Nghịch lý cơ chế giao dịch trên TTCK Việt Nam

Theo Nguyễn Quang - ĐTCK

Có một nghịch lý trên TTCK Việt Nam mà tất cả các thành viên thị trường cũng như nhà quản lý đều biết, nhưng sau 10 năm phát triển thị trường, điều đó vẫn tồn tại. Và nhiều khả năng nó sẽ còn tồn tại một thời gian dài nữa nếu như các cơ quan quản lý không đổi mới tư duy.

Điều 4, Luật Chứng khoán 2006 quy định các nguyên tắc hoạt động chứng khoán và TTCK là: "Tôn trọng quyền tự do mua, bán, kinh doanh và dịch vụ chứng khoán của tổ chức, cá nhân; công bằng, công khai, minh bạch; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NĐT; tự chịu trách nhiệm về rủi ro; tuân thủ quy định của pháp luật". Theo đó, NĐT có quyền được tự do mua bán, kinh doanh chứng khoán một cách công bằng, đảm bảo lợi ích hợp pháp của mình.

Ngoài ra, theo Điều 5, luật này: "Nhà nước có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân tham gia đầu tư và hoạt động trên TTCK nhằm huy động các nguồn vốn trung hạn và dài hạn cho đầu tư phát triển. Nhà nước có chính sách quản lý, giám sát bảo đảm TTCK hoạt động công bằng, công khai, minh bạch, an toàn và hiệu quả".

Theo đó, Nhà nước (cụ thể là các cơ quan quản lý thị trường) phải có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư trên TTCK một cách công bằng. Tuy nhiên, NĐT chứng khoán tại Việt Nam hiện đang phải chịu một sự bất công lớn khi tham gia giao dịch. Đó là việc bị hạn chế giao dịch mua bán cùng loại chứng khoán trong phiên giao dịch.

Chuyện thật như đùa!

Đại diện của một quỹ đầu tư ủy thác tại Nhật Bản cho biết, quỹ của họ nhận ủy thác đặt lệnh cho rất nhiều NĐT tại Nhật Bản đầu tư vào TTCK Việt Nam. Tất cả các lệnh mua bán trên đều phải thực hiện qua 1 tài khoản tổng duy nhất. Vì vướng quy định mua bán cùng phiên, các quỹ đầu tư này phải đưa ra quy định chưa có tiền lệ là: "NĐT chỉ được đặt lệnh mua vào các ngày thứ Hai/Bốn/Sáu và đặt bán vào các ngày Ba/Năm hàng tuần". Chính quy định này đã cản trở rất lớn đến nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài vào TTCK Việt Nam.

Điều quan trọng hơn là rất nhiều NĐT  Việt Nam phải chịu thiệt hại vì quy định này. Ví dụ, họ đang nắm giữ 100.000 cổ phiếu A, nếu đã đặt lệnh mua thêm chỉ với số lượng tối thiểu cổ phiếu này thì trong phiên đó, họ không còn cơ hội bán cổ phiếu A khi giá biến động. Để sang ngày hôm sau thì giá trị tài khoản đã giảm, cơ hội đã mất. Vô tình, quy định này đã tác động đến cung - cầu trên thị trường, làm sai lệch giá trị của chứng khoán. Việc cơ quan quản lý hạn chế quyền tự do bán một tài sản đã thuộc sở hữu của NĐT, theo nhiều luật sư, đó là việc làm vi phạm pháp  luật.

Trên thực tế, NĐT có thể lách bằng cách mở nhiều tài khoản ủy thác. Tuy nhiên, việc này lại nảy sinh ra nhiều vấn đề rắc rối trong việc quản lý và giám sát tài sản. Thực tế cho thấy đã có rất nhiều vụ lừa đảo, chiếm dụng tài sản… phải đưa ra tòa liên quan đến tài khoản ủy thác. Ngoài ra, nếu quy định như vậy, những NĐT tuân thủ đúng pháp luật lại phải chịu sự bất công.

