Ngày Lương thực thế giới: Xây dựng hệ thống lương thực bền vững

Theo Tiến Dũng/nhandan.vn

Thông điệp "Không ai bị bỏ lại phía sau" được lựa chọn là chủ đề của Ngày Lương thực thế giới (16/10) năm 2022. Trong bối cảnh tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu ngày càng đẩy nhiều người vào nạn đói, Liên hợp quốc kêu gọi các nước đoàn kết giải quyết nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, Ngày Lương thực thế giới năm nay diễn ra vào thời điểm thế giới đứng trước những thách thức chưa từng có, do cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu gây ra. Khoảng 345 triệu người đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, trong đó người dân tại châu Phi là đối tượng phải gánh chịu những ảnh hưởng nặng nề nhất.

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực công bố mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo, 123 triệu người (khoảng 12% dân số châu Phi cận Sahara) có nguy cơ bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng vào cuối năm 2022.

Nguyên nhân chính của những con số đáng báo động nêu trên là tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, tình trạng hạn hán kéo dài do biến đổi khí hậu và cuộc xung đột ở Ukraine. Lượng mưa thấp kỷ lục suốt 3 năm qua đã đẩy nhiều cộng đồng dân cư tại châu Phi đến bờ vực thảm họa. Ðợt hạn hán giai đoạn 2020-2022 đã vượt qua những trận hạn hán trước đây về cả thời gian và mức độ nghiêm trọng. Văn phòng Ðiều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cảnh báo, nạn đói tại khu vực Sừng châu Phi có thể diễn biến theo chiều hướng xấu hơn và kéo theo nhiều hậu quả thảm khốc.

Theo Liên hợp quốc, cuộc xung đột tại Ukraine đã khiến hoạt động thương mại toàn cầu bị gián đoạn, làm tăng chi phí vận chuyển và thời gian giao hàng, đồng thời khiến người nông dân tại nhiều khu vực không thể tiếp cận nguồn vật tư và phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các thỏa thuận cung cấp lương thực và phân bón, mà Nga và Ukraine đạt được tháng 7 vừa qua dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, đã góp phần xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Khoảng 6,8 triệu tấn nông sản của Ukraine được xuất khẩu thông qua "hành lang an toàn" trên Biển Ðen, phân phối cho thị trường thế giới. Tuy nhiên, thời điểm thỏa thuận hết hạn vào tháng 11 tới đến rất gần, song việc gia hạn vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ, do các bên bất đồng về việc thực thi.

Bên cạnh đó, tình trạng hạn hán kéo dài, sự gián đoạn nguồn cung từ hai vựa lương thực của thế giới là Nga và Ukraine phần nào đẩy giá lương thực lên cao. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) nhấn mạnh, mặc dù giá lương thực trong tháng 9 vừa qua duy trì đà giảm trong tháng thứ sáu liên tiếp, song vẫn cao hơn 5,5% so mức cùng kỳ năm 2021. FAO đã hạ mức dự báo sản lượng ngũ cốc thế giới trong năm 2022 còn 2.768 tỷ tấn, giảm 1,7% so mức năm 2021. Theo cơ quan này, 45 quốc gia, trải dài từ châu Á, châu Phi, châu Âu đến Mỹ Latin và Caribe đang cần hỗ trợ lương thực.

Giới phân tích cho rằng, các cú sốc, từ đại dịch đến xung đột và hạn hán, dồn dập kéo đến trong thời gian qua khiến các khu vực dễ bị tổn thương không có đủ thời gian để phục hồi. Trong khi đó, khả năng ứng phó của các nước cũng phần nào bị hạn chế do những khó khăn về tài chính, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới cùng lúc đối mặt nhiều cơn gió ngược. Tình trạng mất an ninh lương thực vì thế càng trở nên nghiêm trọng.

Các nước và tổ chức quốc tế đã đưa ra những giải pháp và hành động mạnh mẽ để giải quyết khủng hoảng lương thực. Trong nỗ lực mới nhất, IMF thông qua một cơ chế cho vay khẩn cấp nhằm hỗ trợ các nước ứng phó cú sốc lương thực. Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cùng nhiều quốc gia cũng cam kết cùng chung tay giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, những nút thắt của cuộc khủng hoảng hiện vẫn chưa được tháo gỡ. Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực thế giới (WFP) David Beasley (Ð.Bi-xli) kêu gọi các nước đoàn kết, cùng đưa ra các giải pháp toàn cầu nhằm xây dựng một hệ thống lương thực bền vững hơn.