ASEAN cần làm gì trước những thách thức về an ninh lương thực?

Theo Như Ý/daibieunhandan.vn

Biến đổi khí hậu và cuộc xung đột Nga - Ukraine đã làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực. Cuộc khủng hoảng này đã làm lộ rõ sự phụ thuộc vào lương thực xuất khẩu của nhiều quốc gia trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Mặc dù, thời gian qua khu vực này đã không ngừng củng cố sức mạnh, cũng như đạt nhiều tiến bộ đáng kể trong việc thích ứng hiệu quả với bối cảnh đầy khó khăn, nhưng vẫn đang thiếu một chiến lược phối hợp sản xuất lương thực hiệu quả.

Thách thức đan xen

Phó Giáo sư Prapimphan Chiengkul cho biết, trong bối cảnh thế giới và khu vực chịu những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu song hành cùng tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, và có xung đột bùng nổ ở nhiều nơi trên thế giới trong thời gian qua, vì vậy Mục tiêu phát triển bền vững 2 (SDG 2) và mục tiêu không còn nạn đói vào năm 2030 sẽ rất khó đạt được.

Những hồi chuông báo động về nguy cơ đói nghèo liên tục được reo lên. Thống kê của các tổ chức quốc tế cho biết, năm đầu của đại dịch COVID-19 tại khu vực Đông Nam Á, khoảng 7,3% dân số bị suy dinh dưỡng về sức khỏe, trong khi 18,8% phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực vừa hoặc nghiêm trọng; 27,4% trẻ em Đông Nam Á dưới 5 tuổi bị chậm phát triển, phần lớn thuộc các gia đình nghèo và khu vực nông thôn.

Mặc dù, các nước ASEAN vẫn đạt được tiến bộ đáng kể trong nỗ lực giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực, nhưng trong bối cảnh khó khăn này việc đạt mục tiêu dinh dưỡng toàn cầu SDG 2 vào năm 2025 sẽ vẫn là chặng đường đầy chông gai.

Những bất ổn an ninh thế giới thời gian qua đã cộng hưởng gây ra những tác động nghiêm trọng đối với chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu. Dù đã từng bước được kiểm soát, nhưng đại dịch COVID-19 vẫn còn làm giảm nguồn cung lao động, việc vận chuyển lương thực khó khăn. Gần 3/4 số hộ gia đình tại các nước ASEAN đã bị giảm thu nhập bởi những tác động của đại dịch COVID-19. Việc giảm thu nhập tất yếu khiến người dân cắt giảm việc mua thực phẩm, theo đó giá lương thực tăng cao và thu nhập giảm đã khiến những người nghèo nhất Đông Nam Á bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, Đông Nam Á thời gian qua cũng ghi nhận những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu khiến các nỗ lực giải quyết nạn đói và suy dinh dưỡng gặp nhiều thách thức. Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cho biết, biến đổi khí hậu làm giảm nguồn cung lương thực, đẩy giá cả tăng cao. Trong đó, năng suất lúa ở khu vực Đông Nam Á có thể giảm tới 50% do lũ lụt, hạn hán và tình trạng nắng nóng. Cùng với đó, mực nước biển ngày càng dâng cao làm tăng độ mặn của nước khiến việc trồng lúa ở các khu vực đồng bằng sông Cửu Long được dự báo sẽ ngày càng bị ảnh hưởng nặng nề. Các tuyến đường vận chuyển lương thực cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị gián đoạn do biến đổi khí hậu.

Hơn nữa, khu vực Đông Nam Á là quốc gia có tỷ lệ lớn người dân sống dựa vào nông nghiệp và ngư nghiệp. Vì vậy, biến đổi khí hậu tác động rất nghiêm trọng đến sinh kế và đời sống của người dân thuộc nhiều quốc gia tại khu vực. Dự báo của giới chuyên gia cũng cho rằng, trong thời gian tới, diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu có thể tiếp tục làm giảm việc sản xuất và cung cấp thực phẩm dinh dưỡng vốn đã bị hạn chế trong những năm qua. Từ đó, thực phẩm giàu chất dinh dưỡng sẽ tiếp đà tăng giá cao khiến tỷ lệ dân số của khu vực không thể có một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ tăng thêm.

ASEAN cần làm gì trước những thách thức về an ninh lương thực? - Ảnh 1

Cần một chiến lược sản xuất hiệu quả

Trước những khó khăn trên, các quốc gia ASEAN đã lộ ra sự phụ thuộc vào lương thực và thức ăn chăn nuôi nhập khẩu. Tình trạng mất an ninh lương thực đã làm nổi bật tính dễ bị tổn thương của ASEAN đối với sự gián đoạn trong nhập khẩu thực phẩm. Ban Thư ký ASEAN ước tính rằng ASEAN đã nhập khẩu 61 tỷ USD hàng hóa nông nghiệp từ bên ngoài khối trong năm 2020.

