Ngành tre Việt: Hàng rào thuế chưa kịp gỡ, khung kỹ thuật đã dựng lên
Với những cam kết hội nhập quốc tế song phương và đa phương được ký kết trong thời gian qua, những tưởng ngành sản xuất sản phẩm từ cây tre của Việt Nam sẽ phát huy được thế mạnh trong hoạt động xuất khẩu.
Tuy nhiên trên thực tế, ngành này còn phải đối diện với rất nhiều thách thức, từ rào cản kỹ thuật, phương thức kinh doanh tập thể, hiệu quả kinh doanh, khả năng tiếp cận thị trường, tài chính và quản trị trong chuỗi giá trị của người sản xuất quy mô nhỏ…
Nội dung trên được bà Trần Thị Lan Anh - Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI cho biết tại Diễn đàn “Hợp tác công - tư nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển thị trường cho ngành Tre trước ngưỡng cửa các hiệp định thương mại,” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức.
Diễn đàn trên nằm trong khuôn khổ Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu và tre tại Việt Nam” giai đoạn 2018-2022, do tổ chức Oxfam quản lý và phối hợp thực hiện cùng các đối tác là Trung tâm hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững - ICAFIS, Trung tâm nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ - NTFPRC, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Xóa bỏ thuế hầu hết các sản phẩm
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đàm phám và ký kết khá nhiều các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, nổi bật là các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gồm thành viên ASEAN và 6 nước đối tác (gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand)…
Những hiệp định hứa hẹn sẽ mang lại lợi ích lớn cho kinh tế Việt Nam với triển vọng phát triển các sản phẩm nông nghiệp và được dự báo sẽ tăng trưởng khả quan, trong đó có sản phẩm tre, một trong những sản phẩm truyền thống của người Việt.
Để đón đầu các cơ hội, Nhà nước cũng đã ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển ngành mây tre đan.
Về các chính sách trong các cam kết hội nhập, bà Phùng Thị Phương Lan, Trưởng phòng FTA, Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI cho biết, các loại thuế quan đối với sản phẩm tre và luồng sẽ được xóa bỏ ngay sau khi các hiệp định CPTPP, EVFTA có hiệu lực. Song bên cạnh các cơ hội, những Hiệp định thương mại tự do cũng mang đến rất nhiều thách thức với những hàng rào kỹ thuật trong thương mại, những cam kết về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật…
“Việc hướng tới các thị trường khó tính luôn đòi hỏi các doanh nghiệp phải tạo ra được các sản phẩm có giá trị cao, phải chủ động nắm bắt thông tin, kiểm soát tốt nguồn nguyên liệu cũng như hoạt động sản xuất, chế biến để có thể tận dụng được lợi thế từ các cam kết trong quan hệ hợp tác,” bà Lan nói.
Hiện trạng… lạc hậu
Theo bà Nguyễn Thị Nhật Minh - Chuyên gia nghiên cứu thị trường VCCI, các vấn đề về thị trường của ngành còn nhiều tồn tại, như các doanh nghiệp phân phối sản phẩm chưa tiếp cận được nhu cầu thị trường, hoạt động xuất khẩu chủ yếu thông qua trung gian hoặc gia công cho nhãn hiệu nước ngoài, thiếu nhân lực marketing, nghiên cứu, quảng bá thị trường…
Trên thực tế, ngành sản xuất sản phẩm từ cây tre của Việt Nam vẫn trong tình trạng nhiều khó khăn với nhiều vấn đề nan giải. Điều này ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Cụ thể, trên thị trường nguyên liệu phục vụ cho ngành mây tre không ổn định về số lượng và chất lượng đồng thời số lượng và tay nghề của nhân công thì ngày càng giảm sút. Bên cạnh đó, chất lượng hàng hóa rất khó kiểm soát, mẫu mã sản phẩm nghèo nàn, không kịp đổi mới để đáp ứng nhu cầu trong nước và thế giới, thêm vào đó sản phẩm sản xuất ra hầu hết là chưa có bản quyền…
“Các cơ sở sản xuất hầu hết là công nghệ thiết bị lạc hậu, đáng nói là tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra phổ biến tại nhiều làng nghề.” Theo đó, bà Nhật Minh đề xuất các giải pháp để khắc phục những khó khăn và tồn tại trên, trong đó nhấn mạnh đến sự hợp tác giữa các thành viên trong chuỗi giá trị ngành tre và vai trò của hợp tác công - tư trong việc hỗ trợ vốn, công nghệ, đào tạo tay nghề, hỗ trợ về chuyên gia nước ngoài hướng dẫn về thiết kế bền vững, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm… cho các doanh nghiệp trong ngành tre.
Với vai trò là đối tác chính của Dự án “Phát triển toàn diện và bền vững chuỗi giá trị Tre tại Việt Nam,” có nhiệm vụ cung cấp các thông tin và hỗ trợ nhóm hợp tác công - tư các vấn đề liên quan, bà Lan Anh cho biết, Diễn đàn lần này được tổ chức nhằm chia sẻ và thảo luận các giải pháp nâng cao năng lực kinh doanh và mở rộng thị trường cho sản phẩm tre Việt Nam.
Tại đây, một số giải pháp cụ thể giúp mở rộng thị trường cho ngành tre đã được các đại biểu trình bày, như giải pháp về Thương mại điện tử, giải pháp cải thiện chất lượng vùng nguyên liệu, iải pháp xây dựng và phát triển gói thương hiệu cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các nhóm hợp tác công - tư tại địa phương (Nghệ An và Thanh Hóa) đã cùng thảo luận việc xây dựng kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thị trường cho sản phẩm tre trong vùng.