Ngư dân Tiền Giang vượt khó bám biển
Sau khi giá xăng, dầu liên tục giảm, một số tàu, thuyền “nằm bờ” ở Tiền Giang đã “rục rịch” ra khơi đánh bắt trở lại.
Khởi động để ra khơi
Ghi nhận tại khu neo đậu tàu, thuyền ở thị trấn Vàm Láng (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang), so với khoảng 2 tháng trước, số tàu, thuyền neo đậu tại đây đã giảm. Nhiều phương tiện tạm ngừng hoạt động trước đây đã quay trở lại ngư trường.
Lúc chúng tôi đến cũng là lúc ông Bùi Văn Tồn (khu phố 4, thị trấn Vàm Láng) đang vá lưới để chuẩn bị đưa tàu trở lại ngư trường sau nhiều ngày neo đậu. Nhà có 3 chiếc tàu đánh bắt xa bờ, do khai thác không hiệu quả nên ông Tồn đang kêu bán 2 chiếc tàu giã cào. Theo ông Tồn, thời gian gần đây, dầu giảm giá nên nhiều ngư dân địa phương đã ra khơi trở lại. Gia đình ông cũng chuẩn bị khởi hành cho chuyến biển mới, không thể để tàu neo đậu quá lâu. Bởi nếu neo đậu lâu thì tàu sẽ mau hư hỏng.
Cũng tại thị trấn Vàm Láng, anh Dũng, chủ tàu TG-07135TS cho biết, mấy tháng trước, tàu, thuyền ở đây “nằm bờ” rất nhiều. Hơn 1 tháng nay, khi giá dầu giảm người dân đã ra khơi trở lại với số lượng tương đối. Theo anh Dũng, mỗi chuyến biển 10 ngày trung bình tiêu tốn khoảng 1.500 lít dầu. Thời điểm dầu có giá hơn 30.000 đồng/lít, mỗi chuyến biển đều thua lỗ. “Hiện giá dầu đã hạ nhiệt phần nào nên đánh bắt cũng có lời ít, dù sao vẫn đỡ hơn trước” - anh Dũng bày tỏ.
Còn tại TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, một số tàu, thuyền “nằm bờ” trước đây đã “rục rịch” trở lại ngư trường. Khu vực bờ kè phường 2 (TP. Mỹ Tho) không còn nhiều tàu, thuyền neo đậu như trước.
Theo Phòng Kinh tế TP. Mỹ Tho, hiện thành phố có 343 tàu, thuyền đánh bắt hải sản, đa số là tàu khai thác xa bờ. Hiệu quả khai thác của các phương tiện trong 9 tháng năm 2022 giảm, thấp vì một số nguyên nhân như: Tình trạng thiếu hụt lao động lành nghề, thuyền viên chưa qua đào tạo cấp chứng chỉ theo quy định, ảnh hưởng của thời tiết, nguồn lợi ngư trường suy giảm. Trong khi đó, giá nhiên liệu và nguyên liệu đầu vào tăng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều tàu cá “nằm bờ”. Cũng theo Phòng Kinh tế TP. Mỹ Tho, sau khi giá xăng, dầu hạ nhiệt, tình hình tàu cá “nằm bờ” đã từng bước cải thiện.
Còn nhiều khó khăn
Trên thực tế, dù giá xăng, dầu giảm giúp ngư dân giảm bớt gánh nặng chi phí trong mỗi chuyến biển, nhưng nhìn chung, hoạt động khai thác hải sản hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là nguồn vốn và chi phí đầu vào.
Ông Tồn cho biết, ngoài việc nguồn lợi hải sản giảm, gia đình ông và nhiều chủ tàu khác đang gặp khó khăn trong việc thuê lao động. “Mỗi chuyến biển kéo dài 5 tháng, “bạn tàu” sẽ ứng trước 30 triệu đồng. Nhiều khi tàu xuất bến rồi mà “bạn” vẫn biệt tăm. Tình trạng này diễn ra nhiều năm nay, nhưng chưa được giải quyết. Lúc trước đánh bắt có lời; còn mấy năm nay thất nhiều, “bạn” quỵt tiền nhiều quá thành ra mắc nợ” - ông Tồn ngao ngán nói.