Với tình trạng hiện nay, ASEAN cần giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu để làm hạ nhiệt những tác động của biến động thị trường toàn cầu đối với tình hình an ninh lương thực khu vực, trong khi lương thực chính của ASEAN là gạo, nhu cầu lúa mỳ, đậu tương và ngô đã tăng lên trong thập kỷ qua mà các nước trong khu vực sản xuất không thể đáp ứng được. Đậu tương và ngô đã trở nên đặc biệt quan trọng như một loại thức ăn chăn nuôi cần thiết để hỗ trợ nhu cầu chăn nuôi tăng trưởng theo cấp số nhân. Do đó, để đáp ứng nhu cầu này, ASEAN cần phải nhập khẩu từ bên ngoài khối.

Trong khu vực, có sự khác biệt lớn về năng lực sản xuất gạo, lúa mỳ, đậu tương, ngô, dầu thực vật và chăn nuôi giữa các quốc gia thành viên. Năm 2020, sản lượng ngô của ASEAN chỉ đáp ứng khoảng 75% nhu cầu của khu vực do sản lượng tương đối thấp so với các nước xuất khẩu ngô lớn ở Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Âu. ASEAN sản xuất chưa đến 1/10 nhu cầu đậu tương của mình, theo đó, năm 2018 đến 2019, các nước thành viên ASEAN đã nhập khẩu khoảng 7,5 triệu tấn đậu tương làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. ASEAN chiếm 15% nhập khẩu lúa mỳ toàn cầu vào năm 2021.

Phần lớn lúa mỳ nhập khẩu là từ Ukraine, do đó, cuộc xung đột tại Ukraine đã làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu lúa mỳ sang khu vực Đông Nam Á và khiến giá tăng đột biến. Indonesia là nhà nhập khẩu lúa mỳ lớn nhất trong ASEAN. Lúa mỳ nhập khẩu được sử dụng để sản xuất các loại lương thực chính của quốc gia bao gồm mỳ, bánh mỳ và bánh nướng. Điều này cho thấy, nước này hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu lúa mỳ để làm lương thực và thức ăn chăn nuôi.           

Bên cạnh đó, mặc dù gạo là lương thực chính duy nhất mà ASEAN sản xuất thặng dư, sản xuất lúa gạo chiếm khoảng 66% tổng diện tích đất canh tác ở ASEAN, tuy nhiên, nhiều nước ASEAN vẫn là nước nhập khẩu gạo ròng, trong đó Indonesia và Philippines nhập khẩu nhiều nhất. Năm 2020, các quốc gia ASEAN nhập khẩu tới 76,5% lượng gạo từ các quốc gia thành viên ASEAN khác. Các nước ASEAN rõ ràng cần phải làm việc cùng nhau và phát triển một chiến lược phối hợp để giảm sự phụ thuộc của khu vực vào nhập khẩu lương thực.

Việc tăng sản lượng gạo có thể cho phép khu vực này trở thành nhà xuất khẩu gạo ròng và củng cố vị thế của mình trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực khác. Tăng sản lượng lúa sẽ đòi hỏi sự kết hợp của công nghệ thay đổi. Điều này bao gồm việc chuyển đổi sang trồng lúa cải tiến bằng công nghệ sinh học, tăng năng suất tại ruộng của các giống lúa ưa thích, cải thiện cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đầu vào và cải thiện kỹ năng quản lý nông hộ nhỏ. Tuy nhiên, diện tích lớn do sản xuất lúa và nhu cầu tăng sản lượng lúa đã làm dấy lên lo ngại về tác động môi trường.

Một yếu điểm khác trong ASEAN là khu vực đất trồng đậu tương và lúa mỳ vẫn còn tương đối khan hiếm, khiến khoảng cách giữa sản xuất và nhập khẩu là rất lớn. Việc tăng diện tích và sản lượng cây trồng sẽ đòi hỏi một chiến lược phối hợp. Do đó, cần phải có sự đầu tư đáng kể vào nông học lúa mỳ và đậu tương nhiệt đới, bao gồm cả việc chọn giống và quản lý dịch hại cây trồng. Các giống đậu tương và lúa mỳ mới cần phải được cung cấp nhanh chóng bằng cách thực hiện công nghệ nhân giống cải tiến và cải thiện việc quản lý dịch hại.

Một sáng kiến toàn ASEAN có nguồn lực tốt có thể tăng khả năng phục hồi nguồn cung lúa mỳ, đậu tương và ngô của khu vực. Điều này sẽ cho phép ASEAN tận dụng đa dạng sinh học và các loại cây bản địa chưa được sử dụng để giảm sự phụ thuộc vào các loại cây lương thực và thực phẩm nhập khẩu. Trên hết, giới chuyên gia khẳng định, một trong những ưu tiên quan trọng hàng đầu hiện nay là bảo đảm an ninh lương thực, điều này sẽ tạo ra nền tảng vững chắc cho các lợi ích phát triển kinh tế, cũng như giảm sự phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu.