Nghịch lý trên thị trường bán lẻ Hà Nội
Trong bối cảnh thị trường bất động sản (BĐS) vẫn còn trầm lắng, do tâm lý chờ đợi sự phục hồi của thị trường, thì phân khúc mặt bằng bán lẻ lại diễn ra nghịch lý khá thú vị khi nguồn cung ra thị trường tăng, giá thuê tăng nhưng công suất thuê lại giảm... Điều này cho thấy, tình hình hoạt động của thị trường trầm lắng trên tất cả các phân khúc.
Báo cáo nghiên cứu của Savills vừa công bố cho thấy, nguồn cung mặt bằng bán lẻ cung ứng ra thị trường trong quý III/2023 là khoảng 1,8 triệu m2, tăng 2% theo quý và tăng 4% theo năm, nhờ sự gia nhập thị trường của Lotte Mall West Lake Hà Nội với 72.000 m2.
Các trung tâm mua sắm chiếm 62% tỷ trọng nguồn cung, tương đương 1,1 triệu m2. Kể từ năm 2019, nguồn cung cửa hàng bách hóa đã tăng 1% trong khi trung tâm mua sắm tăng 3% mỗi năm. Khối để bán lẻ có mức tăng trưởng cao nhất trung bình 5%/năm.
Giá thuê tầng trệt vùng ven trong quý III tăng 7% theo quý và 17% theo năm, lên 1.142.000 đồng/m2/tháng. Giá thuê tầng trệt tại khu trung tâm là khoảng 3 triệu đồng/m2/tháng, cao hơn 64% so với các khu vực ngoài trung tâm, nơi giá thuê chỉ đạt mức mức khoảng 1,3 triệu đồng/m2/tháng. Các dự án áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu và lưu lượng khách cao như Lotte Center và AEON mall có giá thuê gia tăng đáng kể.
Đáng chú ý, nghịch lý trên thị trường bán lẻ trong khi nguồn cung ra thị trường tăng cao, giá thuê tăng thì công suất thuê phân khúc này lại giảm nhẹ. Tình trạng này cho thấy, phân khúc mặt bằng bán lẻ cũng vẫn trầm lắng.
Theo Savills, công suất thuê mặt bằng bán lẻ trên thị trường Hà Nội trong quý III giảm 1% so với quý II và giảm 4% so với cùng kỳ năm trước. Các cửa hàng bách hóa có mức giá cho thuê giảm 4% công suất cho thuê.
Khu vực nội thành Hà Nội có diện tích cho thuê thêm lớn nhất đạt 77.160 m2. Các trung tâm mua sắm lớn có diện tích cho thuê mới nhiều nhất với 35.600 m2, đồng thời duy trì thị phần cao nhất.
Về triển vọng thị trường bán lẻ Hà Nội, Savills Việt Nam nhận định, trong những tháng cuối năm 2023, ba dự án gồm: Grand Terra, The Linc và Han Jardin dự kiến cung ứng ra thị trường khoảng 20.550 m2. Trung tâm mua sắm dự kiến cung cấp 58% và khối đế bán lẻ đóng góp khoảng 42% nguồn cung mới.
“Nhiều chủ đầu tư có kế hoạch tham vọng phát triển các trung tâm mua sắm với quy mô lớn và đa dạng tại Hà Nội. Các nhà bán lẻ quốc tế đặt mục tiêu đến Hà Nội mở rộng thị phần trong tương lai”, bà Hoàng Nguyệt Minh - Giám đốc Bộ phận Cho thuê Thương mại Savills Hà Nội nhận định.