Nghị quyết số 57-NQ/TW: Cú hích chiến lược đưa doanh nghiệp bứt tốc chuyển đổi số
Việc ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được xem là một “liều vaccine tăng trưởng” cho toàn bộ nền kinh tế số. Trao đổi với Tạp chí Kinh tế - Tài chính, ông Lê Hồng Quang – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần MISA đã chia sẻ góc nhìn về cơ hội, thách thức và kế hoạch hành động của doanh nghiệp trong hành trình hiện thực hóa những mục tiêu đầy tham vọng mà Nghị quyết số 57-NQ/TW đặt ra.

Phóng viên: Nghị quyết số 57‑NQ/TW được đánh giá là kim chỉ nam mới cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Văn kiện này có ý nghĩa thế nào đối với cộng đồng doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, thưa ông?
Ông Lê Hồng Quang: Tôi cho rằng Nghị quyết số 57‑NQ/TW là một cú hích, một động lực rất lớn đối với toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Trước kia, các quốc gia cạnh tranh chủ yếu nhờ tài nguyên, lao động hay lợi thế địa lý. Ngày nay, lợi thế quyết định nằm ở khả năng tận dụng dữ liệu và công nghệ số. Phương thức sản xuất số sẽ tạo nên lợi thế cạnh canh cho quốc gia, tổ chức, con người biết vận dụng sức mạnh này.
Nghị quyết số 57‑NQ/TW khẳng định khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là khâu đột phá, đồng thời đặt người dân vào vị trí trung tâm. Quyết sách được ban hành rất kịp thời, tiếp thêm động lực để doanh nghiệp đẩy nhanh ứng dụng giải pháp số, nâng cao năng suất và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Với MISA, Nghị quyết này tạo luồng sinh khí mới cho chính chúng tôi và hệ sinh thái đối tác cùng áp dụng công nghệ vào sản xuất – kinh doanh.
Phóng viên: Với Nghị quyết số 57-NQ/TW, theo ông, để biến tầm nhìn thành hiện thực, doanh nghiệp sẽ gặp những cơ hội và thách thức nào?
Ông Lê Hồng Quang: Cơ hội là vô cùng lớn: thị trường sẵn sàng đón nhận dịch vụ số, chính phủ kiên quyết thúc đẩy hạ tầng và khung pháp lý. Chuyển đổi số không đơn thuần là mua một phần mềm hay một vài thiết bị. Để thành công, doanh nghiệp phải sẵn sàng thay đổi chiến lược, mô hình kinh doanh và quy trình quản trị.
Trước hết, lãnh đạo doanh nghiệp phải chuyển hẳn từ tư duy truyền thống sang tư duy số. Thứ hai, mức độ sẵn sàng của đội ngũ cả về kỹ năng và tinh thần đổi mới. Thứ ba, mô hình kinh doanh và quy trình quản trị buộc phải thiết kế lại, tránh “chắp vá” công nghệ vào cấu trúc cũ. Cuối cùng, doanh nghiệp phải đủ tỉnh táo chọn giải pháp số phù hợp, mang lại giá trị thực thay vì chạy theo xu hướng.
Phóng viên: Theo ông, đâu là những cơ chế, chính sách trọng tâm mà Nhà nước cần sớm cụ thể hóa để Nghị quyết nhanh chóng đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ?
Ông Lê Hồng Quang: Nhà nước đang triển khai nhiều biện pháp rất thiết thực. Trước hết là hỗ trợ doanh nghiệp, từ lớn tới nhỏ, làm chủ công nghệ mũi nhọn để hình thành hạ tầng số quốc gia vững chắc.
Song song đó, Nhà nước đẩy mạnh tuyên truyền, tài trợ cho hoạt động nghiên cứu và ứng dụng, khuyến khích tinh thần dám thử nghiệm, chấp nhận rủi ro khoa học. Một điểm quan trọng nữa là cơ chế gắn kết các nhà khoa học với doanh nghiệp, giúp kết quả R&D nhanh chóng chuyển hoá thành sản phẩm thương mại và đóng góp vào tăng trưởng của kinh tế số.
Phóng viên: Là một trong những doanh nghiệp đi đầu về chuyển đổi số, MISA đã và sẽ có những chiến lược gì để đồng hành cùng Chính phủ trong việc triển khai các mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi số quốc gia và đổi mới sáng tạo?
Ông Lê Hồng Quang: Chúng tôi tập trung vào ba trục hành động. Trục đầu tiên là làm chủ công nghệ lõi: MISA đã cam kết đầu tư 2.500 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng tính toán, phát triển nhân lực AI và đặc biệt là tạo ra mô hình ngôn ngữ lớn thuần Việt với kho tri thức chuyên sâu về thuế, tài chính, sản xuất và quản trị doanh nghiệp, phục vụ tư vấn tự động cho người dân và doanh nghiệp.
Trục thứ hai là đưa công nghệ vào đời sống kinh doanh: Chúng tôi sẽ tiếp tục cải tiến hệ sinh thái phần mềm kế toán, hóa đơn điện tử… nhằm hỗ trợ năm triệu hộ kinh doanh cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng suất, đồng thời phối hợp với cơ quan nhà nước cung cấp giải pháp Chính phủ số để cải cách thủ tục hành chính, giúp bộ máy vận hành hiệu quả hơn dù không tăng nhân sự.
Trục thứ ba là lan tỏa chuyển đổi số tới toàn xã hội: MISA cung cấp miễn phí nhiều ứng dụng quản lý tài chính cá nhân và công cụ học tập cho học sinh, đồng thời tổ chức tư vấn và đào tạo về quản trị, tài chính số cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh, để công nghệ luôn gắn liền với thay đổi phương pháp điều hành.
Phóng viên: Ông muốn nhắn gửi thông điệp gì tới cộng đồng doanh nghiệp khi Nghị quyết số 57-NQ/TW đã bắt đầu bước vào giai đoạn triển khai?
Ông Lê Hồng Quang: Đổi mới sáng tạo không còn là lựa chọn mà đã trở thành con đường bắt buộc. Doanh nghiệp cần khởi đầu bằng việc thay đổi tư duy, sẵn sàng thử nghiệm, liên kết nguồn lực và chọn đúng công nghệ.
Khi Nhà nước đã mở đường bằng chính sách, chúng ta càng phải chủ động nắm lấy thời cơ để biến tiềm năng thành giá trị cụ thể cho khách hàng, đồng thời đóng góp thực chất vào sự phát triển của Đất nước.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!