Người dân ngày càng tin dùng hàng Việt
Theo thống kê từ Bộ Công Thương, hàng Việt hiện chiếm tỷ lệ trên 90% trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp (DN) trong nước, còn tại các hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam thì con số này chiếm từ 60 - 90%. Điều này cho thấy, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tác động tích cực đối với người tiêu dùng và làm thay đổi thái độ, hành vi ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng Việt.
Tại thị trường Bạc Liêu, các loại hàng hóa được gắn nhãn mác “made in Việt Nam” đã có mặt khắp nơi. Hiện, Siêu thị Co.opmart Bạc Liêu kinh doanh các mặt hàng Việt chiếm hơn 90%; chuỗi siêu thị Nutri mart kinh doanh 100% hàng Việt; các mặt hàng Việt lên kệ tại hệ thống Siêu thị Bách hóa xanh cũng chiếm trên 80%...
Giá cả “mềm”, sản phẩm đa dạng, phong phú nên hàng Việt được đông đảo người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Chị Mỹ Linh (ngụ Phường 5, TP. Bạc Liêu) chỉ mua hàng hóa ở các cửa hàng uy tín hoặc siêu thị. Sản phẩm chị Linh chọn tất cả phải là hàng mang thương hiệu Việt Nam. Chị Linh chia sẻ: “Hàng Việt không những có xuất xứ rõ ràng, giá thành rẻ mà chất lượng không hề thua kém sản phẩm nhập khẩu”.
Việc người tiêu dùng đặt niềm tin vào hàng Việt cho thấy sự thay đổi thói quen trong mua sắm của người dân hiện nay, từ đó góp phần giúp hàng Việt thắng thế trên sân nhà. Ngoài ra, hàng Việt chiếm được niềm tin của khách hàng do có nguồn gốc, nhãn hiệu rõ ràng, chất lượng bảo đảm, nhiều loại hàng hóa gắn tem truy xuất để người tiêu dùng dễ tìm hiểu về sản phẩm.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn không ít DN trong nước chưa thực sự sẵn sàng tâm thế để hội nhập, còn chưa quan tâm trong vấn đề nhận diện, bảo vệ thương hiệu trước tình trạng hàng lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa… đang diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp.
Do đó, để hàng Việt phát triển, vươn xa và đủ sức cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu, ngoài sự vào cuộc, hỗ trợ của các cơ quan chức năng, các DN Việt cần tập trung tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại mang lại để giảm chi phí sản xuất - kinh doanh, chi phí gia nhập thị trường. Cần tổ chức lại các khâu từ sản xuất đến phân phối, nhất là khâu quảng bá phải mang tính chuyên nghiệp hơn.
Cùng với đó, DN tiếp tục đầu tư sản xuất hàng hóa có tính cạnh tranh không chỉ về giá mà cả chất lượng để tận dụng ưu thế hỗ trợ của chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ.