Trách nhiệm kỷ luật của người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Việc áp dụng trách nhiệm kỷ luật sẽ góp phần ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Bài viết nghiên cứu cụ thể các đặc điểm về trách nhiệm kỷ luật của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp hiện nay.
Trách nhiệm kỷ luật của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Người đại diện phần vốn nhà nước (gọi tắt là người đại diện) là người được chủ sở hữu cử làm đại diện một phần hoặc toàn bộ vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp (DN) để thực hiện toàn bộ hoặc một số quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của cổ đông nhà nước hoặc thành viên góp vốn tại tập đoàn, tổng công ty, công ty theo quy định của pháp luật.
Thực tiễn đang đặt ra những vấn đề về trách nhiệm pháp lý của người đại phần vốn nhà nước tại DN, đặc biệt là trách nhiệm kỷ luật đối với người đại diện khi có hành vi vi phạm gây thiệt hại đến lợi ích Nhà nước, lợi ích của DN. Nếu không xác định rõ trách nhiệm của họ thì người đại diện phần vốn nhà nước tại DN đang giữ các chức vụ quản lý trong DN có thể không thực hiện công việc vì lợi ích Nhà nước (bảo toàn, phát triển vốn nhà nước, mang lại lợi tức cho Nhà nước), lợi ích của DN, của cổ đông, người góp vốn khác mà sẽ vì lợi ích của cá nhân người đại diện.
Trách nhiệm kỷ luật là hình thức trách nhiệm pháp lý được áp dụng với người thực hiện hành vi vi phạm kỷ luật, tức là những người có hành vi (hành động hoặc không hành động) vi phạm nghĩa vụ phải thực hiện, gây tổn hại cho Nhà nước, tổ chức, DN. Người đại diện phần vốn nhà nước tại DN do Nhà nước cử sẽ đại diện cho Nhà nước trong việc thực hiện các quyền của người góp vốn tại DN. Người đại diện mang tư cách của một chủ thể được Nhà nước cử, giao thực hiện nhiệm vụ công theo các yêu cầu của Nhà nước, do vậy, người đại diện chịu trách nhiệm kỷ luật trước Nhà nước. Nhà nước có thể áp dụng trách nhiệm kỷ luật đối với người đại diện khi người đại diện có hành vi vi phạm.
Theo Từ điển Pháp – Việt pháp luật hành chính thì kỷ luật là: “Hình thức trừng phạt thuộc quyền của một số cơ quan chính quyền và nhà chức trách hành chính đối với nhân viên dưới quyền mình, khi người đó vi phạm quy chế, kỷ luật công tác, hoặc phạm những khuyết điểm mang lại những hậu quả xấu cho cơ quan, công vụ”. Như vậy, trách nhiệm kỷ luật của người đại diện phần vốn nhà nước tại DN có thể hiểu là hình thức trừng phạt do chủ sở hữu nhà nước áp dụng đối với người đại diện phần vốn nhà nước tại DN khi người đó vi phạm pháp luật, chức trách, nhiệm vụ được giao.
Theo đó, trách nhiệm kỷ luật của người đại diện phần vốn nhà nước tại DN gồm:
Thứ nhất, trách nhiệm kỷ luật được đặt ra khi người đại diện phần vốn nhà nước tại DN có hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới việc thi hành nhiệm vụ được giao hay có ảnh hưởng xấu tới nhiệm vụ. Đây là một dạng trách nhiệm pháp lý cụ thể nên trách nhiệm kỷ luật chỉ được đặt ra khi có hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, không phải mọi hành vi vi phạm pháp luật đều dẫn tới trách nhiệm kỷ luật. Chỉ những hành vi vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc những hành vi có liên quan đến nhiệm vụ được giao, ảnh hưởng xấu đến nhiệm vụ được giao, cụ thể:
- Các hành vi vi phạm liên quan đến thi hành nhiệm vụ cụ thể như: Không thực hiện nhiệm vụ được giao mà không có lý do chính đáng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng vốn và tài sản của tập đoàn, tổng công ty, công ty để thu lợi riêng cho bản thân và cho người khác; Vi phạm điều lệ của tập đoàn, tổng công ty, công ty, quyết định vượt thẩm quyền, lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây hậu quả làm thiệt hại cho tập đoàn, tổng công ty, công ty và Nhà nước; Sử dụng thông tin, tài liệu của tập đoàn, tổng công ty, công ty để vụ lợi; Để thất thoát vốn của Nhà nước; Báo cáo không trung thực tình hình tài chính của tập đoàn, tổng công ty, công ty...
