Giải pháp phát triển thị trường hàng hóa tại Đồng bằng sông Cửu Long
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, vùng cây ăn trái lớn nhất Việt Nam, có những điều kiện thuận lợi để phát triển thị trường hàng hóa. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, phát triển thị trường hàng hóa tại khu vực này vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, chưa bảo đảm khả năng phát triển nhanh, bền vững thời gian tới.
Xu hướng phát triển thị trường hàng hóa
Ngày 12/2/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 245/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, mục tiêu tổng quát được xác định là: “Xây dựng vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL trở thành vùng phát triển năng động, có cơ cấu kinh tế hiện đại, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại…, có đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế của đất nước… tiến kịp mặt bằng chung của cả nước”.
Trên cơ sở pháp lý đó, với sự tăng cường đầu tư, hỗ trợ của Trung ương và nỗ lực của các địa phương, trong giai đoạn 2011 - 2015, tình hình KT-XH của các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL nói chung đã có những chuyển biến khả quan. Trong đó, lĩnh vực thương mại, thị trường hàng hóa phát triển khá nhanh, đa dạng với nhiều loại hình, hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại được các địa phương quan tâm đầu tư, thúc đẩy các địa phương trong vùng cùng phát triển...
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, phát triển thị trường hàng hóa tại ĐBSCL vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Đó là: Kết cấu và quy mô nền kinh tế của vùng còn thiếu tính liên kết; chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh chưa cao; chưa xác định rõ sản phẩm chủ lực của ngành công nghiệp mũi nhọn để đầu tư đúng mức; môi trường và cơ chế chính sách đầu tư chưa thực sự hấp dẫn để thu hút đầu tư...
Những hạn chế, bất cập trên làm hạn chế quá trình phát triển thị trường hàng hóa của ĐBSCL xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan thì chủ yếu vẫn là những nguyên nhân chủ quan.
Cụ thể là, công tác quy hoạch, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH và các ngành kinh tế mũi nhọn của các địa phương chưa được chú trọng đúng mức, chưa phát huy được vai trò là vùng trọng điểm sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông thủy sản hàng hóa; nhiều nguồn lực đầu tư cho phát triển chưa được khai thác tốt do thiếu tính liên kết chặt chẽ giữa các tỉnh, thành trong vùng; các địa phương còn thiếu tầm nhìn chiến lược, chưa bảo đảm tính khoa học, chưa chú trọng công tác dự báo trong xây dựng, triển khai kế hoạch phát triển KT-XH; kinh tế hợp tác có phát triển nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, việc xây dựng các hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp triển khai chậm…
Một số giải pháp và khuyến nghị
Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động, việc phát triển thị trường hàng hóa tại ĐBSCL chịu nhiều yếu tố tác động của thị trường ngoài nước đến thị trường nội địa nước ta. Để thúc đẩy thị trường thương mại, thị trường hàng hóa tại ĐBSCL tiếp tục phát triển phải có một hệ thống giải pháp, chính sách phát triển đồng bộ với những phương thức hỗ trợ phù hợp. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, phát triển và đa dạng hóa các kênh phân phối. Trong đó, cần chú trọng đa dạng hóa các kênh phân phối, các loại hình tổ chức và phương thức hoạt động, các thành phần kinh tế, các chế độ sở hữu và các nguồn lực tham gia đầu tư phát triển.
Tăng cường kết hợp thương mại truyền thống với thương mại hiện đại. Tăng cường quản lý nhà nước đối với các hệ thống phân phối vì lợi ích Nhà nước, DN và người tiêu dùng. Trong đó, tập trung vào các vấn đề sau:
- Với hệ thống bán lẻ của các tập đoàn, tổng công ty ngành hàng, thiết lập và phát triển mối liên kết dọc có quan hệ gắn kết chặt chẽ, ổn định và ràng buộc trách nhiệm trên từng công đoạn của quá trình lưu thông từ sản xuất, xuất nhập khẩu đến bán buôn và bán lẻ thông qua các quan hệ trực tuyến hoặc quan hệ đại lý, mua bán.
