Người Mỹ sẽ viết lại nền kinh tế? (Bài 2)

Theo Trương Khắc Trà/diendandoanhnghiep.vn

Mấy thập kỷ qua, kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa chưa bao giờ được vận hành đúng với bản chất thật của nó.

Nền kinh tế Mỹ sẽ thay đổi?
Nền kinh tế Mỹ sẽ thay đổi?

Tôi luôn giữ cho mình một quan điểm riêng về hiện tượng được xem khó lý giải: Vì sao một Joe Biden có vẻ già nua, giáo điều, lọt thỏm dưới tiếng tăm lẫy lừng của Donald Trump lại có thể chiến thắng vang dội để trở thành Tổng thống Mỹ!? Liệu mấy trăm triệu cử tri Mỹ đã chọn sai người, hay thế lực nào đó buộc ông Trump phải rời Nhà trắng trong bối cảnh nước Mỹ dường như cần một lãnh đạo mạnh mẽ quyết đoán trước quyền lực ngày càng tăng của Trung Quốc?"

Tôi tin rằng người Mỹ, nước Mỹ, giới chủ Mỹ - họ muốn thay đổi. Ông Trump không hề tồi nếu không muốn nói là rất giỏi, nhưng không còn phù hợp cho mục tiêu chữa lành nội thương trước khi nghĩ đến việc bá chủ thế giới. “Nước Mỹ trở lại” xem chừng dễ chấp nhận hơn “Nước Mỹ trên hết”.

Chủ nhân giải Nobel kinh tế 2001, chuyên gia kinh tế người Mỹ Joseph Stiglitz tin giờ là thời điểm phù hợp để viết lại nền kinh tế Mỹ, ông lập luận rằng “chúng ta không nên để một cuộc khủng hoảng trôi qua lãng phí”...

Các đề xuất của Joseph Stiglitz giúp một nước Mỹ hướng nội nhiều hơn là dàn trải lực lượng ra toàn cầu. Điều này khá tương đồng với quan điểm điều hành đất nước của Tổng thống Biden và đảng Dân chủ.

Đầu tiên, thiết chế thị trường của nền kinh tế Mỹ và một phần toàn cầu bị bóp méo bởi các đại doanh nghiệp. Các BigTech như Facebook, Google, Amazon,…đã phá tan các quy luật “cung cầu” “cạnh tranh”, “giá cả” “giá trị” đóng vai trò là nền tảng của kinh tế thị trường - niềm tự hào của các quốc gia tư bản.

Mấy thập kỷ qua, kinh tế thị trường chưa bao giờ được vận hành đúng với bản chất thật của nó. Sự phát triển là không đồng đều, một số ít trở nên quá mạnh, đa số không có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng, dẫn đến bất bình đẳng thu nhập ngày bị khoét sâu.

Hàng nghìn cuộc xung đột thương mại lớn nhỏ, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hoàn toàn bất lực trước chiến tranh thương mại, công nghệ Trung - Mỹ. Những cuộc khủng hoảng thứ cấp liên tục xảy ra như tình trạng thiếu chip, chất bán dẫn, tắc nghẽn logictics toàn cầu,… càng rõ rệt khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra.

Ở cấp độ vĩ mô, hơn 30 năm nay không xuất hiện nền kinh tế nào được xem là bền vững, cũng không một “tân cường quốc” nào ra đời. Trong khi tài sản của Jezz Bezos, Mark Zuckerberg, Elon Musk, Larry Page, Sergey Brin, Bernard Arnault, Bill Gates liên tục phá đỉnh, thay nhau trong top 10 người giàu nhất hành tinh.

Nhiều đời Tổng thống Mỹ đã dung túng cho độc quyền trong lĩnh vực công nghệ, tạo ra những “âm binh” không thể điều khiển nổi. Dĩ nhiên, độc quyền thì không thể có cạnh tranh, triệt tiêu sáng tạo và phát triển. Thực trạng này là phổ quát.

Bởi vậy, ông Stiglitz cũng cho rằng đang có một sự đồng thuận ngày càng lớn ở Mỹ về sự cần thiết phải thay đổi những đạo luật lỗi thời đã tồn tại suốt 125 năm và giải quyết vấn đề sức mạnh thị trường quá lớn trên khắp nước Mỹ.

Việc này cũng đang xảy ra tại Trung Quốc, các công ty internet tiêu dùng khổng lồ bị “chặt tay chặt chân” vì cái tội ngày càng thu được nhiều lợi nhuận trong khi không có nhiều ý nghĩa giúp cho nền kinh tế trở nên giàu chất xám hơn, sáng tạo nhiều hơn.

Song trùng với dịch bệnh và khủng hoảng toàn diện, nội bộ các quốc gia tư bản rục rịch thay đổi cấu trúc hoạt động. Các tập đoàn khổng lồ không được dùng như là chỗ dựa của quyền lực chính trị. Ngược lại, quyền lực nhà nước buộc quyền lực doanh nghiệp phải tuân phục.

Đây là sự thay đổi rất đáng chú ý, dường như chưa từng xảy ra trong suốt quá trình tồn tại của tư bản chủ nghĩa. Dường như “chủ nghĩa tư bản xã hội” kiểu mới bắt đầu thành hình?

Đặc trưng của các nền kinh tế tư bản là sở hữu tư nhân chiếm đại đa số, nhà nước không can thiệp sâu và cụ thể vào thị trường. Nhưng hiện nay, Chính phủ Mỹ có xu hướng lấy lại quyền lực từ thị trường, bắt đầu kiểm soát các doanh nghiệp lớn.

Bản thân Joseph Stiglitz cho rằng, tăng cường giám sát và tăng thuế sẽ không khiến phương Tây giảm sức cạnh tranh trước các cường quốc mới nổi và Trung Quốc.