CPI tiếp tục tăng thấp có làm chậm đà tăng trưởng không?

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Liên tiếp 5 tháng đầu năm nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước luôn tăng ở mức thấp. Cụ thể là CPI của tháng 5 so với tháng 4 chỉ tăng 0,2% và cả 5 tháng đầu năm chỉ tăng 1,8% so với năm 2013. Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, tình trạng nếu tiếp tục kéo dài sẽ kéo chậm đà tăng trưởng kinh tế, sản phẩm khó tiêu thụ, thu nhập của người lao động giảm.

CPI tiếp tục tăng thấp có làm chậm đà tăng trưởng không?
Liên tiếp 5 tháng đầu năm nay, CPI của cả nước luôn tăng ở mức thấp. Nguồn: internet

Theo đánh giá chung của các chuyên gia kinh tế, việc chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp tính đến thời điểm này vẫn là một thành quả của các giải pháp kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, khía cạnh tích cực của việc chỉ số giá tiêu dùng giảm hoặc tăng thấp không nhiều. Vì đằng sau việc doanh nghiệp chủ động nguồn hàng, các cơ quan chức năng kiểm soát tốt lạm phát, thì vấn đề đáng lo ngại hơn là sức mua của người tiêu dùng và tổng cầu xã hội (bao gồm cả tổng cầu đầu tư và tổng cầu tiêu dùng) đều đang suy giảm. Đặc biệt là giá cả tuy có giảm trên bình diện chung nhưng chủ yếu là giảm ở khâu sản xuất và bán buôn, còn giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng không hề giảm.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh, nếu tình trạng sức mua thấp tiếp tục kéo dài sẽ dẫn đến hậu quả là sản xuất bị đình trệ, hàng nghìn doanh nghiệp sản xuất  cầm chừng hoặc tạm dừng. Con số này năm 2013 đã là 61.000 doanh nghiệp. TS. Lê Đăng Doanh phân tích: CPI giảm rất có thể dẫn tới nguy cơ giảm phát, ảnh hưởng nhiều tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước, dẫn tới tồn kho tăng. Cần tăng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận vốn, thúc đẩy sản xuất. Những giải pháp kích cầu bằng một gói ngân sách lớn sẽ không thích hợp vì ngân sách nhà nước đang eo hẹp, và kinh nghiệm cho thấy giai đoạn 2008 - 2009 chúng ta đã triển khai biện pháp kích cầu nhưng hiệu quả đạt thấp và dẫn tới tình trạng lạm phát vào năm kế tiếp.

Có một thực tế là trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng chung giảm thì giá bán một số loại hàng hóa nhạy cảm vẫn không giảm. Ở góc độ của một chuyên gia thương mại, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội bán lẻ Việt Nam Vũ Vinh Phú chỉ ra những bất cập trong hệ thống phân phối đã khiến cho chỉ số chung thì giảm, nhưng mặt bằng giá cả thực tế không giảm nhiều, và những người sản xuất trực tiếp đang thiệt đơn thiệt kép. Theo đó, CPI tăng thấp là hậu quả của sức mua thấp, tổng cầu xã hội thấp. Người dân chủ yếu gửi tiết kiệm chứ không muốn chi tiêu. Trong khi đó, sự yếu kém của hệ thống phân phối đã dẫn đến người tiêu dùng phải mua với giá cao trong khi nhà nông bán với giá thấp. Do đó thời điểm này cần phân tích những điểm bất cập trong hệ thống phân phối để kịp thời chấn chỉnh, tránh tình trạng hệ thống phân phối nhiều tầng nấc đội giá lên.

Trước thực trạng chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 và cả 5 tháng đầu năm tăng thấp, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, tình trạng nếu tiếp tục kéo dài sẽ kéo chậm đà tăng trưởng của kinh tế, sản phẩm khó tiêu thụ, thu nhập của người lao động giảm. Từ đó dẫn tới một vòng luẩn quẩn mới: hàng không bán được thì doanh nghiệp không có doanh thu - không có nguồn thu thì không có tiền trả lương cho người lao động - người lao động không có tiền sẽ không mua hàng và không mua hàng thì giá tiếp tục giảm. Để thoát khỏi tình trạng này, chuyên gia thị trường giá cả Ngô Trí Long cho rằng: cần phải tìm giải pháp để kích cầu một cách thiết thực và hiệu quả. Kích cầu trong tiêu dùng và trong đầu tư, nhưng không phải theo cách đã làm năm 2009. Do đó điều quan trọng là giải pháp để kích thích tăng trưởng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, thuận lợi hơn trong tiếp cận nguồn vốn…

Trên thực tế, xảy ra giảm phát ở Việt Nam phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh, chứ không chỉ riêng chỉ số giá tiêu dùng. Do đó, trong các giải pháp điều hành thời gian tới vẫn không thể chủ quan, lơ là với lạm phát, nói cách khác là tăng tổng cầu nhưng không quên triển khai những giải pháp kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm sản xuất kinh doanh…