Nghịch lý tín dụng và nợ xấu

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Ngành ngân hàng đang phải giải bài toán có đáp án ngược nhau, đó là tăng trưởng tín dụng và nợ xấu. Với kinh tế vĩ mô vẫn chưa có sự cải thiện rõ ràng thì việc làm thế nào để vừa đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng vừa giảm được nợ xấu là nhiệm vụ rất khó thực thi.

Ngân hàng đang nỗ lực để cho vay ra nhằm giải phóng lượng tiền ế trong hệ thống. Nguồn: internet
Ngân hàng đang nỗ lực để cho vay ra nhằm giải phóng lượng tiền ế trong hệ thống. Nguồn: internet

Ông Đặng Bảo Khánh, Tổng Giám đốc SeABank, cho biết cái khó hiện nay của ngân hàng là làm thế nào để tìm được doanh nghiệp (DN) tốt mà cho vay. Lãi suất không phải là vấn đề, nếu ổn, có thể chỉ 5%/năm, kể cả cho vay trung và dài hạn.

Cạnh tranh khốc liệt

Tính đến ngày 22/4, tín dụng tăng 0,62% so với cuối năm 2013. Mức tăng này được đánh giá là thấp, tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm ngoái thì tăng khoảng 11,04%. Điều đó cho thấy sự nỗ lực của hệ thống ngân hàng. Dù vậy, mức tăng này cũng vẫn chậm khiến thị trường lo ngại các ngân hàng chỉ đẩy mạnh cho vay vào cuối năm để đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Tuy nhiên, là người thường xuyên tiếp xúc với khách hàng để tìm kiếm hợp đồng tín dụng, anh Cù Tuấn Anh, cán bộ tín dụng của Vietcombank, cho biết việc tìm kiếm khách hàng tốt để cho vay thật khó trong điều kiện hiện nay. "Thật ra nhu cầu khách hàng vay là có nhưng không phải khách hàng nào cũng đạt điều kiện vay vốn, mà lý do chủ yếu là đề án kinh doanh không khả thi, dòng vốn không ổn định…", anh Tuấn Anh cho biết.

Ông Khánh cũng thừa nhận nhu cầu vay vốn của khách hàng là khá lớn, có những khách hàng chấp nhận vay với lãi suất rất cao, nhưng lại không chứng minh được nguồn để trả nợ. "Khách hàng như vậy là rất nhiều, nhưng trong điều kiện kinh tế hiện nay, rủi ro nợ xấu khi cho vay như vậy là rất lớn", ông Khánh nói.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần nhỏ ở Hà Nội cũng thừa nhận trong điều kiện hiện nay, ngân hàng rất khó cho vay vì khách hàng tốt bị cạnh tranh lãi suất từ các NHTM nhà nước, vì vậy, nhiều khi ngân hàng phải chấp nhận lỗ để giữ chân một khách hàng tốt với lãi suất rất thấp.

"Điều đáng nói là, trước đây, các NHTM nhà nước thường bỏ qua nhóm DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể, thì nay, hầu hết họ đều săn tìm tất cả những DN tốt, kể cả DN nhỏ, hộ kinh doanh cá thể. Sự mở rộng mạng lưới khách hàng này khiến cho những ngân hàng nhỏ vốn chật hẹp về thị phần, nay lại càng bị cạnh tranh khốc liệt hơn", vị này tâm sự.

Giới chuyên gia cũng cho rằng các ngân hàng đang nỗ lực để cho vay ra nhằm giải phóng lượng tiền ế trong hệ thống, tuy nhiên, việc tăng trưởng tín dụng tiền đồng thấp là do nhu cầu vay vốn nội địa yếu.

"Việc tín dụng tiền đồng tăng trưởng thấp là đáng lo ngại vì điều này cho thấy nhu cầu vay vốn nội địa là rất yếu. Điểm sáng duy nhất là tín dụng ngoại tệ và điều này chỉ chứng tỏ thêm xuất khẩu là lĩnh vực duy nhất thúc đẩy nền kinh tế. Trong 4 tháng qua, sau khi loại trừ tác động của dịp Tết Nguyên đán, mặc dù lãi suất cho vay đã giảm gần 4% trong 16 tháng qua, cầu tín dụng vẫn kém đi", ông Fiachra Mac Cana, Giám đốc điều hành, Phụ trách nghiên cứu, Công ty chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) nhận định.

