Gỡ “nút thắt” cho ngành thủy sản

Theo Thanh Thanh/baophapluat.vn

Là ngành tiên phong trong việc xuất khẩu (XK) sang châu Âu (EU) từ những năm 90 của thế kỷ trước, 100% cơ sở chế biến XK đã áp dụng quản lý chuyên ngành theo HACCP, song kim ngạch XK của ngành thủy sản đang có những dấu hiệu chững lại với bộn bề nút thắt cần được tháo gỡ…

Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam giảm gần 5%. Nguồn: internet
Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam giảm gần 5%. Nguồn: internet

Sức cạnh tranh đang giảm

Năm 2019, ngành thủy sản đặt mục tiêu kim ngạch XK 10,5 tỷ USD, gần bằng mục tiêu phấn đấu của ngành gỗ 11 tỷ USD. Tuy nhiên, kết thúc năm, trong khi ngành gỗ vượt con số 11 tỷ USD thì ngành thủy sản đạt con số trên 8,6 tỷ USD, giảm 2,3% so với năm 2018. 

Nhiều mặt hàng thủy sản trong năm 2019 giảm giá trị như tôm, cá tra, bạch tuộc…; trong đó, XK tôm của Việt Nam chỉ đạt 3,38 tỷ USD, giảm gần 5% so với năm 2018; XK cá tra ước đạt gần 2 tỷ USD, giảm 11,7% so với năm 2018; mực, bạch tuộc giảm 13%...

Nguyên nhân chính được chỉ ra là thủy sản Việt Nam đang giảm sức cạnh tranh khi là các quốc gia khác như Ấn Độ, Ecuador đều tăng cường nuôi tôm nguyên liệu để cung ứng ra thị trường thế giới; Trung Quốc mở rộng diện tích nuôi cá, tự cung ứng nguồn nguyên liệu trong nước, thậm chí phục vụ cho XK làm tăng khả năng cạnh tranh đối với con cá tra Việt Nam…

Có một thực tế là XK thủy sản của Việt Nam chủ yếu dưới dạng sơ chế đông lạnh, chưa chế biết sâu để nâng cao giá trị XK. Số liệu của Bộ NN&PTNT cho thấy, với sản lượng thủy sản đưa vào chế biến XK và nội địa khoảng 4,5-5 triệu tấn thì tiêu thụ dạng tươi, sống khoảng 2 triệu tấn; tổng công suất chế biến khoảng 2,5 triệu tấn sản phẩm/năm; tỷ lệ sử dụng công suất thiết kế chung là 65%.

Về cơ cấu sản phẩm, sản phẩm đông lạnh chiếm chủ yếu với 80%; Sản phẩm khô chỉ chiếm 7%; Sản phẩm dạng mắm là 5%; Các sản phẩm khác 8%; Tính chung, tỷ lệ sản phẩm gia tăng giá trị trung bình khoảng trên 30% tùy loại sản phẩm thủy sản…

Tổn thất sau thu hoạch của ngành thủy sản đánh bắt cũng ở mức cao, khoảng 15- 20%, chỉ sau ngành rau, quả, sắn (10-30%)… Cùng với đó, thiếu kho bãi tại vùng sản xuất, cửa khẩu và ùn tắc giao thông cũng gây ra chi phí logistics của (ngành thủy sản là hơn 12%...

Loay hoay với các “nút thắt”

Ngoài nỗ lực tháo gỡ “thẻ vàng” của EU về khai thác hải sản bất hợp pháp, ngành XK vốn là thể mạnh của Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Tại Hội nghị trực tuyến “4.0 thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, cơ giới hóa nông nghiệp”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội thủy sản Việt Nam (VASEP) đã chia sẻ, 20 năm trước, vào những năm 1995-1999, ngành thủy sản đã đi trước để xâm nhập thị trường EU. Năm 1999, Việt Nam được vào danh sách XK vào EU với 19 DN đầu tiên. Từ đó kéo theo đầu tư cho công nghệ, thiết bị để đảm bảo yêu cầu của thị trường. Lĩnh vực chế biến là trung tâm để kéo cả chuỗi sản xuất. Đến nay, có 559 nhà máy đáp ứng tiêu chuẩn XK, lớn gấp 30 lần so với cách đây 20 năm.

Tuy nhiên, ngành XK chủ lực này đang vướng với một loạt “nút thắt” cần được tháo gỡ. Trước hết, nguyên liệu phục vụ việc chế biến còn thiếu. Bên cạnh đó, giá thành nguyên liệu của Việt Nam còn cao hơn so với một số nước sản xuất cạnh tranh với nước ta như Ấn Độ, Thái Lan từ 10-20%.

Tiếp đó là việc thiếu lao động phổ thông và cả lao động có trình độ. “Với việc đầu tư những công nghệ mới thì trong ngành thủy sản đã có DN đầu tư những thiết bị rất hiện đại để giảm giá thành xuống còn 30-40% để nội địa hóa. Nhưng có công nghệ hóa hay cơ giới hóa thì lao động vẫn là yếu tố rất cần thiết…”- ông Nam khẳng định.

Là ngành có số lượng DN lớn (chỉ sau ngành gỗ) chiếm hơn 11% số lượng DN của toàn ngành nông - lâm - thủy sản nhưng quy mô sản xuất lớn còn hạn chế. Theo đại diện VASEP, ngành thủy sản đang còn thiếu một “nhạc trưởng” để chỉ huy và đây cũng là “nút thắt” cần quan tâm hơn.

Ngoài ra, một loạt vấn đề đang khiến các DN thủy sản gặp khó như hạn chế tín dụng do đây là ngành có rủi ro cao, vấn đề tích tụ ruộng đất để cho sản xuất quy mô lớn…

Đặc biệt, tại Hội nghị nói trên, một lần nữa đại diện VASEP cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH rà soát để tháo gỡ cho ngành thủy sản ở quyết định tạm thời số 190 ban hành năm 1999 trong đó xếp “Chế biến thủy, hải sản đông lạnh” vào nhóm “nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm” khiến ngành gặp nhiều khó khăn trong việc đánh giá an sinh, không tận dụng được nguồn lao động hữu ích ở các địa phương hiện nay. Đây là kiến nghị mà VASEP kiên trì có ý kiến trong rất nhiều năm qua…

Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đến năm 2030, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản Việt Nam đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới, là trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu.

Ngoài mục tiêu chung, đối với lĩnh vực thủy sản, mục tiêu cụ thể là xây dựng, phát triển thành công một số tập đoàn, DN chế biến nông - lâm - thủy sản có quy mô lớn, hiện đại, năng lực cạnh tranh quốc tế cao.

Trong các giải pháp, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ đẩy mạnh đầu tư hệ thống kho lạnh bảo quản nông - thủy sản và cơ sở hạ tầng logistics phục vụ sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản; đồng thời hình thành cụm liên kết vùng nuôi tôm nước lợ và cá tra gắn với cơ sở chế biến đông lạnh XK tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.