Không TTCK nước nào hạn chế quyền mua - bán của NĐT

Tất cả các quy định từ trước đến nay đều yêu cầu NĐT phải có tiền ký quỹ trong tài khoản khi đặt mua chứng khoán và có chứng khoán thực trong tài khoản khi đặt bán. Như vậy, hành vi bán khống chứng khoán hay hành vi bán chứng khoán dưới T+3 không được phép thực hiện. Các quy định trước đây nhằm cấm NĐT mua bán cùng loại chứng khoán được hiểu theo nghĩa này.

Tuy nhiên, trường hợp NĐT đặt mua chứng khoán, nhưng sau đó lại đặt bán chứng khoán cùng loại có sẵn trong tài khoản lại không được, thì khác hẳn. Đây chính là nghịch lý chỉ có tại TTCK Việt Nam!

Trả lời phỏng vấn ĐTCK, đại diện Sở GDCK Tokyo (TSE) nhấn mạnh: "Việc mua và bán chứng khoán cùng loại trong cùng một phiên là điều bất kỳ NĐT chứng khoán nào tại Nhật cũng được thực hiện". Chỉ trong một số trường hợp, các CTCK có thể hạn chế NĐT giao dịch liên tục theo chuỗi "mua - bán - mua" hoặc "bán - mua - bán" nếu có nguy cơ xảy ra việc mất cân bằng tài khoản. Điều này phụ thuộc vào chính sách của các CTCK khác nhau.

Ông William Ward, Trung tâm chăm sóc khách hàng, Sở GDCK Úc (ASX) cũng cho biết: "ASX không hề hạn chế số lần giao dịch mua bán của NĐT cá nhân hay tổ chức trong cùng ngày giao dịch.

Trong một số trường hợp, việc hạn chế này do các CTCK quy định nhằm tránh rủi ro cho NĐT theo hợp đồng đã thỏa thuận".

Phản hồi của nhiều Sở GDCK cũng như các NĐT trên thế giới đều có chung quan điểm là họ rất ngạc nhiên về việc cấm giao dịch mua bán cổ phiếu cùng phiên tại Việt Nam.

Theo website Investopedia.com, việc hạn chế NĐT mua bán chứng khoán trong cùng ngày giao dịch là tùy thuộc vào chính sách của các CTCK. Mục đích của việc hạn chế này là nhằm tránh nguy hiểm cho những NĐT mới, chưa có sự hiểu biết những rủi ro liên quan. Tuy nhiên, khách hàng có thể yêu cầu dỡ bỏ những hạn chế này.

Bao giờ cho đến tháng 10?

Nếu coi chứng khoán là một loại hàng hóa thì theo Luật Dân sự, Luật Thương mại, NĐT có quyền tự do giao dịch (trừ hàng hóa có quy định đặc biệt hoặc bị cấm). Luật Thương mại quy định, giao dịch hàng hóa thông qua Sở giao dịch hàng hóa không bị cấm cùng mua và bán trong phiên. Trong Luật Chứng khoán, không có nội dung nào cấm NĐT cùng mua và bán một loại chứng khoán trong phiên. Các quy định pháp lý hiện nay cũng không có một chế tài hay căn cứ nào để xử phạt NĐT đặt lệnh mua và bán cùng một loại chứng khoán trong phiên (trừ HOSE). Tuy nhiên, việc này chưa thể thực hiện được do phần mềm giao dịch của CTCK, hệ thống nhập lệnh của HNX đều có cơ chế chặn lại.

Một nghịch lý mà ai cũng biết! Một quy định không giống ai và cản trở quyền quyền tự do mua bán hàng hóa, định đoạt tài sản của công dân! TTCK Việt Nam đã có 10 năm phát triển, đã đến lúc những bất hợp lý cần được giải quyết. Việc này trước hết là để đảm bảo quyền tự do mua bán, bảo vệ lợi ích của NĐT, đồng thời sẽ làm tăng tính thanh khoản cho thị trường.