Nghịch lý chợ dân sinh

TS. Nguyễn Minh Phong

(Tài chính) Chợ dân sinh có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, là nơi trung chuyển, lưu thông, tiếp nối và gắn kết giữa người mua và người bán, giữa sản xuất và tiêu dùng. Doanh nghiệp cần chợ để tổ chức tiêu thụ hàng hoá, khép kín vòng quay tái sản xuất mở rộng. Chợ tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, giúp người dân bán được sản phẩm trực tiếp làm ra và mua được hàng hoá mà mình cần trong sinh hoạt với giá cả hợp lý. Chợ không chỉ là nơi mưu sinh, mà còn là nơi giao lưu tinh thần và nét đẹp văn hoá đặc trưng một số dân tộc và vùng, miền trên đất nước Việt Nam. Hơn nữa, chợ còn là tiêu chí và nội dung trong khuôn khổ chương trình xây dựng nông thôn mới.

 Nghịch lý chợ dân sinh
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ai cũng cần chợ và đâu cũng có chợ. Phong trào xây chợ, chỉnh trang chợ sôi động trên khắp miền quê đồng bằng, vùng núi cao, từ Bắc vào Nam, nở rộ nhất là trong các đô thị lớn, kéo theo bao toan tính, hy vọng và thất vọng lớn nhỏ cho người trong cuộc và cả người ngoài cuộc. Nhìn toàn cảnh cho thấy chợ thời nay sao nhiều nghịch lý. Nơi cần chợ thì mong đỏ con mắt mãi không có chợ hoặc để chợ xập sệ chờ kinh phí sửa chữa cả chục năm. Nơi chợ mới xây xong thì để hoang hoá tới 5-7 năm vẫn chưa thành chợ. Thậm chí, không ít nơi tấc đất tấc vàng, ngay cả chợ cũ “lên đời” thành trung tâm thương mại đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, thì lại không còn là chợ nữa vì đìu hiu, số nhân viên quản lý chợ đông hơn cả người bán, lẫn người mua, trong khi con ngõ hẹp hay chợ cóc ngay cạnh vẫn tấp nập và quá tải.
 
Hàng tỷ, hàng chục và cả hàng trăm tỷ đồng từ các nguồn đã được rót vào đầu tư xây chợ theo đủ phương thức mà chợ không thành chợ, trở thành lãng phí xót xa, dù nhìn từ góc độ chủ đầu tư hay lợi ích xã hội toàn cục. Nguyên nhân thì đa dạng: Nơi năng nổ và có điều kiện bao cấp ngân sách nhà nước thì xây “chợ nhà nước” vào vị trí không thích hợp, trên đồi cao hay ngoài bãi vắng, địa thế bất tiện nhiều mặt, thậm chí nhiều lỗi kiến trúc và xây dựng, thiếu kết nối hạ tầng,  xa nguồn cung cấp hàng hoá, dịch vụ, nên “chả ma nào thèm đến”.

Thậm chí, không ít nơi bất chấp quy hoạch và thực tế thị trường, vốn liếng, hình thành phong trào đầu tư chợ dàn trải theo cơ chế “xin - cho”, tìm cách thông qua dự án càng nhanh và càng “to tiền” càng tốt, chợ chưa xây xong thì thiếu kinh phí đành bỏ hoang; hoặc xây chợ xong, đánh trống khai trương và ghi thành tích, nhận phong bì, hoa hồng, hưởng “lộc” dự án và hết nhiệm kỳ rồi thì coi như hết trách nhiệm, “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.

Nơi nào doanh nghiệp nhảy vào đấu thầu xây “chợ tư nhân” hay áp dụng phương thức xã hội hoá, kiểu nhà nước và tư nhân cùng làm, thì thường xuất hiện nhiều chiêu, trò biến tấu, khiến chi phí đủ loại cho một chỗ bán hàng ở chợ mới đội lên từ 5-7-10 lần mức chợ cũ.Vé vào chợ quá đắt đỏ. Tiểu thương phải nộp đủ loại tiền, nên không kham nổi, vẫn “bám trụ” chợ cũ, không chịu vào chợ mới, hoặc bức xúc, bãi thị. Thậm chí, nhiều người bị mất quyền lợi do cơ chế phân chia chỗ chợ không công bằng, minh bạch. Các vị trí đẹp bị rơi vào tay “người nhà” ban quản lý chợ không quen bán hàng, mà chỉ chuộng “xí chỗ” và  buôn bán lại các ki ốt, vị trí đẹp trong chợ để kiếm lời như kinh doanh trên sàn giao dịch bất động sản thuần tuý. Bị tiểu thương và người mua quay lưng, chợ không còn là chợ đúng nghĩa của nó và đứng trước nguy cơ “vỡ chợ” hoặc phải thay đổi công năng.  
 
Có thể nói, phàm cái gì "đẻ non" thường "chết yểu", hoặc trong tình trạng "dở sống, dở chết". Những nghịch lý chợ dân sinh là biểu hiện đậm nét sự yếu kém, bất cập trong quản lý nhà nước về chợ dân sinh nói riêng và các công trình phục vụ dân sinh nói chung trên phạm vi địa phương, cũng như cả nước. Nói cách khác, tầm tư duy hạn hẹp, mang tính nhiệm kỳ, thiếu tính hệ thống, thiết thực và khách quan; sự tùy tiện, thiếu trách nhiệm trong quy hoạch và triển khai xây dựng mạng lưới chợ; những biến tướng tinh vi hay trắng trợn của nhóm lợi ích …Tất cả đang chi phối, bóp nghẹt và làm méo mó chợ dân sinh, lãng phí tiền của, đất đai và các nguồn lực, gây nhiều bức xúc xã hội khác.
 
Thực tế cho thấy, các cấp, các ngành và địa phương cần nghiêm túc nhận thức lại, chủ động rà soát, bảo đảm cơ sở khoa học và thực tế của các quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển chợ, lựa chọn cơ chế quản lý phù hợp, linh hoạt, sao cho ‘thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, cân đối các lợi ích giữa chủ đầu tư, tiểu thương, người mua và các mục tiêu kinh tế - xã hội khác; coi trọng các yêu cầu thiết kế kỹ thuật, tiêu chuẩn hoá, phát triển các cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ kinh doanh chợ theo hướng đồng bộ, tạo thuận lợi và bảo đảm quyền lợi chính đáng cho cả người mua và kẻ bán; khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tiểu thương, hộ gia đình vào chợ kinh doanh đúng chức năng, ngành nghề với chi  phí thấp nhất; đồng thời, nghiên cứu triển khai các giải pháp hành chính và thị trường hỗ trợ phù hợp, kể cả buộc di dời chợ cũ, chợ tự phát vào chợ theo quy hoạch. Chỉ khi đó, chợ mới thực sự là chợ, phát huy được vai trò thiết yếu của chợ cả về vĩ mô và vi mô, trước mắt và lâu dài, cũng như giải quyết dứt điểm những nghịch lý về chợ dân sinh, tiết kiệm tiền của, đất đai, công sức của nhân dân và xã hội.