Nghệ An muốn thu hút 3,5 tỷ USD vốn FDI
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An vừa thông qua chủ trương ban hành Đề án cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu của Đề án là tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng tập trung tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng, cải cách hành chính, chất lượng nguồn nhân lực; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, thân thiện để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp.
Nghệ An đặt mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2021-2025, thu hút từ 550 - 600 dự án với tổng mức đầu tư 130 - 150 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khoảng 3 đến 3,5 tỷ USD.
Ngoài ra, phấn đấu đến năm 2025 các chỉ số PCI, PAPI, PAR Index của Nghệ An nằm trong tốp 15 cả nước; chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT index) nằm trong tốp 10 cả nước.
Đề án có 2 nhóm giải pháp chính để thực hiện các mục tiêu là nhóm giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nhóm giải pháp về nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư.
Cùng với đó là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và nâng cao hơn nữa chỉ số PCI, PAPI, PAR Index theo hướng bền vững. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thu hút các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án lớn, có tính chất tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhằm thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX đã đề ra.
Theo ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh dù có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Năm 2022, Nghệ An chọn chủ đề chuyển đổi số nên các sở, ngành cần khẩn trương chuyển đổi số, số hóa.
Để cải thiện thực chất hơn nữa việc giải quyết các thủ tục đầu tư, kinh doanh, trong thời gian thực hiện chuyển đổi số, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành mỗi tuần có báo cáo số lượng tiếp nhận và kết quả giải quyết hồ sơ, kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực của mình phụ trách. Qua đó, để nhà đầu tư có được sự công khai, minh bạch, rõ ràng để thực hiện thủ tục nhanh, hiệu quả.
Ông Nguyễn Đức Trung cũng đề nghị, sang năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ủng hộ khi Chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị xem xét, xử lý công tác cán bộ đối với người đứng đầu các sở, ngành nếu để ra tình trạng thiếu trách nhiệm, chậm trễ trong thực hiện các thủ tục đầu tư, kinh doanh.
Tỉnh Nghệ An xác định việc thu hút đầu tư phải được triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm với các cực thu hút đầu tư là Khu kinh tế Đông Nam và các Khu công nghiệp, trong đó ưu tiên 3 khu công nghiệp gồm: VSIP Nghệ An (Tập đoàn VSIP), Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1 (WHA IZ 1) - Nghệ An (Tập đoàn Hemaraj Thái Lan) và Hoàng Mai I (Tập đoàn Hoàng Thịnh Đạt). Cả 3 khu công nghiệp được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại sẽ là điểm kết nối, đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng.
Đến nay, Nghệ An đã thu hút được hơn 740 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 107.000 tỷ đồng. Với dòng vốn FDI, lũy kế đến nay, Nghệ An đã có 102 dự án FDI còn hiệu lực, với số tổng số vốn đầu tư hơn 1.449,52 triệu USD. Trong đó, có một số tập đoàn lớn đến từ Hồng Kông, Đài Loan, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế tạo, điện tử với những thương hiệu lớn như Luxshare - ICT, Goertek, Everwin, Ju Teng.