Đề xuất lập Quỹ Nhà ở quốc gia với vốn điều lệ tối thiểu từ 5.000 tỷ đồng
Trong Dự thảo nghị định thành lập Quỹ nhà ở quốc gia, Bộ Xây dựng đề xuất lập Quỹ nhà ở quốc gia với vốn điều lệ tối thiểu 5.000 tỷ đồng và tăng lên 10.000 tỷ sau 3 năm do ngân sách Nhà nước cấp.

Bộ Xây dựng xây dựng Dự thảo nghị định thành lập Quỹ nhà ở quốc gia và đang xin ý kiến các bộ, ngành trước khi trình Chính phủ xem xét ban hành.
Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, quỹ Trung ương sẽ có vốn điều lệ ban đầu tối thiểu 5.000 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và được tăng lên tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong vòng 3 năm kể từ khi thành lập. Ngoài ngân sách cấp, quỹ có thể tiếp nhận đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, cùng các nguồn huy động hợp pháp khác. Nguồn bổ sung vốn còn đến từ khoản thu khi bán nhà ở thuộc tài sản công do cơ quan Trung ương quản lý, hoặc từ các hoạt động, tài sản khác thuộc sở hữu của quỹ.
Bên cạnh đó, quỹ địa phương sẽ được ngân sách địa phương cấp vốn điều lệ ban đầu. Ngoài ra, các địa phương có thể trích từ nguồn thu tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư hạ tầng để phát triển nhà ở xã hội, hoặc từ nguồn thu bán nhà công, đấu giá quyền sử dụng đất... UBND cấp tỉnh sẽ quyết định tỷ lệ trích nộp vào quỹ.
Quỹ Nhà ở quốc gia sẽ là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng, được mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại. Quỹ sẽ hoạt động theo mô hình doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, do Chính phủ lập ở cấp Trung ương và UBND cấp tỉnh thành lập ở địa phương. Cơ quan chuyên môn sẽ được giao quản lý quỹ tại mỗi cấp.
Việc quản lý vận hành nhà ở do Quỹ đầu tư được giao cho đơn vị trực thuộc hoặc có thể thuê đơn vị bên ngoài đủ điều kiện. Chi phí quản lý vận hành được tính vào giá thuê nhà. Ngoài ra, quỹ được quyền quyết định sử dụng doanh thu từ khai thác phần diện tích thương mại, dịch vụ trong các dự án để chi cho công tác bảo trì, quản lý vận hành nhà ở xã hội.
Quỹ nhà ở quốc gia được kỳ vọng tập trung đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội độc lập hoặc đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ mục đích cho thuê. Bộ Xây dựng cũng đề xuất cho phép quỹ được mua lại nhà ở xã hội do tư nhân xây dựng hoặc tiếp nhận nhà công để cải tạo, chuyển đổi công năng làm nhà ở cho thuê.
Ngoài ra, quỹ có thể mua nhà ở thương mại để cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập thuê lại. Thời gian đầu tư dự án được giới hạn, trong đó nhà ở xã hội độc lập phải hoàn thành trong tối đa 5 năm, còn dự án có hạ tầng đồng bộ không quá 7 năm.
Cũng theo Bộ Xây dựng, các nhóm đối tượng được thuê nhà từ quỹ gồm người thu nhập thấp đáp ứng điều kiện theo quy định pháp luật về nhà ở, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động chưa có nhà hoặc gặp khó khăn về chỗ ở.
Liên quan đến công tác quản lý, phát triển nhà ở và bất động sản trong nửa cuối năm 2025, việc tập trung nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập Quỹ nhà ở quốc gia được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm lớn của Bộ Xây dựng cùng Đề án thí điểm mô hình “Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý”; Kế hoạch phát triển nhà ở công vụ của các cơ quan Trung ương giai đoạn 2025 - 2030 và chính sách nhà ở cho cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước.