Người nước ngoài “háo hức” mua nhà tại Việt Nam
(Tài chính) “Nóng ran” chuyện người nước ngoài mua nhà tại “Hội thảo Việt - Nhật về nhà ở và bất động sản” diễn ra tại Hà Nội sáng 4/12.
Mua không hạn chế?
Thật hiếm khi tại một hội thảo quốc tế mang tính “giao lưu và học hỏi” mà lại sôi nổi hỏi đáp và kéo dài đến hơn 12 giờ trưa khiến Ban tổ chức phải đề nghị dừng như sáng qua. Nguyên nhân rất đơn giản, chẳng mấy khi hàng chục đại biểu đến từ Nhật Bản lại gặp hai nhân vật được cho là “chắp bút” xây dựng Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản vừa được Quốc hội thông qua ngày 25/11, trong đó có quy định “mở toang” cánh cửa cho người nước ngoài được trực tiếp tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam.
Mở đầu phiên thảo luận, một đại biểu nữ người Nhật Bản hỏi thẳng, có phải Luật Nhà ở mới cho phép cứ những người nước ngoài đến Việt Nam là có quyền mua nhà ở hay không? Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, Quốc hội Việt Nam vừa chính thức thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) với nhiều nội dung đáng chú ý được kỳ vọng sẽ là cú huých mạnh mẽ đối với thị trường bất động sản. Trong đó, đáng chú ý nhất phải kể đến việc nới rộng điều kiện cho người nước ngoài được quyền sở hữu bất động sản tại Việt Nam.
Theo đó, kể từ ngày 1/7/2015, có 3 nhóm đối tượng sẽ được quyền sở hữu nhà tại Việt Nam gồm: Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam (tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan); DN có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của DN nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam; Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
Theo ông Khởi, luật mới quy định, cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam là được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Đối với cá nhân người nước ngoài khi về nước hay chuyển vùng khác thì được quyền bán hoặc cho thuê lại căn nhà đó.
Đối với DN có vốn đầu tư nước ngoài, thời gian được sở hữu bất động sản dài đúng bằng thời gian của giấy phép đầu tư của dự án và được xin gia hạn theo giấy phép. Giấy phép đầu tư thường kéo dài 30 năm, 50 hoặc 70 năm tùy theo lĩnh vực hoạt động, và có thể gia hạn thêm ít nhất bằng 1 lần cấp phép mới cho dự án đó. Đặc biệt, nếu giấy phép không được gia hạn hay DN muốn chấm dứt hoạt động tại Việt Nam thì bất động sản đó sẽ được quyền chuyển nhượng cho người khác.
Một nhà đầu tư khác nêu câu hỏi, người nước ngoài sẽ được mua bao nhiêu nhà tại Việt Nam? Ông Khởi cho biết, theo luật mới, người nước ngoài có quyền thuê và sở hữu tối đa 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư hoặc tối đa 250 biệt thự/nhà liền kề trên 1 đơn vị hành chính tương đương 1 phường (khoảng 10.000 người). Chẳng hạn, 1 tòa nhà chung cư có 1.000 căn hộ thì người nước ngoài sẽ được mua hơn 330 căn, không phân biệt vị trí, cũng không phân biệt quốc tịch.
“Có thể một người Nhật Bản có tiền mua cả 330 căn cũng được”, ông Khởi nói và cho biết thêm, đối với phân khúc biệt thự, liền kề, Quốc hội đã giao cho Chính phủ quy định chi tiết nên sẽ có hướng dẫn trong thời gian tới.
Cấm doanh nghiệp FDI kinh doanh bất động sản thứ cấp
Trả lời câu hỏi điều kiện nào để người nước ngoài được kinh doanh bất động sản tại Việt Nam, ông Vũ Văn Phấn, Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) khẳng định, phải thành lập DN. Ông Phấn cho biết, luật mới chỉ cho phép cá nhân nước ngoài được mua, thuê, thuê mua các loại bất động sản để sử dụng; các DN có vốn đầu tư nước ngoài được mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng để sử dụng làm văn phòng làm việc, cơ sở sản xuất - kinh doanh, dịch vụ theo đúng công năng của nhà, công trình xây dựng đó.
“Tuy nhiên, luật tuyệt đối cấm DN hay cá nhân nước ngoài kinh doanh bằng cách mua rồi bán lại bất động sản kiếm lời, đây là điểm khác biệt duy nhất giữa người nước ngoài và người trong nước”, ông Phấn nhấn mạnh.
Theo ông Phấn, luật mới đã mở rộng phạm vi kinh doanh bất động sản cho DN có vốn đầu tư nước ngoài. Theo đó, loại hình DN này được kinh doanh dưới nhiều hình thức: Đối với đất được Nhà nước giao thì được đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua; đối với đất được Nhà nước cho thuê thì được đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê, đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng không phải là nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua; nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản của chủ đầu tư để xây nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua; thuê nhà, công trình xây dựng để cho thuê lại…
Để triển khai 2 luật trên, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, Bộ đang khẩn trương xây dựng 5 nghị định, trong đó 4 nghị định hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở và 1 nghị định hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản; đồng thời xây dựng 8 dự thảo thông tư cấp Bộ để ban hành kịp thời ngay sau khi luật có hiệu lực.