Kinh tế 2013: Tạo đà thực hiện thắng lợi mục tiêu 2011-2015

PV.

(Tài chính) Tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh: Năm 2013 là thời điểm giao thời của một giai đoạn phát triển mới, đặt ra nhiều yêu cầu mới trong phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội.

Kinh tế 2013: Tạo đà thực hiện thắng lợi mục tiêu 2011-2015
Trong đó, Quốc hội xác định nhiệm vụ tổng quát cho năm 2013 là phải tiếp tục phấn đấu ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm lạm phát thấp hơn, tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2012; đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; tạo nền tảng phát triển bền vững trong những năm tiếp theo. Năm 2013 tạo chuyển biến tích cực bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Trong báo cáo gửi Quốc hội trước đó, Chính phủ đã thống nhất nhận định: Năm 2013 là năm thứ 3 triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015. Do vậy, đây là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đòi hỏi nền kinh tế phải có bước chuyển biến để tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra cho 5 năm 2011 - 2015.

Báo cáo của Chính phủ về Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2013 cũng nêu rõ một số chỉ tiêu cân đối lớn. Trên cơ sở cân đối tích luỹ tiêu dùng, đồng thời với việc triển khai đồng bộ các giải pháp để thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển, dự báo khả năng huy động vốn đầu tư phát triển năm 2013 khoảng 1.003 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 29,7% GDP, cao hơn năm 2012 (ước thực hiện năm 2012 là 29,5% GDP). Trong đó, dự kiến: Nguồn vốn đầu tư từ NSNN là 180 nghìn tỷ đồng, chiếm 17,9% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội; Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ là 45 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,5% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội; Nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước là 60 nghìn tỷ đồng, chiếm 6% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, tăng 20% so với ước thực hiện năm 2012. Nguồn vốn từ khu vực doanh nghiệp nhà nước là 90 nghìn tỷ đồng, chiếm 9% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, tăng 20% so với ước thực hiện năm 2012..

Dự báo cân đối xuất nhập khẩu, năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt khoảng 124,3 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2012, trong đó xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) dự kiến khoảng 70 tỷ USD, chiếm khoảng 56,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Tổng kim ngạch nhập khẩu dự kiến đạt khoảng 134,2 tỷ USD, tăng 17,7% so với năm 2012. Trong đó, nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đạt khoảng 70 tỷ USD, chiếm khoảng 52,2% tổng kim ngạch nhập khẩu. Như vậy, nhập siêu năm 2013 dự kiến khoảng 9,9 tỷ USD, chiếm khoảng 8% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Về dự toán NSNN năm 2013, Quốc hội đã thống nhất ban hành Nghị quyết về dự toán NSNN 2013 trong đó, Tổng số thu cân đối NSNN là 816.000 tỷ đồng; Tổng số chi cân đối NSNN là 978.000 tỷ đồng; Mức bội chi NSNN là 162.000 tỷ đồng.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, trong năm 2013, Chính phủ đã đề xuất 9 nhóm giải pháp lớn cần tập trung thực hiện. Trong đó, tiếp tục  tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát: Thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; sử dụng chủ động, linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ để thực hiện kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm phát triển bền vững; Thực hiện chính sách tài khóa hài hoà với chính sách tiền tệ trong việc thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng. 

Bên cạnh đó, tập trung giải quyết nợ xấu của hệ thống ngân hàng, thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu dùng, giảm hàng tồn kho; Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân...