Nghĩa vụ của người quản lý công ty theo Luật Doanh nghiệp

ThS. Lại Trung Dũng - Học viện Khoa học xã hội, Bộ Quốc phòng/tapchicongthuong.vn

Hiệu quả quản trị công ty phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả làm việc của người quản lý. Với tư cách là một trong những nội dung chính của quản trị công ty, nghĩa vụ của người quản lý trong công ty rất được xem trọng. Bài viết này nghiên cứu khái niệm về người quản lý và phân tích các nghĩa vụ của người quản lý trong công ty.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

1. Khái niệm

Công ty (với tư cách là một pháp nhân) muốn vận động phải thông qua những con người cụ thể, trong đó, vai trò và nghĩa vụ của những người quản lý công ty luôn được đề cao[1]. Lý thuyết về đại diện cho rằng, trong khi các cổ đông công ty kỳ vọng những người quản lý hành động vì lợi ích của cổ đông thì chính vấn đề đại diện và sự phân tích giữa sở hữu và quản lý có thể dẫn tới việc người quản lý thực hiện các công việc của công ty không hiệu quả như họ thực hiện các công việc cho chính mình. Vậy, người quản lý trong công ty là ai? Câu hỏi tưởng như rất dễ trả lời này lại có rất nhiều quan điểm khác nhau về người quản lý. Đặc biệt, trong hệ thống pháp luật các nước khác nhau, khái niệm về người quản lý cũng được định nghĩa khác nhau.

Các nước theo hệ thống Common Law[2] như Newzealand, Canada, Singapo, Australia,… xác định rất rõ ai là người quản lý công ty và việc xác định dựa trên nguyên tắc: (1) Là thành viên Ban giám đốc; (2) Giữ vị trí hoặc thực hiện vai trò trong vị trí của Giám đốc; (3) Người đưa ra các chỉ đạo để Giám đốc làm theo. Như vậy, khái niệm “người quản lý” của các nước này có phạm vi rất rộng, bao gồm cả những người không chính danh theo quy định của pháp luật nhưng có hoạt động giống như người quản lý trong thực tế, mà các nước này gọi là: Giám đốc thực tế (de facto director) và Giám đốc giấu mặt, hay Giám đốc trong bóng tối (shadow director)[3].

Ở Việt Nam, với sự phát triển ngày càng lớn mạnh của các loại hình công ty, vai trò của người quản lý đặc biệt được đề cao trong hoạt động quản trị công ty. Theo quy định tại khoản 24, Điều 4, Luật Doanh nghiệp năm 2014: “Người quản lý doanh nghiệp là người quản lý doanh nghiệp tư nhân và người quản lý công ty, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty”. 

Như vậy, bằng cách thức liệt kê, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã tiếp cận khái niệm người quản lý ở phạm vi hẹp hơn rất nhiều so với khái niệm về người quản lý ở một số nước trên thế giới. Về cơ bản, khái niệm về người quản lý theo Luật Doanh nghiệp năm 2020 không khác gì so với khái niệm người quản lý của Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Luật Doanh nghiệp năm 2005.

Rõ ràng vị trí của người quản lý không phải có một cách hiển nhiên mà là do người chủ sở hữu công ty chỉ định, bổ nhiệm hoặc thuê người quản lý. Đồng thời, vai trò của người quản lý trong công ty cũng rất quan trọng trong hoạt động đối nội và đối ngoại. Từ vị trí, vai trò của người quản lý, có thể định nghĩa: người quản lý của công ty là những nguời do chủ sở hữu chỉ định, bổ nhiệm hoặc đi thuê, để quản lý điều hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà những quyết định của họ có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của chủ sở hữu, của công ty, chủ nợ và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến công ty.

So với Luật Doanh nghiệp năm 2014,  Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã quy định rõ hơn khi cấm quản lý doanh nghiệp đối với một số cá nhân sau:

- Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;

- Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;

- Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

- Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.

2. Các nghĩa vụ của người quản lý công ty theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020

Trong các người quản lý của công ty, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đặc biệt chú ý đến người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Theo quy định tại Điều 13, Luật Doanh nghiệp năm 2020, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất, nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp;

b) Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;

c) Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về doanh nghiệp mà mình, người có liên quan của mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Ngoài ra, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân đối với thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm trách nhiệm theo quy định trên.

Đối với những vị trí quản lý khác như: chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty, Luật Doanh nghiệp năm 2020 cũng quy định về trách nhiệm của người quản lý tương tự như đối với người đại diện tại các điều: Điều 71; Điều 83; Điều 97; Điều 107; Điều 165; Điều 173. Cụ thể gồm các nghĩa vụ sau:

Thứ nhất, thực hiện quyền và nghĩa vụ một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty. Mặc dù Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành không giải thích thế nào là trung thực, là cẩn trọng, nhưng có thể hiểu: (1) Nghĩa vụ trung thực đòi hỏi những người quản lý phải hành động một cách thẳng thắn, thành thực, không có sự gian dối trong mọi hoạt động của mình. (2) Nghĩa vụ cẩn trọng theo Hamilton (người Mỹ), có nghĩa khi thực hiện chức vụ của mình, người quản lý công ty cần phải: a, Có thiện chí; b, Thực hiện chức vụ như một người có thận trọng bình thường sẽ làm trong trường hợp tương tự; c, Với phương thức thích đáng, họ có lý do tin tưởng rằng đó là phương thức tốt nhất phù hợp với lợi ích công ty[4]. (3) Nghĩa vụ thực hiện công việc một cách tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty cho thấy rằng, người quản lý phải suy đoán thận trọng các phương án và lựa chọn được các phương án tối ưu nhất khi thực hiện công việc của công ty.

