Phát triển chứng khoán phái sinh: Yêu cầu tất yếu với thị trường chứng khoán Việt Nam
Sự ra đời của chứng khoán phái sinh là quá trình tất yếu trong tiến trình phát triển của thị trường chứng khoán nhằm đa dạng hóa sản phẩm, là giai đoạn phát triển lên một tầm cao hơn của thị trường. Nắm bắt được xu hướng này, Việt Nam đã và đang tích cực chuẩn bị các điều kiện ban đầu để xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh.
Yêu cầu tất yếu
Với Việt Nam, thị trường chứng khoán (TTCK) đang ở giai đoạn đầu phát triển với những biến động tương đối mạnh thì nhu cầu sử dụng các chứng khoán phái sinh để phòng ngừa rủi ro trở thành một nhu cầu cấp thiết. Nhận thức được yêu cầu về phát triển thị trường chứng khoán phái sinh, những năm gần đây, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tiến hành nhiều giải pháp để khởi tạo hình thành thị trường chứng khoán phái sinh.
Theo đánh giá của các chuyên gia, sự ra đời của thị trường chứng khoán phái sinh sẽ mở ra dư địa phát triển mới cho TTCK trên nhiều khía cạnh như: phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới; cung cấp nguồn hàng mới; hình thành lớp nhà đầu tư (NĐT) mới… Việc cung cấp hàng hóa mới sẽ đáp ứng đa dạng nhu cầu của NĐT, sẽ huy động được một lượng vốn lớn tham gia thị trường.
Bên cạnh đó, triển khai thị trường chứng khoán phái sinh không chỉ giúp NĐT giảm thiểu các rủi ro trong quá trình đầu tư, mà còn hỗ trợ tích cực cho các DN huy động vốn qua TTCK. Trong những năm qua, vì thị trường chứng khoán phái sinh chưa đủ điều kiện chín muồi để triển khai, nên mỗi khi thị trường biến động đã khiến nhiều NĐT, thậm chí là các NĐT tổ chức phải bán tháo, cắt lỗ.
Việc thiếu những công cụ phòng vệ rủi ro cộng với tâm lý đám đông vẫn chi phối mạnh trên TTCK Việt Nam, khiến cho những biến động trên thị trường bị khuyếch đại nhiều lần. Điểm yếu này không những làm thiệt hại cho NĐT, mà còn khiến tổ chức phát hành khó huy động vốn trên thị trường... Những hạn chế này theo các chuyên gia, các nhà nghiên cứu sẽ được giảm thiểu khi vận hành thị trường chứng khoán phái sinh.
Định hướng cho các bước chuẩn bị về pháp lý hình thành thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ đề cập tại Quyết định 252/2012/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2011-2020. Theo đó, Việt Nam sẽ “Xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh được chuẩn hóa theo hướng phát triển các công cụ từ đơn giản đến phức tạp; về dài hạn cần thống nhất hoạt động thị trường phái sinh có công cụ gốc là chứng khoán, hàng hóa, tiền tệ...”
Để cụ thể hóa định hướng này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam tại Quyết định 366/QĐ-TTg ngày 11/3/2014. Nhằm đưa các nội dung của Đề án này vào triển khai trong thực tiễn, đồng thời định hình khung pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh ra đời và phát triển, Chính phủ đã ban hành Nghị định 42/2015/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 11/2016/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định 42/2015/NĐ-CP.
Công cụ phòng ngừa rủi ro đối với nhà đầu tư
Theo kinh nghiệm quốc tế, việc triển khai sản phẩm ban đầu khi mở cửa thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam đang được hoàn thiện theo hướng trước mắt sẽ đưa vào giao dịch các chứng khoán phái sinh đã được chuẩn hóa để niêm yết, các sản phẩm đơn giản, dễ sử dụng với mục đích phòng ngừa rủi ro là chính như: Hợp đồng tương lai chỉ số (dùng để phòng ngừa rủi ro cho danh mục cổ phiếu); hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ (dùng để phòng ngừa rủi ro cho danh mục trái phiếu).
Liên quan đến việc hình thành thị trường chứng khoán phái sinh, đến thời điểm hiện nay, mọi công tác chuẩn bị cho sự ra đời của thị trường này đã gần như hoàn tất để có thể đưa vào vận hành trong năm 2017. Việc xây dựng và đưa vào vận hành thị trường chứng khoán phái sinh trong thời gian tới nhằm mục đích hoàn thiện mô hình của một TTCK hiện đại, giúp NĐT trên TTCK có thêm công cụ để đầu tư cũng như phòng ngừa rủi ro. Với công cụ chứng khoán phái sinh, NĐT trong và ngoài nước sẽ nắm bắt nhiều lợi thế.