- Những hành vi có ảnh hưởng xấu đến nhiệm vụ được giao: Vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật có liên quan; nghiện ma túy có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền... Những hành vi này ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nhiệm vụ, năng lực của người đại diện.
Thứ hai, chủ thể chịu trách nhiệm là người đại diện phần vốn nhà nước tại DN. Trách nhiệm kỷ luật trong trường hợp này là trách nhiệm pháp lý gắn với việc thực hiện nhiệm vụ của người đại diện phần vốn nhà nước tại DN được Nhà nước giao. Điều này đồng nghĩa với việc chủ thể phải chịu trách nhiệm là người đại diện phần vốn nhà nước tại DN và hành vi vi phạm xảy ra trong quá trình đại diện phần vốn nhà nước tại DN.
Hơn nữa, do trách nhiệm kỷ luật đối với người đại diện gắn với nhiệm vụ Nhà nước giao, nên trách nhiệm kỷ luật của người đại diện là trước Nhà nước mà không phải là trách nhiệm trước các bên có liên quan. Việc người đại diện chịu trách nhiệm trước Nhà nước thể hiện ở các hình thức kỷ luật mà cơ quan đại diện cho Nhà nước có quyền áp dụng đối với người đại diện phần vốn nhà nước, trong đó bao gồm từ việc khiển trách, cảnh cáo, buộc thôi việc.
Trách nhiệm kỷ luật của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có thể hiểu là hình thức trừng phạt do chủ sở hữu nhà nước áp dụng đối với người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp khi người đó vi phạm pháp luật, chức trách, nhiệm vụ được giao.
Thứ ba, trách nhiệm kỷ luật đối với người đại diện phần vốn nhà nước tại DN chỉ được áp dụng bởi cơ quan có thẩm quyền được Nhà nước giao, cụ thể trong trường hợp này là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước. Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước có quyền truy cứu trách nhiệm kỷ luật đối với người đại diện phần vốn nhà nước tại DN có hành vi vi phạm. Cơ quan này mang tính chất đại diện cho Nhà nước, có quyền quản lý đối với người đại diện và từ có quyền nhân danh Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu vốn để kỷ luật đối với người đại diện.
Đối với trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hình sự thì hoạt động của người có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm pháp lý mang tính chuyên nghiệp và giữa người truy cứu trách nhiệm và người bị truy cứu trách nhiệm không có quan hệ lệ thuộc về tổ chức. Trong khi đó, đối với trách nhiệm kỷ luật không phải là hoạt động thường xuyên, chuyên nghiệp của người có thẩm quyền mà chỉ là một phần của hoạt động quản lý nhà nước, đồng thời giữa người chịu trách nhiệm kỷ luật và người áp dụng có quan hệ lệ thuộc về tổ chức hoặc quản lý. Trong trường hợp này, người đại diện phần vốn nhà nước tại DN phải chịu sự quản lý của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.
Thứ tư, trách nhiệm kỷ luật đối với người đại diện được truy cứu theo nguyên tắc, thủ tục do pháp luật quy định. Trách nhiệm kỷ luật đối với người đại diện bao gồm các biện pháp khiển trách, cảnh cáo, buộc thôi việc. Các biện pháp chế tài này được quy định trong pháp luật về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN và được cụ thể hóa trong các văn bản quản lý của các cơ quan quản lý vốn nhà nước. Cũng như các dạng trách nhiệm pháp lý khác, việc truy cứu trách nhiệm kỷ luật là việc các chủ thể có thẩm quyền áp dụng các biện pháp chế tài đối với người đại diện phần vốn nhà nước tại DN.
Việc áp dụng các biện pháp chế tài luôn ảnh hưởng bất lợi tới các quyền và lợi ích của người bị áp dụng, do đó, các nguyên tắc, thủ tục truy cứu trách nhiệm kỷ luật được pháp luật quy định chặt chẽ mà không thể áp dụng một cách tùy tiện. Việc thực hiện theo nguyên tắc và thủ tục do pháp luật quy định nhằm đảm bảo việc áp dụng chung, thống nhất và mang tính công bằng giữa các trường hợp. Nếu việc kỷ luật không tuân theo thủ tục pháp luật quy định thì quyết định kỷ luật sẽ không có hiệu lực pháp lý.
