Đổi mới cơ chế phân bổ và quản lý sử dụng vốn đầu tư

VỤ ĐẦU TƯ - Bộ Tài chính

(Tài chính) Việc đổi mới cơ chế phân bổ và quản lý sử dụng vốn là yêu cầu cấp bách đối với các cấp từ trung ương đến địa phương, nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với mục tiêu tái cơ cấu đầu tư, trọng điểm là đầu tư công, Bộ Tài chính tin tưởng sẽ hoàn thành được mục tiêu của Đề án.

Phải chấm dứt tình trạng bố trí dàn trải nguồn lực cho các dự án đầu tư. Nguồn: internet
Phải chấm dứt tình trạng bố trí dàn trải nguồn lực cho các dự án đầu tư. Nguồn: internet

Một trong ba trọng tâm của tái cơ cấu kinh tế được Việt Nam xác định là tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công với 3 định hướng và 3 nhóm giải pháp cơ bản, trong đó đổi mới cơ chế phân bố và quản lý sử dụng vốn, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán và lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư nhà nước được xác định vừa là định hướng, vừa là một giải pháp được đặt ra cho các bộ, ngành, địa phương trong các chương trình hành động của mình. Yêu cầu đặt ra đối với định hướng, giải pháp này được khẳng định rõ:

Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế phân cấp, quản lý đầu tư; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, minh bạch và trách nhiệm các cấp, các cá nhân trong quá trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước (NSNN); đảm bảo kiểm soát nợ công trong giới hạn an toàn. Xây dựng và áp dụng quy trình hợp lý, chặt chẽ và hiệu quả về xác định, thẩm định, lựa chọn, phân bổ vốn đầu tư;

Thứ hai, thực hiện nhất quán kế hoạch đầu tư trung hạn;

Thứ ba, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực, chế độ ưu đãi, khuyến khích đầu tư, cơ chế quản lý đầu tư mở rộng thu hút đầu tư tư nhân trong và ngoài nước thông qua xác định, công bố danh mục dự án hạ tầng khả thi có khả năng thu hồi vốn, xác định cơ chế cần có cho từng dự án để thu hút đầu tư theo các hình thức kết hợp công tư thích hợp, cải cách thủ tục hành chính giảm phiền hà, chi phí cho nhà đầu tư trong tiếp cận thông tin, triển khai các dự án;

Thứ tư, sử dụng minh bạch, hiệu quả nguồn lực khoáng sản, đất đai, tài nguyên thông qua cơ chế đấu thầu, cấp phép, giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện; hướng tới phát triển xanh, bền vững.

Với yêu cầu, định hướng đặt ra, thời gian qua, cơ chế phân bổ và quản lý sử dụng vốn đã có những điều chỉnh theo hướng tăng cường trách nhiệm các cấp; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với những quyết định sử dụng vốn đặc biệt của NSNN. Cụ thể:

- Hệ thống văn bản pháp luật liên quan, trong đó trọng tâm là Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật NSNN (sửa đổi), Luật Xây dựng (sửa đổi) là các bộ luật quan trọng liên quan trực tiếp đến quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công được tập trung nghiên cứu và sửa đổi. Các nội dung được nghiên cứu sửa đổi theo nguyên tắc tạo sự thống nhất trong quản lý NSNN; minh bạch về trình tự, thủ tục; rõ ràng về trách nhiệm các cấp, cá nhân người đứng đầu; thuận lợi cho thực hiện của chủ thể tham gia; chuyển từ cơ chế kế hoạch đầu tư theo năm sang kế hoạch đầu tư trung hạn của các cấp (hiện đã áp dụng đối với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ).

- Trong điều hành kế hoạch đầu tư hàng năm cụ thể đã có thay đổi căn bản trong việc quyết định phê duyệt dự án, phân bổ sử dụng nguồn vốn cho các dự án đầu tư, đặc biệt là các Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý vốn đầu tư từ NSNN và vốn trái phiếu Chính phủ, Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10/10/2012, Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề xử lý nợ đọng trong xây dựng cơ bản.

Với cơ chế mới này, hiện các bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ được phép quyết định đầu tư dự án khi nguồn vốn được cấp có thẩm quyền thẩm tra; nguồn vốn trung ương gồm vốn cho các bộ và vốn hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương được cơ quan tổng hợp ở trung ương thẩm tra, soát xét kỹ trước khi triển khai hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng bố trí dàn trải; bố trí vốn xử lý nợ đọng là một tiêu chí trong kế hoạch đầu tư hàng năm của các cấp với mục tiêu đến 2015 xử lý xong nợ đọng xây dựng cơ bản. Riêng đối với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã được thông báo cho giai đoạn 2011-2015, căn cứ hạn mức của cả giai đoạn giúp các bộ, địa phương có sự chủ động trong điều chỉnh kế hoạch triển khai cụ thể của từng dự án phù hợp thức tế.

Với nguồn lực hạn chế so nhu cầu, tính trọng tâm, trọng điểm trong bố trí được tăng cường, kết cấu hạ tầng, giáo dục và con người là các ưu tiên trong bố trí nguồn vốn đầu tư của các cấp. Bên cạnh đó, cơ chế ứng vốn, bổ sung vốn được thắt chặt, chỉ xử lý cho những trường hợp thật sự cấp bách trên cơ sở đảm bảo có nguồn cũng như đánh giá đúng, đủ khả năng thu hồi trong trường hợp ứng.

- Cơ chế hướng dẫn quản lý thanh toán vốn đầu tư NSNN, trái phiếu Chính phủ đã được kiện toàn, sửa đổi, tạo thuận lợi cho đơn vị thực hiện. Thủ tục, quy trình, hồ sơ thanh toán đã được đơn giản hóa tối đa và nhìn chung đã rất thuận lợi cho đơn vị song vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý. Qua quá trình kiểm soát, cơ quan tài chính đã thực hiện đúng trách nhiệm, có tổng hợp, báo cáo thu hồi các khoản vốn sử dụng chưa đúng hoặc không sử dụng hết về NSNN, góp phần lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn, hạn chế về nguồn vốn đầu tư của NSNN hiện này.

- Cơ chế khuyến khích kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách được rà soát, sửa đổi nhằm huy động được thêm các nguồn vốn ngoài ngân sách vào đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Một mặt chính sách khuyên khích có sự rà soát đánh giá đảm bảo tính hợp lý (như vấn đề phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế), mặt khác có sự nghiên cứu cập nhật (như hợp nhất chính sách khuyến khích đầu tư BOT, BTO, BT và chính sách thí điểm đầu tư PPP) nhằm tạo dựng môi trường thuận lợi nhất thu hút các nhà đầu tư.

Bài đăng trên Đặc san Đối ngoại Kinh tế - Tài chính Việt Nam của Bộ Tài chính.