Nghỉ dưỡng ven đô kín khách dịp 30/4 - 1/5

Theo Phạm Minh/thoibaokinhdoanh.vn

Nghỉ lễ 30/4 - 1/5/2019 kéo dài tới tận 5 ngày, thay vì thực hiện những chuyến nghỉ dưỡng biển, nghỉ dưỡng ở các tỉnh xa, năm nay nhiều người dân Hà Nội tận hưởng kỳ nghỉ tại những resort ven đô, đăng ký kín phòng từ trước 10 ngày.

Du lịch ven đô sẽ có tiềm năng lớn hơn nhiều so với du lịch biển. Nguồn: Internet
Du lịch ven đô sẽ có tiềm năng lớn hơn nhiều so với du lịch biển. Nguồn: Internet

Hiện số lượng những khu du lịch nghỉ dưỡng được đầu tư bài bản ở vùng ven Hà Nội và các tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình, Ninh Bình có thể kể đến một số dự án đã đi vào hoạt động như khu du lịch Flamingo Đại Lải, Melia Bavi Mountain Retreat, Ba Vì Resort, Mai Châu Ecolodge, Serena Resort Kim Bôi, Emeralda Ninh Bình, V Resort…

Giá cao vẫn đắt khách

Chị Khánh Huyền (Ba Đình, Hà Nội) đã quyết định đặt một chuyến nghỉ dưỡng ven đô với các tiêu chí: Di chuyển gần, yên tĩnh, sang trọng… Sau nhiều ngày đắn đo, chị đã quyết định đặt phòng cho 4 thành viên gia đình trước ngày lễ 10 ngày tại Melia Bavi Mountain Retreat.

Không may là chị không đặt được phòng do trong các ngày nghỉ lễ từ 27 - 30/4 tổng số 55 phòng tại đây đã không còn chỗ trống, mặc dù giá cho phòng đôi ngày nghỉ lễ hơn 6 triệu đồng (4,8 triệu đồng/phòng và phụ thu ngày lễ hơn 1,3 triệu), phòng gia đình gần 10 triệu đồng/phòng (8,5 triệu đồng/phòng và phụ thu ngày lễ hơn 1,3 triệu đồng).

Sau một hồi tra cứu trên mạng xã hội và gọi điện thoại tìm các khu resort 4 - 5 sao khác, nơi thì chỉ còn phòng đôi, nơi thì chỉ còn trống một đêm… cuối cùng chị cũng thở phào khi đặt được phòng tại Asean Resort.

Chị đã quyết định đặt phòng gia đình 4 người lớn có giá 3,5 triệu đồng. Lễ tân khách sạn yêu cầu chị đặt cọc ngay để giữ chỗ, vì hiện chỉ còn 7 phòng trống. Ngoài ra, resort còn một số phòng đôi 2 người lớn và 2 trẻ em dưới 1,1 m giá 2,8 triệu đồng.

Trên một số trang agoda, booking, ivivu… cũng thể hiện kín phòng tại những khu nghỉ dưỡng ven đô 4 - 5 sao. Hầu hết khách hàng đặt nghỉ 3 ngày 2 đêm, và đoàn khách nọ nối tiếp đoàn khách kia lấp đầy 5 ngày 4 đêm nghỉ lễ.

Chị Huyền cho biết, chị và một số gia đình bạn bè năm nay hào hứng tìm nơi nghỉ dưỡng ven đô để không phải di chuyển xa. Điều chị thích nhất là tại các khu nghỉ dưỡng hồ, núi này chỉ có một lượng khách nhất định tại resort chứ không có khách vãng lai tắm biển như tại các vùng biển, nên không khí yên tĩnh, không bị xô bồ và nhất là cung cách phục vụ tại đây lúc nào cũng chu đáo.

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, với thời gian di chuyển khoảng 90 phút, mỗi năm người dân trung lưu Hà Nội có nhu cầu đi nghỉ cuối tuần khoảng 20 - 30 lần/năm. Chỉ tính riêng việc phục vụ dân số hiện tại của Hà Nội, bất động sản nghỉ dưỡng ven đô đã cần tới 50.000 phòng nghỉ tối thiểu/năm.

Ông Amorn Harnkham - nguyên Giám đốc Tổng cục Du lịch Thái Lan, Giám đốc khu vực Trường quản lý khách sạn và du lịch quốc tế Thái Lan, nhận định các tỉnh địa phương của Việt Nam có nhiều điểm độc đáo để làm du lịch. Riêng Hà Nội, với sự mến khách và nhiều điểm khám phá… khiến du lịch ở đây rất nhiều tiềm năng để phát triển.

"Qua tìm hiểu, cá nhân tôi cũng thấy rằng cơ sở du lịch ven đô Hà Nội cần hội tụ trong một mạng lưới, có liên kết chặt chẽ để đẩy du lịch ven đô đi lên", ông Amorn nói.

Nhiều tiềm năng phát triển

Ông Nguyễn Thành Trung - Phó Tổng Giám đốc công ty CP Đầu tư Archi, cho rằng trong tương lai, Hà Nội sẽ đón gần 30 triệu lượt khách mà chỉ có thêm 1.200 phòng khách sạn 3 - 5 sao trong 5 năm qua, gây sức ép lớn về nguồn cung cho nội thành. Giải pháp là san sẻ nguồn khách bằng cách kết nối với du lịch ngoại ô.

"Với 30 triệu lượt khách đến Hà Nội trong tương lai, ngoại ô chỉ cần chia lửa thôi cũng đã nóng rồi", ông Trung nhận định.

Tuy nhiên, việc chia lửa tại Hòa Bình, Mai Châu cũng có chưa đầy 1.600 phòng resort, đó là nguồn cung cực yếu, khiến hầu hết khách phải đi lại trong ngày.

Đánh giá của ông Nguyễn Thành Trung cũng phù hợp và đúng với thực tại khi trong những ngày nghỉ lễ hoặc những ngày cuối tuần, khách sạn, resort tại Hà Nội và các vùng lân cận luôn lấp đầy khách, nên nhiều khách hàng chỉ đi ngắm cảnh chứ không thể nghỉ dưỡng được.

Theo ông Nguyễn Mạnh Thản - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, du lịch biển đang bùng nổ nhưng du lịch lên các vùng cao cũng là một lựa chọn hấp dẫn, đặc biệt với những người trẻ thích trải nghiệm, khám phá và yêu thiên nhiên.

"Du lịch ven đô sẽ có tiềm năng lớn hơn nhiều so với du lịch biển. Bởi du lịch ven đô có thể cung cấp một tổng hoà từ môi trường sinh thái đến di tích lịch sử, trải nghiệm du lịch nông nghiệp công nghệ cao, văn hoá địa phương", ông Thản nhận định.

Để phát triển du lịch ven đô một cách đồng bộ và hiệu quả, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội đề nghị Nhà nước lắng nghe và thấu hiểu thị trường mà đại diện là các đơn vị lữ hành; lắng nghe những bất cập của cộng đồng dân cư và các đơn vị lưu trú để tháo gỡ khó khăn và nâng cao dần nhận thức, văn hoá, đạo đức, chất lượng sản phẩm…