Ngược dòng vốn ngoại
(Tài chính) Áp lực chốt lời và tâm lý chờ đợi cơ hội để tích lũy cổ phiếu giảm giúp thị trường chứng khoán (TTCK) lấy lại được đà tăng trong ít phiên gần đây. Mức tăng/giảm dù không nhiều nhưng thanh khoản trên thị trường có phần cải thiện.

Điểm đáng lưu ý nữa là khối ngoại vẫn tiếp tục mua ở một số mã cổ phiếu. Không chỉ giải ngân trên nhóm cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn như trước, khối ngoại còn mua cả những cổ phiếu mid-cap và penny với sự mạo hiểm cao.
Gần đây, điểm nhấn nằm ở cổ phiếu Dabaco (DBC). Tại thời điểm đóng cửa cuối tuần trước, DBC được nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài mua ròng 243,9 nghìn đơn vị cổ phiếu, tương đương 5,5 tỷ đồng. Nguyên nhân chính dẫn đến điều này là do một số thông tin về diễn biến giá đậu nành - một trong những nguyên vật liệu đầu vào chính yếu trong hoạt động sản xuất của Dabaco - giảm từ đầu năm đến nay, gần tương đương với mức giá năm 2010.
Thêm vào đó, theo một số nguồn thông tin không chính thức lan truyền trong những ngày gần đây, DBC đã mua được đậu nành với giá rẻ, do đó biên lợi nhuận kỳ vọng sẽ cải thiện đáng kể. Điều này trở thành lực hút khá mạnh đối với NĐT ngoại.
Lấy tiếp trường hợp của FPT làm thí dụ, cổ phiếu này có giá trần 53.500 đồng/cổ phiếu, nhưng giao dịch ngày 16/7 chỉ còn 50.000 đồng/cổ phiếu. Rớt giá liên tiếp mấy phiên khiến FPT trở nên hấp dẫn hơn trong mắt khối ngoại. Nhìn giao dịch của khối ngoại tại cổ phiếu này có thể thấy lượng bán ra vô cùng ít ỏi.
Theo lãnh đạo của một quỹ ngoại lớn, đơn vị này đang nắm giữ khá nhiều cổ phiếu FPT, thấy giá xuống thấp muốn giải ngân thêm vào các blue chips nhưng không mua thêm được.
Trong khi đó, câu chuyện tại ITA lại khác, room bán cho NĐT nước ngoài còn khá nhiều, mấy tháng qua chỉ có duy nhất 1 phiên khối ngoại bán ròng ITA, còn lại đều mua ròng. Điểm khác thường là trước đây, cứ có lợi nhuận khoảng 20% là vốn ngoại sẽ rút chạy khỏi ITA.
Nhưng nay, quỹ ngoại nào mua ITA trong phiên 13/5, tại mức giá đáy khoảng 6.700 đồng/cổ phiếu thì đến 16/7 đã có thể bán ra chốt lãi tại mức 8.500 đồng/cổ phiếu nhưng chưa thấy khối này bán ra cổ phiếu ITA.
Theo một chuyên viên phân tích của Công ty chứng khoán VDSC, sự kiện trên cho thấy NĐT ngoại không quan tâm nhiều đến chỉ số chung của thị trường mà tập trung vào giá trị doanh nghiệp. Về ngành sản xuất kinh doanh, dòng vốn ngoại cả FDI lẫn FII đang tập trung vào khu vực công nghiệp và nông nghiệp… Tỷ trọng vốn đầu tư FII vào sản xuất kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp đang có xu hướng tăng rất nhanh.
Với diễn biến thị trường hiện tại, nhiều NĐT trong nước tỏ vẻ hứng khởi và tin vào sự phục hồi của thị trường. Ngược lại, cũng có nhiều NĐT lo ngại suốt nửa đầu năm khối ngoại mua ròng thì nửa cuối năm có thể xảy ra kịch bản bán ròng, thị trường sẽ khó tránh khỏi thời kỳ giảm điểm kéo dài.
Không phủ nhận những sự kiện liên quan đến khối ngoại có thể tác động phần nào đến tâm lý của các NĐT nói chung. Từ trước đến nay, ảnh hưởng của NĐT nước ngoài trên TTCK là rất rõ ràng, nhưng theo một số nhà phân tích, điều đó không tạo ra sự chi phối lớn đối với thị trường.
Lãnh đạo của CTCK KIS Việt Nam cho rằng, vấn đề không nằm ở chuyện đổ vốn, rút vốn mà ở đây là mức độ quan tâm và sự tham gia của các NĐT nước ngoài. Cụ thể, nếu thị trường duy trì được sự hấp dẫn thì khi quỹ này không tham gia hoặc rút vốn thì cũng có quỹ khác lập tức nhảy vào, có người bán thì có kẻ mua.
Mặt khác, do mức độ giải ngân nhỏ, nên kỳ vọng lợi nhuận cũng sẽ phải cao để tạo ra nét tích cực. Nên, nếu TTCK Việt Nam tiếp tục diễn biến khả quan thì khả năng sẽ thu hút thêm những dòng vốn mới.
Cũng cần nhắc lại là thời gian vừa qua đã có không ít các quỹ mở cả trong lẫn ngoài nước tham gia TTCK Việt Nam, mới nhất là quỹ ETF của VFM. Chỉ cần các quỹ này chứng minh được hiệu quả của mình thì niềm tin của các NĐT sẽ thêm củng cố và như vậy sẽ góp vốn, quỹ tăng giải ngân thì thanh khoản thị trường càng ổn định.
Hơn nữa, hiện tại các giao dịch giữa NĐT tổ chức so với cá nhân vẫn chỉ mới ở mức 30/70. Điều đó có nghĩa là NĐT cá nhân, NĐT trong nước mới là động lực chính tạo ra sự sôi động cho thị trường. Không ít phiên bất chấp khối ngoại bán ròng thì lực cầu trong nước vẫn duy trì ở mức cao nên đủ đẩy thị trường tăng.
Vì vậy, dù khối ngoại có vai trò quan trọng đi nữa thì ảnh hưởng đối với TTCK cũng chỉ mang tính hỗ trợ chứ không thể chi phối.