Quy định về kinh doanh có điều kiện: Cần triệt để hơn nữa

Luật gia Vũ Xuân Tiền

(Tài chính) Dự thảo Luật Doanh nghiệp (DN) (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét có rất nhiều thay đổi, được cho là những cải cách lớn nhằm thực hiện nguyên tắc "Công dân được quyền kinh doanh những gì pháp luật không cấm" được ghi nhận trong hiến pháp.

Cần quy định rõ ràng hơn với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Nguồn: internet
Cần quy định rõ ràng hơn với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Nguồn: internet
Với mục tiêu đó, nội dung về ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã thay đổi cơ bản. Khoản 5, Điều 30 dự thảo luật quy định: Về ngành nghề kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chỉ ghi "Ngành, nghề kinh doanh, nếu kinh doanh ngành nghề, kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật".

Đó là cải cách lớn vì việc liệt kê trên nhiều trang giấy danh mục những ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như hiện nay là một thủ tục hành chính vừa thừa, vừa thiếu. Thừa là vì, giới hạn cho DN chỉ được kinh doanh những ngành nghề được ghi trong giấy chứng nhận về bản chất là hạn chế quyền kinh doanh của công dân. Thiếu là vì dù danh mục được liệt kê dài đến cả chục trang vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu kinh doanh của DN. Khi xuất hiện thời cơ để thực hiện một thương vụ nào đó với loại hàng hoá, dịch vụ không bị cấm nhưng chưa có tên trong danh mục ngành nghề kinh doanh của giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, DN lại phải đi "xin" bổ sung ngành nghề kinh doanh và rất nhiều trường hợp là mất thời cơ kinh doanh. Nếu không “xin” mà cứ thực hiện sẽ bị coi là "kinh doanh trái phép"!

Tuy nhiên, nhiều ý kiến góp ý cho dự thảo luật đề nghị, cần quy định rõ ràng hơn với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Bởi lẽ, quy định những ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh, thực chất là hạn chế quyền kinh doanh của công dân vì một mục đích xã hội nào đó. Những điều kiện kinh doanh đó là những "giấy phép con" đã và đang tái xuất ồ ạt trong thực tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác quản lý của các bộ, ngành và đẩy khó khăn cho người dân. Triệt để hơn trong vấn đề này, khoản 5, Điều 30 cần sửa lại như sau: "Ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh theo quy định của luật và pháp lệnh do Quốc hội ban hành".

Theo kiến nghị nêu trên, trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không chỉ ghi tên ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà cần ghi cả những điều kiện kinh doanh cho ngành nghề đó. Điều đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong thực hiện các quy định của pháp luật. Bởi lẽ, dự thảo luật quy định: "Điều kiện kinh doanh là yêu cầu mà DN phải có hoặc phải thực hiện khi kinh doanh ngành, nghề cụ thể, được thể hiện bằng giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, yêu cầu về vốn pháp định hoặc yêu cầu khác được quy định tại luật, pháp lệnh và nghị định". Đó là một "rừng giấy phép" mà không phải chủ DN nào cũng có thể biết.

Hơn nữa, kiến nghị cũng nêu rõ, các điều kiện kinh doanh chỉ được quy định bởi luật, pháp lệnh do Quốc hội ban hành nhằm ngăn chặn tình trạng, các nghị định và thông tư hướng dẫn (thậm chí cả công văn) của các bộ, cơ quan ngang bộ cứ vô tư đặt ra những điều kiện kinh doanh vô lý. Điều này là cần thiết và thể hiện sự triệt để hơn trong một cuộc cải cách lớn.