạo sức mạnh liên kết các cơ quan Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp nhằm cải cách thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, cơ quan này cũng kiến nghị phải có sự phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm Xã hội bởi khi nhìn vào nộp thuế, mọi người chỉ thấy trách nhiệm của Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính, song điểm tắc nghẽn lớn nhất hiện nay đến từ các khoản an sinh xã hội mà Bảo hiểm đang quản lý. Vị này dẫn chứng, thời gian đóng các khoản bắt buộc cho người lao động hiện lên tới 335 giờ, nếu thủ tục nộp các khoản thuế giảm còn một giờ thì vẫn còn 336 giờ, gấp đôi mục tiêu mà Chính phủ đề ra trong Nghị quyết 19.

"Cần có sự phối hợp hài hòa giữa cơ quan bảo hiểm, cơ quan thuế trong cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm số giờ tiêu tốn làm thủ tục", đại diện Tổng cục Thuế nhấn mạnh. Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng tán đồng với ý kiến cần sự phối hợp của các bên và nhất là bảo hiểm xã hội để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến nghị các văn bản pháp quy về thủ tục nộp thuế cần thống nhất, có hướng dẫn rõ ràng, ứng dụng tối đa thông tin, tránh chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm tra nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. "Nếu thực hiện được tốt nghị quyết, đưa số thời gian của Việt Nam về mức trung bình ASEAN – 6 thì môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ cải thiện vượt bậc", tiến sĩ Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Theo đánh giá của WB, năm 2013 môi trường kinh doanh Việt Nam bị xếp hạng 99 trong tổng số 189 nền kinh tế, giảm một bậc so với năm trước. Năng lực cạnh tranh quốc gia cũng bị các tổ chức quốc tế đánh giá ở mức trung bình thấp so với các nước ASEAN, chậm được cải thiện, đáng lưu ý là những vướng mắc về thành lập doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư, nộp thuế, xử lý doanh nghiệp mất khả năng thanh toán...