Việc xử lý kỷ luật người đại diện phần vốn nhà nước tại DN phải đảm bảo khách quan, công bằng, nghiêm minh, đúng pháp luật. Đây là yêu cầu chung của mọi hoạt động truy cứu trách nhiệm pháp lý thể hiện yêu cầu của Nhà nước đối với việc xử lý kỷ luật phải phản ánh sự đánh giá chính xác tính chất, mức độ của vi phạm pháp luật, trên cơ sở đó lựa chọn biện pháp chế tài thích hợp.
Nâng cao trách nhiệm kỷ luật của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Trong thời gian qua, đã xảy ra nhiều vụ việc người đại diện phần vốn nhà nước tại DN bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thậm chí nhiều vụ việc đã trở thành các “đại án” với nhiều bị can, bị cáo và gây thiệt hại lớn cho Nhà nước và DN. Điều này không chỉ gây tổn thất cho vốn, tài sản nhà nước, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN mà còn tổn thất về nguồn nhân lực. Do vậy, trách nhiệm kỷ luật đối với người đại diện phần vốn nhà nước tại DN không chỉ mang tính răn đe, xử lý đối với người có hành vi vi phạm mà còn như “phanh hãm” ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm.
Việc xử lý kỷ luật người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải đảm bảo khách quan, công bằng, nghiêm minh, đúng pháp luật. Đây là yêu cầu chung của mọi hoạt động truy cứu trách nhiệm pháp lý thể hiện yêu cầu của Nhà nước đối với việc xử lý kỷ luật phải phản ánh sự đánh giá chính xác tính chất, mức độ của vi phạm pháp luật, trên cơ sở đó lựa chọn biện pháp chế tài thích hợp.
Việc áp dụng trách nhiệm kỷ luật kịp thời, đúng pháp luật góp phần ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm của người đại diện phần vốn nhà nước tại DN là một yêu cầu khách quan, có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước tại DN, giúp DN phát triển lành mạnh. Để đảm bảo điều này cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với người đại diện phần vốn nhà nước tại DN. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cần được thực hiện thường xuyên, liên tục góp phần phát hiện nhanh chóng, kịp thời các sai phạm nếu có của người đại diện phần vốn nhà nước tại DN. Nếu nơi nào có cách làm hay, đổi mới, sáng tạo thì cũng cần được ghi nhận và phát huy nhân rộng.
Thứ hai, khi phát hiện hành vi vi phạm cần kết luận rõ ràng và xử lý kịp thời, ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm, hạn chế thiệt hại cho Nhà nước, DN. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nếu phát hiện hành vi vi phạm cần kết luận rõ ràng, chính xác và xử lý nghiêm minh. Hạn chế tình trạng “bao che” của cơ quan quản lý đối với hành vi vi phạm của người đại diện.
Thứ ba, khi kết thúc đại diện phần vốn nhà nước tại DN cần có sự xem xét, đánh giá về kết quả đạt được, nếu có vi phạm thì xử lý ngay, tránh những trường hợp nhiều năm sau mới phát hiện vi phạm.
Để ngăn chặn tình trạng buông lỏng quản lý, tăng cường trách nhiệm của cơ quan có trách nhiệm quản lý đối với người đại diện phần vốn nhà nước cần quy định rõ về trách nhiệm liên đới của cơ quan quản lý. Trường hợp biết người đại diện có vi phạm không xử lý hoặc có sự câu kết với người đại diện để trục lợi thì cần quy định xử lý tăng nặng trách nhiệm pháp lý.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014;
2. Nghị định số 106/2015/NĐ-CP ngày 23/10/2015 về quản lý người đại diện phần vốn nhà nước giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;
3. Nghị định 87/2015/NĐ-CP về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước;
4. Nghị định số 97/1015/NĐ-CP về quản lý người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty TNHH một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
5. Đoàn Trọng Truyến, Từ điển Pháp – Việt pháp luật hành chính, NXB Thế giới, 1992, tr.98.