Cùng chung khó khăn như nhiều chủ tàu khác, ông Lê Ngọc Phú, chủ tàu cá tại phường 2 (TP. Mỹ Tho) cũng vừa cho tàu cập bến sau 3 tháng ra đánh bắt. Sau 3 tháng bám biển, mỗi thuyền viên chỉ có thu nhập hơn 15 triệu đồng. “Giá dầu cao quá, chi phí tăng hơn gấp đôi. “Bạn tàu” lại khó tìm. Đi biển 3 tháng mà “bạn tàu” thu nhập chỉ có mười mấy triệu đồng. Bây giờ đi biển khó quá, nhưng phải ra khơi mới kiếm sống được. Để tàu “nằm bờ” thì không được; bởi tàu không chạy “bạn” sẽ tìm tàu khác, rồi mất tiền nữa” - ông Phú tâm sự.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Gò Công Đông Nguyễn Văn Quí, sau khi xăng, dầu giảm giá, một số tàu, thuyền “nằm bờ” ở huyện quay trở lại ngư trường đánh bắt. Tuy nhiên, do “nằm bờ” trong thời gian dài nên hoạt động đánh bắt trở lại cũng gặp khó khăn. Để chuẩn bị cho chuyến ra khơi, trung bình ngư dân phải tốn khoảng 300 - 400 triệu đồng để mua đồ dùng, xăng, dầu, cho “bạn” ứng tiền…
So với 6 tháng đầu năm 2021, giá nguyên liệu tăng khoảng 40% - 50% làm tăng chi phí khai thác từ 70 - 100 triệu đồng/tháng. Trung bình mỗi tháng, mỗi tàu khai thác thua lỗ khoảng 100 triệu đồng, nhưng vẫn phải đưa tàu đi hoạt động để giữ thuyền viên và không để tàu bị xuống cấp, hư hỏng. Đến giữa tháng 6/2022, có khoảng 50% tàu cá phải tạm ngừng hoạt động do thua lỗ kéo dài. Một số ngư dân phải kêu bán tàu, mặc dù thời điểm hiện tại giá tàu cá bị ép giảm thấp.
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, do xăng, dầu mới giảm giá trong thời gian gần đây nên tình hình tàu cá “nằm bờ” có chuyển biến nhưng chưa nhiều. Nguyên nhân là do năm 2021, đại dịch COVID-19 tác động lớn đến việc khai thác hải sản, dẫn đến hiệu quả thấp. Nguồn vốn tích lũy giảm, không đủ để ngư dân duy trì hoạt động khai thác. Bên cạnh đó, việc giá dầu tăng cao làm chi phí cho mỗi chuyến biển tăng.
Mặt khác, do lao động nghề biển phải làm việc trong môi trường thời tiết phức tạp, thu nhập không ổn định nên ngày càng khan hiếm. Với các nguyên nhân trên, dù giá dầu giảm nhưng cũng không thể giải quyết khó khăn để các phương tiện ra khơi trở lại. “Hiện nay, phần lớn chủ tàu cá đều phải vay vốn để đầu tư cho hoạt động khai thác hải sản. Hy vọng trong thời gian tới, giá dầu thế giới đang giảm sẽ đẩy giá dầu trong nước tiếp tục giảm để hoạt động đánh bắt của ngư dân giảm bớt khó khăn” - lãnh đạo này cho biết thêm.
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang, tổng số tàu cá của tỉnh là 1.434 tàu, với 10.030 thuyền viên hoạt động trực tiếp trên tàu. Trong 6 tháng đầu năm, thời tiết diễn biến có nhiều bất lợi cho khai thác hải sản như: Sóng, gió mạnh; nước chảy xiết xuất hiện nhiều ở các ngư trường; giá nguyên nhiên liệu liên tục tăng nhưng giá sản phẩm hải sản khải thác không tăng hoặc tăng rất ít đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động khai thác hải sản của ngư dân. Đặc biệt là đối với các nghề khai thác chủ lực của tỉnh như: Lưới kéo, lưới vây và dịch vụ hậu cần.