Kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2021):

Người cựu chiến binh gửi niềm lạc quan qua những vần thơ

Bùi Văn Hùng

Nhân dịp kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2021), vào một ngày hè oi ả của tháng 7, đoàn cán bộ, công chức ngành Tài chính đã tới thăm gia đình ông Lê Văn Bát - một thương binh hạng 1/4, là nạn nhân chất độc da cam dioxin, mất trên 85% sức khỏe nhưng vẫn luôn giữ được tinh thần lạc quan của người lính, nỗ lực làm việc để giúp đỡ người khuyết tật tại địa phương.

Vợ chồng thương binh Lê Văn Bát. Nguồn internet
Vợ chồng thương binh Lê Văn Bát. Nguồn internet

Ông Lê Văn Bát sinh năm 1952, tại thôn Cộng Hòa, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội. Năm 19 tuổi, chàng thanh niên Lê Văn Bát lên đường nhập ngũ ở Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 102, Sư đoàn 308, tham gia chiến đấu ở mặt trận Bình Trị Thiên. Sau 81 ngày đêm cùng các đồng đội chiến đấu hết mình để giữ thành Quảng Trị, người chiến sỹ trẻ ấy đã mất một cánh tay trái, phải ra miền Bắc an dưỡng.

Mặc dù vậy, những thương tích của chiến tranh không hề khiến người lính ấy mất đi tinh thần lạc quan và sự nhiệt huyết với công việc. Khi trở về địa phương, ông vẫn nhiệt tình tham gia công tác tại nơi cư trú, đảm nhiệm các vị trí như: Chủ nhiệm Hợp tác xã mua bán, Trưởng công an xã Phù Ninh, Phó chủ tịch và Chủ tịch xã Phù Linh giai đoạn 1985 – 1994 và nay ông là Chủ tịch Hội người Khuyết tật huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội.

Cuộc sống của ông hiện tại vẫn luôn đầy ắp niềm vui, niềm tin yêu cuộc sống, được gửi gắm qua những bài thơ rất đỗi bình dị mà chan chứa cảm xúc. Những năm tháng chiến tranh, tình nghĩa đồng đội, đồng chí thiêng liêng chính là một trong những mạch nguồn cảm xúc trong thơ ông:

“Trường Sơn yêu dấu chở che

Đồng hương, đồng đội ấm chè bên nhau

Nén hương dịu bớt nỗi đau

Đền ơn đáp nghĩa trước sau vẹn trọng

Ngàn vạn mộ những người con

Đội hình, đội ngũ sắt son thẳng hàng

Thiêng liêng trầm mặc đài trang

Lời ca bi tráng âm vang muôn đời”…

Những vần thơ ấy không chỉ là cảm xúc của riêng ông mà cũng chính là niềm tự hào, lòng kính trọng của lớp trẻ ngày nay đối với sự hi sinh cao cả của các thế hệ cha ông đi trước. Sau cuộc chiến tranh chống quân xâm lược, có những người đồng chí, đồng đội đã vĩnh viễn về với đất mẹ, có những người “may mắn” như ông, chỉ để lại một phần máu thịt nơi chiến trường.

Cho dù chiến tranh đã cướp đi của ông một cánh tay, thị lực của ông cũng ngày càng giảm sút nhưng tâm hồn của ông luôn được sưởi ấm bởi một người phụ nữ tảo tần, một lòng vì chồng con như bao người phụ nữ Việt, đó là bà Lê Thị Thanh – người mà ông gọi là “cô Tấm đời thường” như trong bài thơ cùng tên do ông sáng tác:

“Đời anh chinh chiến bạc màu áo xanh

Trở về chẳng được nguyên lành

Hậu phương đón đợi em giành yêu thương

Tấm lòng thơm thảo nhịn nhường

Hiện thân cô Tấm đời thường của anh”.

Bà Thanh là người hết mực yêu thương, chăm sóc chồng con. Vì chồng, vì 4 con, trong đó có một người con bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam, bà không quản ngại khó khăn, vất vả, làm mọi công việc có thể để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Mỗi khi bà đi làm xa nhà giúp đỡ con cháu, ông lại bày tỏ nỗi nhớ vợ da diết và gửi gắm qua những vần thơ:

“Ô sin chẳng ký hợp đồng

Không lương tự nguyện xa chồng nhớ quê

Bao giờ cháu lớn mới về

Buồn tênh anh biết dãi dề cùng ai

Bao giờ cho đến ngày mai

Cháu mau khôn lớn đêm dài nhanh qua

Cho ông lại được gần bà

Bữa cơm quen thuộc quả cà nắm dưa…”

Những vẫn thơ tràn đầy tình yêu cuộc sống, tinh thần lạc quan của ông đã minh chứng rằng chiến tranh có thể làm cho người ta mất mát, hi sinh nhưng không thể khiến những người cựu chiến binh gục ngã, mất niềm tin vào cuộc sống.

Dù phải trải qua nhiều gian khó, dù vết thương chiến tranh vẫn còn nhưng những người như ông vẫn sống cuộc đời đầy tự hào, là một trong những tấm gương tiêu biểu về nghị lực sống để mỗi chúng ta học tập và noi theo.

Chia tay ông và gia đình, đoàn cán bộ, công chức ngành Tài chính chúc ông luôn khỏe mạnh, tiếp tục cống hiến, đóng góp cho xã hội như Bác Hồ đã từng nói “Thương binh tàn nhưng không phế”.