Kiểm soát lạm phát cả năm khoảng 7% là khả thi

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Cùng với đó, mục tiêu tăng GDP khoảng 5,8% năm 2014 và khoảng 6% vào năm 2015 là hoàn toàn có thể được nếu như chúng ta thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp đề ra. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh như vậy tại phiên chất vấn của Quốc hội ngày 21/11.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trước đề nghị của Chính phủ về việc nâng mức bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) từ 4,8% lên 5,3% và phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) đã được Quốc hội thông qua, nhiều đại biểu lo lắng, nếu không có giải pháp hữu hiệu thì lạm phát cao và bất ổn kinh tế vĩ mô quay trở lại.

Trong báo cáo giải trình Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phân tích rõ, với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng hợp lý, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo điều hành đồng bộ, hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ và giá hàng hóa dịch vụ do Nhà nước quy định để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô cả trước mắt và trong trung hạn. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thế chế, thủ tục hành chính và môi trường đầu tư kinh doanh, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững.

Thủ tướng phân tích, việc tăng bội chi ngân sách dành một phần để trả nợ, phần còn lại và TPCP bổ sung được tập trung vào đầu tư các dự án hạ tầng kinh tế- xã hội thiết yếu, hoàn thành nhiều công trình đang đầu tư dở dang, bổ sung vốn đối ứng ODA, đầu tư cho nông nghiệp nông thôn…

Ngoài ra, TPCP sẽ được phát hành phù hợp theo tiến độ giải ngân các dự án và thực trạng tình hình kinh tế vĩ mô. Việc sử dụng đầu tư vốn từ NSNN và TPCP được quản lý chặt chẽ, bảo đảm hiệu quả; đồng thời với việc thực hiện phù hợp chính sách tiền tệ, nhất là kiểm soát tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán hợp lý, không làm tăng quá mức tổng cầu.

“Với các giải pháp nêu trên sẽ góp phần quan trọng kiểm soát lạm phát, bảo đảm kinh tế vĩ mô, phục hồi tăng trưởng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Như vậy, với mức bội chi và phát hành trái phiếu bổ sung như đã nêu trên, nợ công trong các năm 2014, 2015 và 2016 vẫn trong giới hạn an toàn (không quá 65%GDP). Tuy nhiên, Thủ tướng cho biết, áp lực trả nợ rất lớn.

Vì vậy, cùng với việc bố trí nguồn từ NSNN để trả nợ, cần phát hành mới để đảo nợ đối với một phần nợ gốc TPCP đến hạn, bảo đảm duy trì thanh khoản, giảm thiểu rủi ro tái cấp vốn và không làm tăng dư nợ gốc TPCP. 

Qua đó, sẽ bảo đảm duy trì các chỉ tiêu nợ trực tiếp của Chính phủ năm 2014 ở mức 15,2%, năm 2015 khoảng 20,4% và năm 2016 khoảng 22,9% tổng thu ngân sách, nằm trong giới hạn cho phép là không quá 25% tổng thu NSNN theo Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia đã được phê duyệt.

Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để xử lý nợ xấu, nhất là việc xử lý tài sản bảo đảm tiền vay; trích lập dự phòng rủi ro; cơ cấu lại nợ vay…

Đồng thời, phát huy vai trò của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng. Trong năm 2014 sẽ xử lý khoảng 100- 150 nghìn tỷ đồng nợ xấu của các tổ chức tín dụng, phấn đấu đến hết năm 2015 xử lý được số nợ xấu hiện nay.

Trong tháng 10 và tháng 11/2013, tình hình kinh tế xã hội chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được cải thiện. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 0,49%, tháng 11 tăng 0,4%. CPI 11 tháng tăng 5,54%, ước cả năm tăng 6,2 - 6,3%, đây là mức tăng thấp trong 10 năm qua.