- Tăng cường thiết lập hệ thống phân phối trên cơ sở xây dựng và phát triển hệ thống tổng kho bán buôn, hệ thống trung tâm logistics được bố trí theo khu vực thị trường, để tiếp nhận hàng hoá từ các cơ sở sản xuất, nhập khẩu và cung ứng hàng hoá cho mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn.
- Khuyến khích các DN lớn kinh doanh các nhóm, mặt hàng có mối liên hệ trong tiêu dùng tạo mối liên kết ngang trong khâu phân phối, để giảm chi phí đầu tư, chi phí lưu thông của DN và giảm chi phí của xã hội nhờ tiết kiệm được thời gian mua sắm.
- Có chính sách, giải pháp bảo vệ hệ thống bán lẻ trong nước khi thực hiện cam kết mở cửa thị trường dịch vụ phân phối cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài.
- Đẩy mạnh thực thi các chương trình khai thác thị trường nội địa. Cần sớm quy hoạch tổng thể ngành bán lẻ trong vùng ĐBSCL và từng địa phương, từ đó, đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại, trước mắt, tập trung cho các chuỗi siêu thị bán lẻ, hệ thống các chợ.
- Có định chế tài chính, tín dụng, chính sách đầu tư, đất đai thích hợp để hỗ trợ thực hiện quy hoạch xây dựng hạ tầng thương mại.
Thứ hai, hỗ trợ DN phân phối Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh và phát triển thị trường.
- Hỗ trợ DN tổ chức đào tạo các nhà phân phối nội địa, nhất là đào tạo các nhà phân phối nhỏ lẻ.
- Tăng cường liên kết hợp tác giữa các nhà phân phối trong nước kể cả mua bán, sáp nhập để tạo sức mạnh tài chính đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống xây dựng thương hiệu; liên kết giữa nhà sản xuất, nhà phân phối để ổn định nguồn hàng và thị trường tiêu thụ.
- Hoàn thiện quy chế quản lý về quảng cáo, ngăn chặn tình trạng các công ty mẹ ở nước ngoài chi trả quảng cáo cho các công ty trong nước vượt quá định mức, tạo ra sự bất bình đẳng giữa DN trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ ba, hoàn thiện và bổ sung chính sách đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng thương mại nông thôn trong Vùng.
Có chính sách để khuyến khích các DN đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại ở nông thôn được hưởng các chính sách khuyến khích đầu tư như các dự án về nông nghiệp theo Nghị định 61/2010/NĐ-CP về chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Thứ tư, ứng dụng thương mại điện tử để thu thập và sử dụng có hiệu quả các nguồn thông tin thị trường.
Bối cảnh quốc tế và trong nước đã và đang đặt ra những yêu cầu mới đối với hoạt động tư vấn và cung cấp thông tin thị trường, cả về sự đa dạng của nguồn tin lẫn nội dung và hình thức, cả về loại hình và nội dung của lượng thông tin cần tư vấn và cung cấp cho DN. Thương mại điện tử giúp cho DN thu được nguồn thông tin thị trường phong phú, cập nhật và giảm chi phí thu thập thông tin.
Để tận dụng có hiệu quả sự hỗ trợ của Nhà nước, các DN cần có giải pháp tích cực hoàn thiện kết cấu hạ tầng thông tin, sử dụng các chương trình phần mềm hệ thống thích hợp với hoạt động của DN, hoàn thiện và đào tạo đội ngũ làm thông tin để tận dụng được sự hỗ trợ của Nhà nước.
Để có thể khai thác nguồn thông tin này có hiệu quả, các DN cần có những cán bộ khai thác thông tin thị trường am hiểu về kỹ thuật khai thác tin và nhanh nhạy trước phản ứng của thị trường. Bên cạnh đó, Nhà nước cần hỗ trợ tổ chức một số hội chợ cấp miền, cấp vùng cho những nhóm ngành hàng của DN sản xuất trong nước cần tiêu thụ.