Tuy nhiên, một nguyên nhân lớn khiến tín dụng khó tăng trưởng mạnh, đó là nợ xấu. Ông Sanjay Karla, đại diện IMF tại Việt Nam, cho rằng những vấn đề của hệ thống ngân hàng ảnh hưởng nhiều tới tăng trưởng kinh tế và vấn đề của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong thời gian qua không phải là tăng trưởng tín dụng chậm lại mà là nợ xấu cao.

Rào cản nợ xấu

"Các ngân hàng không biết cho đối tượng nào vay để đảm bảo chất lượng tín dụng. Đối với bên đi vay, khi đã có nợ xấu thì rất khó tiếp cận nguồn tín dụng này khi ngân hàng không muốn cho vay. Tăng trưởng tín dụng thấp ở Việt Nam không phải là từ cầu (bên đi vay) mà là từ cung, khi các ngân hàng dè dặt không muốn cho vay", ông Karla nói.

Thực tế này cũng được chính lãnh đạo các ngân hàng thừa nhận. Với những khách hàng đang có nợ xấu tại ngân hàng mình hoặc ngân hàng khác đều rất khó tiếp cận vốn vay, bởi ngân hàng ngại khách hàng không có nguồn trả nợ, còn những khách hàng nào tiếp cận được thì lãi suất cũng phải cao hơn thị trường do bị xếp ở mức tín nhiệm thấp, rủi ro cao.

Lãnh đạo một ngân hàng lớn tại TP. Hồ Chí Minh thừa nhận, tăng trưởng tín dụng của họ những tháng đầu năm khá tốt, tuy nhiên, nợ xấu của ngân hàng cũng đang tăng lên. "Rõ ràng, nợ xấu chính là rào cản lớn nhất khiến các ngân hàng dè dặt trong việc cho vay ra", vị này bày tỏ.

Thực tế, trong quý I/2014, mặc dù tăng trưởng tín dụng thấp nhưng nợ xấu của hệ thống ngân hàng vẫn đang trong xu hướng tăng lên. Ví như, quý I/2014, DongABank dư nợ tín dụng đạt 52.868 tỷ đồng, giảm 0,3% so với đầu năm, nhưng nợ xấu vẫn ở mức 3,99%. Nợ xấu của PGBank cũng tăng mạnh từ 2,98% lên 4,1%. Tăng mạnh nhất là nợ dưới tiêu chuẩn, tăng từ 64 tỷ đồng lên 175 tỷ đồng. Sacombank cho biết, quý I/2014, nợ xấu chiếm 1,86% tổng dư nợ. Nợ xấu đã tăng mạnh ở cả 3 nhóm nợ, kéo tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,45% trong quý I/2013 lên 1,87%.

Thị trường hiện vẫn đang đợi thông tin từ những ngân hàng niêm yết. Tuy nhiên, kể từ thời điểm này, nợ xấu của ngân hàng sẽ tăng lên do phải tính toán nợ xấu theo quy định của Thông tư 09 (có hiệu lực từ ngày 20/3/2014, ngoài ra, có một số quy định được hoãn đến năm 2015).

Nhiều lãnh đạo ngân hàng thừa nhận con số nợ xấu đánh giá lại theo thông tư 09 có thể tăng thêm 1 - 2% và các ngân hàng đã phân bổ dự phòng quý I/2014 dựa trên số liệu này để tránh việc tăng quá đột ngột của phần dự phòng khi Thông tư 09 có hiệu lực.

Do vậy, mặc dù rất sốt ruột với tốc độ tăng trưởng tín dụng đì đẹt như hiện nay nhưng một thực tế rất khó phủ nhận, đó là nếu nợ xấu vẫn không được tính toán để giải quyết nhanh hơn, tăng trưởng tín dụng khó có thể cải thiện.