Ngày 17/01/2019, Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức Tọa đàm về chính sách và luật pháp Đất đai ở Việt Nam
Ngày 17/1/2019, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Tổng cục Quản lý Đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường và đề tài cấp Nhà nước BĐKH.41/16-20 đồng sẽ tổ chức Tọa đàm Đối thoại chính sách với chủ đề: “Những vấn đề kinh tế trong chính sách và luật pháp Đất đai ở Việt Nam”.
Hiện nay, đất đai là nguồn tài nguyên, tài sản quan trọng của quốc gia, là tư liệu sản xuất đặc biệt, là điều kiện tiên quyết, tất yếu cho mọi hoạt động sản xuất và đời sống. Quản lý nhà nước về kinh tế đất được coi như linh hồn của quản lý nhà nước về đất đai trong cơ chế thị trường để nguồn tài nguyên đất thực sự trở thành động lực cho quá trình phát triển kinh tế- xã hội vừa đảm bảo hài hoà lợi ích, tăng nguồn thu ngân sách, thúc đẩy sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn lực đất đai.
Ở Việt Nam, các chính sách kinh tế đất nói chung và huy động nguồn thu từ đất cho phát triển kinh tế - xã hội nói riêng đã liên tục được điều chỉnh, tạo chuyển biến tích cực trong quản lý nhà nước về đất đai; Các khoản thu từ đất đã trở thành một nguồn thu quan trọng cho nhiều địa phương để đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vai trò quản lý nhà nước về kinh tế đất và các chính sách kinh tế đất ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, là nguyên nhân căn bản không chỉ làm thất thoát nguồn thu từ đất mà còn tạo nên những bất cập trong công tác quản lý đất đai.
Đứng trước vấn đề trên, ngày 17/1/2019, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Tổng cục Quản lý Đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường và đề tài cấp Nhà nước BĐKH.41/16-20 đồng tổ chức Tọa đàm Đối thoại chính sách với chủ đề: “Những vấn đề kinh tế trong chính sách và luật pháp Đất đai ở Việt Nam” tại phòng hội thảo tầng G, Tòa nhà A1, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, 207 Giải Phóng, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Theo đó, Tọa đàm nghiên cứu các vấn đề kinh tế trong chính sách và luật pháp đất đai ở Việt Nam, đứng từ các góc nhìn khác nhau từ các bên liên quan như: Định giá đất theo cơ chế thị trường; Cơ chế, chính sách kinh tế trong giao đất; Cơ chế, chính sách kinh tế trong cho thuê đất; Cơ chế, chính sách kinh tế trong thu hồi và đền bù khi thu hồi đất; Cơ chế, chính sách kinh tế trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất; Hệ thống thông tin kinh tế đất; Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong quản lý kinh tế đất. Từ đó, đóng góp ý kiến vào quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai trong thời gian sắp tới.