Ngư dân chật vật bám biển khi giá xăng, dầu tăng

Theo Gia Bảo/ Báo Kiên Giang

Giá xăng, dầu tăng là gánh nặng của ngư dân Kiên Giang trong mỗi chuyến ra khơi. Đã vậy, khi mà nguồn cung khan hiếm, ngư dân còn phải chật vật để tìm kiếm nguồn cung cấp xăng, dầu

Tàu cá của ngư dân neo đậu tại cảng cá Nam Du, huyện Kiên Hải (Kiên Giang). Ảnh: Gia Bảo
Tàu cá của ngư dân neo đậu tại cảng cá Nam Du, huyện Kiên Hải (Kiên Giang). Ảnh: Gia Bảo

Tàu cá nằm bờ

Cảng cá Tắc Cậu, xã Bình An, huyện Châu Thành (Kiên Giang) là một trong những cảng cá lớn nhất của tỉnh. Để phục vụ nghề đánh bắt hải sản, tỉnh tranh thủ nguồn vốn ngân sách Trung ương đầu tư cải tạo, nâng cấp cảng.

Cảng cá Tắc Cậu được cơi nới rộng rãi, hệ thống thoát nước đảm bảo vệ sinh môi trường, tàu, thuyền được thuận lợi hơn trong việc cập cảng lên cá. Tuy nhiên, hơn 1 năm nay, cảng cá Tắc Cậu không còn không khí huyên náo, nhộn nhịp của các tàu cá cập bến để lên cá. Số lượng tàu cá nằm bờ tại cảng ngày càng nhiều hơn.

Theo chia sẻ của các chủ tàu, phần lớn các tàu nằm bờ do làm ăn thua lỗ, không còn vốn ra khơi. Nghề đánh bắt xa bờ không còn là nghề hái ra tiền như trước.

Hiện nguồn lợi hải sản ngày càng cạn kiệt, sản lượng đánh bắt ngày càng suy giảm, trong khi đó chi phí đầu vào đánh bắt ngày càng tăng, nhất là thời gian vừa ra giá dầu tăng ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động đánh bắt của ngư dân.

“Hễ đi là lỗ, đó chính là tình trạng chung của các chủ tàu thời gian qua, nhưng không làm nghề biển thì chưa biết làm gì, tất cả vốn liếng, tài sản đều dồn để đóng tàu. Không chỉ riêng tôi, phần lớn các chủ tàu hiện nay đều rơi vào tình cảnh khó khăn”, ông Phan Thanh Nhân - chủ doanh nghiệp tư nhân chuyển tải, thu mua thủy sản Phú Quốc cho biết.

Ông Nhân cho biết thêm, đối với các tàu dịch vụ vận chuyển, thu mua hải sản trên biển không giống các tàu cá đánh bắt xa bờ, mỗi chuyến đi từ 2-3 ngày tùy vào lượng hải sản thu mua nhiều hay ít. Nếu ít cá, tàu phải neo thêm 1-2 ngày trên biển để thu mua cho đủ chi phí sản xuất như nước đá, xăng, dầu, tiền thuê nhân công.

Từ lúc xăng, dầu tăng giá đến nay, tàu thu mua của ông chỉ hoạt động cầm chừng để trả lương công nhân làm thuê. Thêm vào đó, giá thủy sản thường xuyên giảm, không đủ bù đắp chi phí tăng thêm từ giá xăng, dầu, nhiều chủ tàu không trụ nổi đành để tàu nằm bờ.

Vất vả mua nhiên liệu

Thời gian qua, xăng, dầu trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng khan hiếm, nhiều cửa hàng, đại lý xăng, dầu đóng cửa, ngừng bán do thiếu nguồn cung cấp. Tình trạng nhiên liệu khan hiếm như hiện nay là nỗi lo lớn của những chủ tàu.

Ước tính mỗi cặp tàu đánh bắt xa bờ cần khoảng 5.000-6.000 lít dầu cho chuyến biển 20-30 ngày. Đối với các tàu chuyển tải, thu mua hải sản cần bình quân từ 2.000-3.000 lít dầu cho chuyến đi từ 2-3 ngày.

Anh Nguyễn Minh Dũng, ngụ xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành cho biết: “Bây giờ để có đủ dầu ra khơi, tôi phải chuyển khoản tiền trước để đặt cọc tiền mua nhiên liệu, đại lý mới chừa hàng cho mình. Đối với các chủ tàu khác phải chật vật để tìm đủ dầu cho tàu ra khơi. Mỗi tàu chia nhau được vài trăm lít, với số lượng dầu đó khó có thể cho tàu đánh bắt dài ngày trên biển”.

Theo chia sẻ của ông Dương Tấn Tài, ngụ xã Bình An, huyện Châu Thành, có 8 tàu đánh bắt xa bờ, hơn tháng nay, ông phải vất vả chạy ngược chạy xuôi mới đủ nhiên liệu cho cặp tàu ra khơi, còn lại 3 cặp tàu buộc phải nằm bờ.

Đợt đầu tháng 10, ông Tài chuẩn bị xong nước đá, lương thực, thực phẩm cho chuyến biển nhưng không mua được dầu. Ông phải chạy đến 5-6 cây xăng mới gom được 300 lít dầu, trong khi tàu cần từ 5.000-6.000 lít dầu để ra khơi.

Nghề đánh bắt thủy sản là một trong những ngành kinh tế trọng điểm đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế của Kiên Giang. Thời gian qua, dù ngư dân đánh bắt thủy sản hoạt động không có lãi, khi giá xăng, dầu tăng, sản lượng thủy sản đánh bắt sụt giảm nhưng ngư dân trong tỉnh vẫn kiên trì bám biển.

Ông Phan Thanh Nhân kiến nghị: “Mấy chục năm qua, nghề đánh bắt hải sản là nghề truyền thống lâu đời, ngư dân sống dựa vào nghề đi biển. Mặc dù, giá nhiên liệu tăng nhưng ngư dân vẫn tiếp tục bám trụ với nghề, vẫn đưa tàu vươn khơi. Khi nào không còn trụ được nữa, chủ tàu mới cho tàu nằm bờ.

Do đó, ngư dân rất cần sự hỗ trợ tháo gỡ khó khăn từ ngành chức năng tỉnh. Tỉnh Kiên Giang nên có đề xuất, kiến nghị để Trung ương sớm bình ổn giá xăng, dầu, đảm bảo ổn định nguồn cung để ngư dân có thể vươn khơi bám biển”.