Hàng Việt thấp thỏm lo "vạ lây" vì bị giả mạo xuất xứ
Trong bối cảnh hàng hóa xuất khẩu đang đối mặt với nhiều rủi ro về chi phí logistics leo thang, khâu thanh toán gián đoạn do ảnh hưởng từ căng thẳng Nga - Ukraine thì nguy cơ bị kiện chống bán phá giá vẫn hiện hữu trước mối lo hàng Việt bị giả mạo xuất xứ.
Cùng với sự tăng trưởng thời gian qua, hàng hóa xuất khẩu cả Việt Nam ngày càng đối mặt nhiều hơn với các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài.
Cảnh báo nóng từ ngành gỗ
Theo báo cáo "Việt Nam xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ" vừa được các Hiệp hội Gỗ như VIFORES, FPA Bình Định, HAWA, BIFA, DOWA và Tổ chức Forest Trends vừa công bố, năm 2021, tủ bếp và bộ phận tủ bếp, xuất khẩu mặt hàng này vào thị trường Mỹ tiếp tục mở rộng lần lượt ở mức 18,4% và 20,5% so với năm 2020.
Vào đầu tháng 7/2021, cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP) đã bắt đầu một cuộc điều tra đối mặt hàng tủ gỗ, bàn trang điểm và các bộ phận cấu thành của các mặt hàng này đối với tập đoàn BGI Group khi cơ quan CBP nghi ngờ BGI đã lẩn tránh thuế thông quan việc nhập khẩu hàng hóa là tủ gỗ, bàn trang điểm và các bộ phận cấu thành của các mặt hàng này từ Trung Quốc vào Việt Nam và gia công tại công ty HOCA Việt Nam, có nhà máy tại tỉnh Long An.
Ngày 27/1/2022 vừa qua, cơ quan CBP ban hành văn bản xác định có bằng chứng quan trọng cho thấy BGI lẩn tránh thuế chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CDV) và CBP tiếp tục có các hành động trong thời gian tới.
Theo ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends - Đại diện nhóm nghiên cứu báo cáo trên, có thể thấy rằng sự tăng trưởng nhanh của mặt hàng đang bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp ở nước thứ 3 đang tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến việc Mỹ áp đặt các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm đó được xuất xứ từ cảng Việt Nam.
Ngoài mặt hàng tủ bếp và các bộ phận của tủ bếp hiện đang được điều tra, hai mặt hàng có một số tín hiệu rủi ro khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ là đồ gỗ dùng trong phòng bếp (HS 9401.61) và bộ phận đồ gỗ (HS 9403.90).
Hay đối với ghế bọc đệm (HS 9401.61), kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này từ Việt Nam có mức tăng trưởng cao (31% so với năm 2020). Giá trị kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này từ Việt Nam năm 2021 tăng trưởng vượt ngưỡng 2 tỷ USD, chiếm tới 62% tổng giá trị xuất khẩu của mặt hàng ghế ngồi (HS 9401). Mặt hàng này vẫn tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ. Bắt đầu từ năm 2021 đến nay, Chính phủ Canada đã áp dụng thuế chống bán phá giá trên 101,5% (trừ 6 công ty có mức thuế riêng) đối với mặt hàng này.
Theo ông Tô Xuân Phúc, rủi ro về lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp hiện đang tồn tại trong một số mặt hàng xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Rủi ro được hình thành khi các mặt hàng này hoặc bộ phận của mặt hàng này được nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam, sau đó được lắp ráp tại Việt Nam, lấy nhãn mác xuất xứ từ Việt Nam khi không đủ điều kiện để có được chứng nhận xuất xứ theo quy định của Việt Nam và sau đó được xuất khẩu vào Mỹ. Tín hiệu rủi ro cũng bao gồm sự tăng trưởng mạnh trong cả đầu nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam và xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ về các mặt hàng này.