Thông qua việc sàng lọc, chuyển giao và phân phối lại rủi ro giữa các NĐT, thị trường chứng khoán phái sinh sẽ giúp tăng cường chức năng của thị trường tài chính, mở rộng hoạt động huy động vốn và giảm chi phí sử dụng vốn, qua đó tạo điều kiện cho TTCK phát triển. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán phái sinh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo hiểm, ngăn ngừa rủi ro cho các hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD), các trung gian tài chính và NĐT.
Các chứng khoán phái sinh là công cụ phòng ngừa rủi ro, nhưng bản thân nó cũng tiềm ẩn các rủi ro. Do vậy, mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích của NĐT, đảm bảo thị trường vận hành công bằng, hiệu quả, minh bạch và giảm thiểu rủi ro hệ thống đã được cơ quan quản lý đặt lên hàng đầu trong quá trình xây dựng khung pháp lý cho sự ra đời của thị trường chứng khoán phái sinh. Biểu hiện cụ thể nhất là nguyên tắc triển khai dần từng bước, tập trung vào những sản phẩm đơn giản, ít rủi ro, ban hành các quy định cẩn trọng về giao dịch, thanh toán và đặc biệt là yêu cầu về trình độ, đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề nhằm giảm thiểu khả năng xảy ra rủi ro làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của NĐT.
Tuy nhiên, khi tham gia vào thị trường chứng khoán phái sinh, NĐT cần phải có kiến thức đầy đủ về đặc điểm, cơ chế hoạt động của từng loại chứng khoán phái sinh cũng như thường xuyên tiếp cận tới nguồn thông tin tư vấn, phân tích đáng tin cậy. Cơ quan quản lý, các sở giao dịch chứng khoán cũng sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về thị trường chứng khoán phái sinh với đối tượng không chỉ là người hành nghề hay các tổ chức kinh doanh dịch vụ chứng khoán mà còn hướng tới đông đảo công chúng đầu tư, giúp NĐT trang bị được đầy đủ kiến thức khi tham gia vào thị trường mới mẻ đầy phức tạp này.
Về phía các NĐT, với việc sử dụng những sản phẩm tài chính phái sinh, NĐT có thể đưa ra nhiều chiến lược đầu tư, cũng như cách tiếp cận mới để quản trị rủi ro mà thông thường sẽ không tạo ra được chỉ với bằng những tài sản cơ sở. Ví dụ điển hình là tồn tại một sản phẩm phái sinh với tên gọi “quyền chọn bán” cho phép giới đầu tư đầu cơ giá xuống. Như nhiều chuyên gia đã nhận định, TTCK Việt Nam chỉ chuyển động một chiều (thị trường lên thì mua, thị trường xuống thì bán), “quyền chọn bán” sẽ giúp giải quyết vấn đề này, cũng như quản trị rủi ro giá xuống cho người nắm giữ chứng khoán tương ứng, hoặc cho phép “bán khống” một cách hợp pháp.
Việc đa dạng hóa công cụ đầu tư sẽ làm tăng sức hấp dẫn cho TTCK. Điển hình là các hợp đồng tương lai chỉ số (hợp đồng tương lai chỉ số VN-Index, HNX-Index, hay các bộ chỉ số ngành) cho phép NĐT tham gia “đầu tư trực tiếp vào VN-Index (hoặc HNX-Index)” giống như đang tham gia đầu tư vào một cổ phiếu nhất định. Tác dụng rõ ràng nhất của việc “đầu cơ chỉ số” là giúp NĐT loại bỏ hoàn toàn rủi ro công ty.
Bên cạnh đó, sự ra đời của các công cụ phái sinh còn có thể phần nào giải quyết vấn đề thiếu hụt room cho khối ngoại. Cụ thể, thay vì trực tiếp nắm giữ, NĐT nước ngoài có thể nắm giữ sản phẩm phái sinh (quyền chọn mua/quyền chọn bán) với tài sản cơ sở là chính cổ phiếu/chứng khoán đó. Như vậy, trừ khi tổ chức nước ngoài muốn trở thành cổ đông chiến lược thì mọi hình thức đầu tư từ đầu tư giá trị tới đầu cơ ngắn hạn đều được thỏa mãn bởi các công cụ phái sinh.
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định “Đề án xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam”, Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 11/03/2014;
2. Hoàng Trọng, Chu Nguyễn Mộng Ngọc, 2008, Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS, NXB Hồng Đức;
3. Adelegan, O.J., (2009) , The Derivatives Market in South Africa: Lessons for sub-Saharan African Countries, IMF Working Paper.