Nghị viện Anh thông qua dự luật Rút khỏi EU: Chiến thắng của Thủ tướng Theresa May

Theo daibieunhandan.vn

Tiến trình Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (còn được gọi là Brexit) đã vượt qua rào cản lập pháp đầu tiên sau khi các nghị sĩ Anh bỏ phiếu ủng hộ dự luật chấm dứt tư cách thành viên của Anh trong Liên minh châu Âu (EU) - bất chấp sự phản đối của Công đảng đối lập.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Vượt qua cánh cửa đầu tiên

Sau hơn 13 giờ thảo luận, Hạ viện Anh đã phê chuẩn dự luật rút khỏi EU với 326 phiếu thuận và 290 phiếu chống. Cuộc bỏ phiếu hướng tới bãi bỏ đạo luật năm 1972 về các Cộng đồng của châu Âu (European Communities Act - ECA), đạo luật có vai trò nền móng đối với tư cách thành viên EU của Anh, đồng thời trao cho Nghị viện và cơ quan hành pháp quyền sửa đổi 12.000 quy định và luật của EU để bảo đảm hoạt động hiệu quả và phù hợp với lợi ích, luật pháp Anh khi London cởi bỏ “chiếc áo” EU dự kiến vào năm 2019.

Sau khi được thông qua, dự luật này sẽ tiếp tục được các ủy ban của Nghị viện Anh nghiên cứu kỹ lưỡng, và hứa hẹn sẽ có những cuộc chiến nảy lửa để sửa đổi dự luật liên quan đến những quy định mở rộng quyền hành pháp.

Đây là bước đi rất quan trọng trong quá trình thực thi kết quả cuộc trưng cầu dân ý lịch sử hồi tháng 6/2016 về việc Anh rời EU sau khi Thủ tướng Anh Theresa May chính thức kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon về tiến trình Brexit hồi tháng 3/2017.

Theo các nhà phân tích, kết quả này cũng đồng nghĩa với một chiến thắng quan trọng đối với Thủ tướng Theresa May trong bối cảnh đảng cầm quyền mất thế đa số tuyệt đối tại Quốc hội tại cuộc bầu cử hôm 8/6 vừa qua.

Thắng lợi của phe Bảo thủ tại cuộc bỏ phiếu lần này có được là nhờ liên minh với đảng Liên minh Dân chủ (DUP), đảng chính trị lớn nhất Bắc Ireland, có đường lối thân Anh hiện giữ 10 ghế tại Hạ viện.

Trong một tuyên bố, Thủ tướng May hoan nghênh kết quả bỏ phiếu: “Nghị viện đã có một quyết định lịch sử khi ủng hộ ý chí của nhân dân. Việc thông qua đạo luật này sẽ đưa đến sự chắc chắn và minh bạch cho quá trình rút khỏi Liên minh châu Âu”, bà May ca ngợi.

Nhà lãnh đạo Anh nhấn mạnh, mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm phía trước, nhưng quyết định này giúp Chính phủ Anh tiếp tục các cuộc đàm phán về Brexit dựa trên nền tảng vững chắc. Bà kêu gọi các nghị sĩ thuộc mọi đảng phái ở Anh cùng hợp tác trong việc ủng hộ dự luật quan trọng này.

Đặc quyền gây tranh cãi

Trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu, Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit David Davis đã cảnh báo, bất kỳ một kết quả phủ quyết nào sẽ đẩy tiến trình thoái lui khỏi EU của Anh vào tình thế hỗn loạn. “Mọi doanh nghiệp và cá nhân được bảo đảm rằng mọi quy định trong hệ thống pháp luật sẽ không bị xáo trộn sau khi Anh rút khỏi EU”.

Tuy nhiên, dự luật hiện vấp phải một số chỉ trích cả từ Công đảng và một số thành viên đảng bảo thủ vì trao quá nhiều quyền lực cơ quan hành pháp, thậm chí cho phép Chính phủ hoàn toàn nắm thế chủ động so với Nghị viện trong việc chuyển đổi những đạo luật của EU bằng các sắc lệnh hành pháp.

Đối với một số nghị sĩ Công đảng, việc trao đặc quyền nói trên là điều không thể chấp nhận và coi đó là hành vi “đảo chính” và thâu tóm quyền lực.

“Khi tôi bỏ phiếu phản đối, đó không phải bởi vì tôi phản đối tiến trình Brexit mà là phản đối một tiến trình Brexit được tiến hành một cách tồi tệ, đe dọa nền dân chủ đại nghị lâu đời của nước Anh”, Angela Smith, một nghị sĩ Công đảng bày tỏ. Đối lập với ý định của Chính phủ, Công đảng muốn duy trì Anh trong thị trường chung châu Âu trong quá trình chuyển đổi hậu Brexit.

Những đặc quyền mà Dự luật Rút khỏi EU trao cho cơ quan hành pháp cũng khiến giới công đoàn nước Anh lo ngại: “Thật đáng thất vọng khi một Chính phủ hứa hẹn bảo vệ quyền lợi cho người lao động lại đang đưa ra một dự luật với rất nhiều sơ hở về quyền cho người lao động”, Tổng Thư ký Liên đoàn Lao động Anh Frances O’Grady bày tỏ.

Những tranh cãi hiện nay sẽ khiến các cuộc thảo luận và đàm phán sắp tới tại Cung điện Westminton chắc chắn không êm ả. Nó một lần nữa cho thấy Brexit đã chia rẽ nước Anh đến mức độ nào.