Nghỉ lễ 30/4 và 1/5: Bị sự cố giao thông gọi ai để được hỗ trợ?
Vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, người tham gia giao thông gặp sự cố về an toàn giao thông có thể liên hệ tới các cơ quan chức năng ngành như: Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Cục Đường sắt, Cục Hàng Không, và Cục Đường thủy nội địa…
Để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về tình hình giao thông đi lại dịp Lễ 30/4 - 1/5, Ủy ban ATGT Quốc gia cũng vừa công bố tới 17 số điện thoại “đường dây nóng” tiếp nhận và xử lý thông tin.
Theo đó, đường dây nóng của Cục Cảnh sát giao thông: 0995676767; 0692342608, tiếp nhận phản ánh về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; tình hình trật tự ATGT, ùn tắc giao thông.
Phản ánh các thông tin về lĩnh vực giao thông đường bộ, liên hệ đường dây nóng của Bộ GTVT số: 0964045445; 0962665953, hoặc số của Tổng cục Đường bộ: 0983608989; 0916608085; 0903479808. Phản ánh về lĩnh vực đường sắt, liên hệ Cục Đường sắt: 0865367565. Phản ánh về lĩnh vực hàng không, liên hệ Cục Hàng không: 0916562119.
Phản ánh thông tin liên quan lĩnh vực đường thủy nội địa, liên hệ Cục Đường thủy nội địa: 0243.8451888; 0942107474. Phản ánh về lĩnh vực hàng hải liên hệ Cục Hàng hải: 0912439787. Phản ánh về tình hình trật tự ATGT, tai nạn giao thông, liên hệ Ủy ban ATGT Quốc gia số: 0989088719; 0981759328; 0936173906; 0936198387; hoặc Bộ GTVT số: 0977497891.
Ủy ban ATGT Quốc gia đề nghị người tham gia giao thông khi phản ánh tới các “đường dây nóng” cần cung cấp đầy đủ thông tin, gồm: Hành trình, địa điểm, biển kiểm soát phương tiện; số hiệu chuyến bay; thời gian; lỗi vi phạm hoặc vấn đề gây mất trật tự ATGT. Các phản ánh ưu tiên sử dụng tin nhắn để bảo đảm chính xác, thuận tiện và an toàn.
Theo một lãnh đạo Bộ GTVT, các số đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh về giao thông của bộ hoạt động quanh năm. Tuy nhiên, các phản ánh của người dân chủ yếu tập trung vào các dịp lễ, tết.
Mỗi đầu số ngày nhận nhiều nhất cũng chỉ khoảng 10 phản ánh. Sau khi tiếp nhận phản ánh, cán bộ cầm số sẽ chuyển thông tin về lực lượng cảnh sát giao thông, hoặc cơ quan chức năng các địa phương để xử lý. Đa số phản ánh liên quan tới các vi phạm của xe khách, như chở quá số người quy định, thu cước cao hơn đăng ký...
“Có trường hợp báo lại không xác minh được, hoặc đã xử lý, nhưng không ít phản ánh sau khi chuyển đi không có hồi âm lại. Tuy nhiên, có một số phản ánh do các doanh nghiệp vận tải cạnh tranh không lành mạnh, nhắn thông tin giả để gây phiền hà cho doanh nghiệp khác”, lãnh đạo Bộ GTVT nói.
Theo vị này, nhận thấy bất cập của việc có quá nhiều đầu số đường dây nóng nhận phản ánh về giao thông, nên từ 3-4 năm trước, Bộ GTVT đã nghiên cứu để lập 1 đầu mối tiếp nhận duy nhất. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, như phải thêm biên chế, đầu mối nên tới nay vẫn chưa thể thống nhất về một đầu mối.