Tác động của chính sách pháp luật đất đai đến phát triển kinh tế - xã hội

TS. Nguyễn Quốc Ngữ, Hàm Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp - Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương

(Tài chính) Chính sách, pháp luật đất đai, nhất là Luật Đất đai năm 2003 sau 10 năm thực hiện đã tạo nên nhiều đổi mới quan trọng, trong đó trọng tâm là hoàn chỉnh các công cụ pháp lý, quy hoạch, tài chính và hành chính nhằm bảo đảm phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sau 10 năm tổ chức thực hiện, Luật Đất đai và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành đã tác động tích cực và tạo ra cho ngành nông nghiệp đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.

Tác động của chính sách pháp luật đất đai đến phát triển kinh tế - xã hội
Luật Đất đai và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành đã tác động tích cực cho ngành nông nghiệp. Nguồn: internet

Tăng trưởng cao ổn định trong thời gian dài

Đó là, mức tăng trưởng cao đã duy trì và ổn định trong một thời gian dài; cơ cấu câu trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng tích cực; góp phần quan  trọng vào việc bảo đảm mục tiêu an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu nhiều loại nông sản, thực phẩm ra thị trường thế giới với tỷ trọng số lượng và giá  trị ngày càng tăng; Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn ngày càng được nâng cấp và hiện đại; Nông thôn ngày càng phát triển, đời sống nông dân được cải thiện.

Việc chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất trong thời gian qua về cơ bản phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu đầu tư, tạo bước đi phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu đầu tư, tạo bước đi hợp lý cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Sự gia tăng diện tích đất phi nông nghiệp trong những năm vừa qua của cả nước là khá lớn, trong đó tăng chủ yếu là đất các công trình công cộng (259.739 ha), đất sản xuất kinh doanh (101.519 ha) và đất ở (82.011 ha) thể hiện sự nỗ lực cố gắng rất lớn của các địa phương trong việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng để giao đất cho chủ đầu tư. Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nâng cao đời sống nhân dân, rút ngắn được khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

Quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị được mở rộng. Tính đến nay, cả nước có khoảng 250 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích tự nhiên 63.264 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp cho thuê đạt 41.438 ha, chiếm 65,5% tổng diện tích đất được giao. Diện tích đất dành cho phát triển đô thị tăng nhanh (giai đoạn 2001-2010 đất đô thị tăng thêm 368 nghìn ha, bình quân tăng 36 nghìn ha/năm) đã hình thành hệ thống mạng lưới đô thị phân bố tương đối hợp lý trên các vùng lãnh thổ cả nước. Hệ thống đô thị trên cả nước ngày càng tăng về số lượng, chất lượng. Từ 629 đô thị vào năm 1999 với số dân 14,9 triệu người, tăng lên 755 đô thị với số dân 22,3 triệu người (tăng 49,6%)…

Tác động đến các vấn đề xã hội

Chính sách, pháp luật về đất đai với tầm ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt của đời sống xã hội đã đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội và môi trường. Hơn 10 năm qua, thông qua việc phân bổ, sử dụng đất đã tạo được nhiều việc làm, ổn định đời sống cho người dân thông qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, chuyển quỹ đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư do Nhà nước thu hồi đất đã góp phần ổn định đời sống hàng trăm nghìn lượt hộ nông dân, thông qua chính sách hỗ trợ đào tạo chuyển đổi ngành nghề, giải quyết mối quan hệ lợi ích giữa Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư.

Chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở cho các hộ dân tộc ít người, đời sống khó khăn đã góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình “xóa đói, giảm nghèo”. Giai đoạn 2006-2010 đã hỗ trợ hơn 1.500 ha đất ở cho gần 72.000 hộ và hỗ trợ 30.000 ha đất sản xuất nông nghiệp cho hơn 83.500 hộ. Chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất ở, công nhận quyền sử dụng đất và chính sách miễn, giảm các loại thuế liên quan đến đất đai cho các hộ nghèo… góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của nước ta từ 18,1% (năm 2006) xuống 9,45% (năm 2010).

Về lĩnh vực bảo vệ môi trường, công tác lập và thực hiện quy hoạch sử dụng đất đã tạo quỹ đất hợp lý cho các khu xử lý chất thải, rác đặc biệt là ở các đô thị và khu vực phát triển nông nghiệp; có cơ chế chính sách và giải pháp khuyến khích nhân dân bảo vệ rừng, trồng rừng phủ xanh diện tích đất trồng đồi núi trọc giảm nguy cơ xói mòn, rửa trôi đối với đất đai, phòng chống giảm nhẹ thiên tai và biến đổi khí hậu.

Thực hiện chính sách còn nhiều hạn chế

Việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai còn nhiều hạn chế nhất là trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc tổ chức cơ quan định giá đất, việc giao đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, giải phóng mặt bằng, các thủ tục hành chính liên quan về đất đai. Lợi ích của Nhà nước với vai trò chủ sở hữu tài sản là đất đai và người dân có đất bị thu hồi với tư cách là người được giao quyền trực tiếp sử dụng chưa được bảo đảm tương xứng; nguồn lực về đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế xã hội; việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp như: đất đã giao cho các khu kinh tế, khu cộng nghiệp, đất giao cho các nông, lâm trường quốc doanh…; tham nhũng, tiêu cực trong quá trình thực hiện chính sách đất đai còn khá lớn; thị trường bất động sản phát triển không ổn định, thiếu lành mạnh, giao dịch “ngầm” còn khá phổ biến; tình hình khiếu nại, tố cáo về quyết định hành chính của cơ quan có thẩm quyền và tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém nêu trên là do đất đai có nguồn gốc rất đa dạng, chính sách đất đai thay đổi quá nhiều qua nhiều thời kỳ; chủ trương, chính sách, pháp luật hiện hành về đất đai còn một số nội dung chưa được làm rõ, tính phù hợp, đồng bộ chưa cao; việc thể chế hóa thường rất chậm… Tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai và các chính sách, pháp luật khác có liên quan chưa nghiêm. Công tác tuyên truyền, giáo dục và quán triệt các chủ trương, chính sách pháp luật về đất đai còn kém hiệu quả; việc thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý đất đai chưa tốt. Tổ chức bộ máy, năng lực đội ngũ cán bộ về quản lý đất đai và các cơ quan liên quan còn nhiều bất cập, hạn chế; một số bộ phận còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, tham nhũng.