Thứ hai, người quản lý có nghĩa vụ trung thành với lợi ích của công ty; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác. Lý thuyết về đại diện đã giải thích rất rõ trong quan hệ đại diện giữa người chủ và người quản lý rất dễ xảy ra vấn đề xung đột lợi ích. Trong trường hợp này, người quản lý có thể không lựa chọn hành động vì lợi ích của công ty, mà lại hành

động vì lợi ích cá nhân. Khi người quản lý trục lợi từ công ty thì họ đã vi phạm nghĩa vụ trung thành. Khác với những người lao động khác trong công ty, người quản lý là người nắm những vị trí, chức vụ quan trọng. Trong quá trình đó, người quản lý có cơ hội tiếp cận với những thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh và tài sản của công ty. Bởi vậy, nếu người quản lý không trung thành với lợi ích của công ty, lợi dụng địa vị, chức vụ của mình để sử dụng những thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản của công ty sai mục đích, nhằm trục lợi thì sẽ gây thiệt hại rất lớn cho công ty.

Thứ ba, người quản lý có nghĩa vụ thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho công ty về doanh nghiệp mà mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp và doanh nghiệp mà người có liên quan của mình làm chủ, cùng sở hữu hoặc sở hữu riêng cổ phần, phần vốn góp chi phối. Như vậy, việc xác định được người liên quan của công ty (hay cá nhân, tổ chức có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với công ty) là vô cùng quan trọng, nhằm kiểm soát những hành vi trục lợi của người quản lý có thể diễn ra.

Thứ tư, Luật Doanh nghiệp năm 2020 cũng có quy định mở nhằm tạo điều kiện cho công ty tự chủ trong việc xác định các nghĩa vụ của người quản lý theo Điều lệ công ty. Theo quy định này, các doanh nghiệp có quyền xác định cụ thể hơn các nghĩa vụ đối với từng vị trí mà người quản lý đảm nhiệm. Bởi, mỗi công ty đều có cơ cấu tổ chức, hoạt động mang những đặc điểm đặc thù riêng, việc trao quyền cho các công ty xác định cụ thể các nghĩa vụ khác của người quản lý là vô cùng quan trọng, giúp cho công ty nâng cao trách nhiệm của người quản lý cũng như hoạt động quản trị của công ty.

Thứ năm, ngoài các nghĩa vụ trên của người quản lý, Luật Doanh nghiệp năm 2020 cũng quy định rất rõ trách nhiệm của người quản lý trong công ty cổ phần khi họ vi phạm nghĩa vụ của người quản lý. Theo đó, “thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này chịu trách nhiệm cá nhân hoặc liên đới đền bù lợi ích bị mất, trả lại lợi ích đã nhận và bồi thường toàn bộ thiệt hại cho công ty và bên thứ ba”[5]. Đây cũng là một trong những điểm mới quan trọng của Luật Doanh nghiệp năm 2020 so với Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Như vậy, về cơ bản, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã có những sửa đổi, bổ sung nhằm nhận diện chính xác, đầy đủ hơn về người quản lý trong công ty, cũng như các nghĩa vụ của người quản lý. Tuy nhiên, so với các Luật Doanh nghiệp trước, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã không mở rộng phạm vi người quản lý trong công ty. Đặc biệt, một số vị trí, chức vụ rất quan trọng trong công ty như: Kế toán trưởng, Phó Giám đốc/Phó tổng Giám đốc; Trưởng văn phòng đại diện; Trưởng chi nhánh không được Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định là người quản lý[6].

Luật Doanh nghiệp cũng quy định mở dành cho Điều lệ công ty xác định các người quản lý khác của công ty. Bởi vậy, khi nhận diện người quản lý trong công ty, Điều lệ công ty cần lưu ý quy định cụ thể hơn đối với các vị trí, chức danh người quản lý của công ty. Ngoài ra, trong hoạt động quản trị công ty, cần lưu ý đến các nghĩa vụ cụ thể đối với từng vị trí quản lý để mô tả công việc và quy định trách nhiệm của người quản lý rõ ràng hơn.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

[1] Nguyễn Thanh Lý, Phan Thu Nhài (2018). Nghĩa vụ của người quản lý trong công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp năm 2014. Tạp chí Nhân lực Khoa học xã hội, Số 9/2018.

[2] Hệ thống pháp luật Common Law hay còn gọi là pháp luật Anh - Mỹ là pháp luật ra đời ở Anh, sau này phát triển ở Mĩ và những nước là thuộc địa của Anh, Mĩ trước đây. Đây là hệ thống pháp luật phát triển từ những tập quán rất coi trọng án lệ.

[3] Bùi Xuân Hải (2005). Người quản lý công ty theo Luật Doanh nghiệp năm 1999 - Nhìn từ góc độ Luật so sánh. Tạp chí Khoa học pháp lý, số 4/2005.

[4] Ngô Viễn Phú (2007). Nghiên cứu so sánh quản lý công ty cổ phần theo pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và pháp luật Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Luận án Tiến sĩ, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội.

[5] Khoản 2, Điều 165, Luật Doanh nghiệp năm 2020.

[6] Nguyễn Thanh Lý (2020). Sách chuyên khảo: Kiểm soát giao dịch có khả năng tư lợi trong công ty đại chúng theo pháp luật Việt Nam. Nxb. Khoa học xã hội, tr.139  140.