Theo đó, ông Phúc cho rằng gỗ dán và tủ bếp, tủ nhà tắm là các nhóm hàng đang nhận được sự quan tâm lớn từ một số doanh nghiệp và Hiệp hội ngành gỗ Hoa Kỳ và chính cơ quan hải quan và bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP). Để giảm rủi ro cho Việt Nam, các hiệp hội và doanh nghiệp trong ngành gỗ Việt Nam cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan Chính phủ của các quốc gia liên quan nhằm thực thi các chiến lược, giải pháp ngăn chặn hiệu quả.
Chính phủ Việt Nam đang thực hiện Nghị định 102/2020/NĐ-CP về quy định hệ thống bảo đảm tính hợp pháp của gỗ. Nghị định này cũng đưa ra các tiêu chí xác định luồng cung gỗ nguyên liệu rủi ro được nhập khẩu vào Việt Nam, từ đó đưa ra các biện pháp, chế tài nhằm giảm thiểu rủi ro về luồng cung nguyên liệu này. "Các thông tin chi tiết về luồng cung gỗ nguyên liệu rủi ro trong một báo cáo chi tiết khác mà nhóm nghiên cứu của các hiệp hội gỗ và Forest Trends đang soạn thảo", ông Phúc cho biết.
Ngành dệt may cũng thấp thỏm
Theo thống kê từ Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 12/2021, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 209 vụ việc điều tra, trong đó có 08 vụ việc khởi xướng năm 2021.
Không chỉ ngành gỗ, với ngành dệt may, ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc công ty TNHH Việt thắng Jean (VitaJean) cũng chia sẻ với VnBusiness về nỗi lo, hay nói cách khác là vấn nạn nhức nhối này.
Ông Việt cho biết năm nay doanh nghiệp đã có đơn hàng thực hiện tới tháng 9. Thời gian qua chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu sắp xếp lại, hàng dệt may Việt Nam được nhiều nhà phân phối lựa chọn hơn. Tuy nhiên, ông lo ngại về việc sản phẩm dệt may Việt Nam bị đội lốt xuất xứ khi xuất khẩu sang Mỹ, EU.
"Một số khách hàng Mỹ không lựa chọn sản phẩm Trung Quốc, chuyển hướng sang Việt Nam. Đây là thông tin vui nhưng nếu Việt Nam không giám sát chặt nguồn gốc xuất xứ, doanh nghiệp không làm ăn chuẩn chỉnh thì sẽ bị họ điều tra chống bán phá giá", ông Việt cảnh báo.
Theo lãnh đạo VitaJean, nếu thực trạng này xảy ra sẽ rất nguy hiểm với ngành dệt may vì Mỹ hay châu Âu sẽ điều tra kỹ, nếu không chứng minh được thì bị áp thuế rất cao. Doanh nghiệp làm ăn thiếu minh bạch sẽ hại các doanh nghiệp chân chính, thậm chí cả ngành hàng.
Ông Việt lưu ý, cần giám sát chặt điều này, vì hiện nay hoạt động trong ngành ông nhận thấy đã xuất hiện những dấu hiệu về việc giả mạo xuất xứ, chuyển đổi xuất xứ để lấy xuất xứ của hàng dệt may Việt Nam nhằm hưởng các ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do.
Về nguy cơ này, Bộ Công Thương cho biết đã tổng hợp thông tin để cập nhật Danh sách các mặt hàng cảnh báo sớm (hiện Bộ đang theo dõi biến động xuất khẩu của 36 mặt hàng và đưa ra cảnh báo gồm 10 mặt hàng trong số các mặt hàng đang theo dõi), gửi các bộ, ngành, địa phương. Hiệp hội, doanh nghiệp triển khai các hoạt động cụ thể.
Trên cơ sở danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại do Bộ Công Thương cung cấp, các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố đã phối hợp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xác minh việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ, khai báo xuất xứ khi thông quan, đăng ký đầu tư nước ngoài.