Người tiêu dùng Mỹ hào phóng chi tiêu, chuỗi cung ứng toàn cầu chật vật

Theo Trung Mến/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Người tiêu dùng Mỹ, trong tay nắm hàng nghìn tỷ USD tiền kích thích tài khóa, hiện đang mua thật nhiều hàng hóa và cả những nguyên liệu hiếm.

Ảnh: WSJ
Ảnh: WSJ

Việc kinh tế Mỹ tăng trưởng bùng nổ đang gây ra những tác động trên khắp thế giới, nó khiến cho chuỗi cung ứng toàn cầu chật vật trong việc đảm bảo hoạt động, giá cả hàng hóa nói chung tăng cao hơn.

Kinh tế Mỹ tăng trưởng cao cũng tạo ra sức hút kéo nhiều doanh nghiệp toàn cầu đến đầu tư vào Mỹ bởi họ tin rằng tăng trưởng sẽ vẫn ở mức cao, vượt xa mức tăng trưởng của nhiều nền kinh tế lớn khác trên thế giới.

Người tiêu dùng Mỹ, trong tay nắm hàng nghìn tỷ USD tiền kích thích tài khóa, hiện đang mua thật nhiều hàng hóa và cả những nguyên liệu hiếm.

Sản lượng kinh tế Mỹ được dự báo tăng trưởng hơn 7% so với cùng kỳ trong 3 tháng cuối cùng của năm, cao hơn đáng kể so với mức 2% của quý trước đó, theo những ước tính ban đầu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Atlanta.

Tốc độ này cao hơn rất nhiều so với con số 2% của khu vực đồng tiền chung châu Âu và 4% của Trung Quốc trong cùng thời gian, theo tính toán của JP Morgan Chase.

Các cảng biển của Mỹ đang xử lý lượng container cao hơn đến 20% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi đó, khối lượng container hàng hóa tại nhiều cảng lớn của châu Âu như Hamburg hay Rotterdam tương đương hoặc thấp hơn so với ngưỡng của năm 2019. Các cảng đông đúc nhất của Mỹ hiện đang vượt lên các cảng tại châu Á và châu Âu trong các bảng xếp hạng toàn cầu bởi khối lượng vận chuyển hàng hóa quá cao, theo công ty cung cấp dữ liệu vận tải Alphaliner.

Thành viên ban điều hành của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), ông Fabio Panetta, nhận xét biến động số lượng đơn đặt hàng tiêu dùng bền tại châu lục này đang khác hoàn toàn so với tại Mỹ.

Tại Mỹ, tiêu thụ hàng hóa tiêu dùng bền đã tăng 45% so với ngưỡng của năm 2018, thế nhưng tại châu Âu, con số này chỉ tăng 2%, số liệu của ECB cho hay.

Giá cả sản xuất tại Trung Quốc hiện đang tăng rất nhanh, vượt mức tăng của giá cả tiêu dùng. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu dùng nội địa yếu trong khi nhu cầu hàng hóa Trung Quốc ở nước ngoài vẫn cao, thực tế này có thể thấy rõ trong việc phía Mỹ tiêu thụ rất nhiều hàng hóa Trung Quốc.

Trong khi chuỗi cung ứng toàn cầu có gây ảnh hưởng đẩy cao lạm phát toàn cầu, các chuyên gia kinh tế và người quản lý tại ngân hàng trung ương đang viện dẫn đến việc nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của phía Mỹ cao như một nguyên nhân chủ chốt.

Trưởng bộ phận tài chính tại tổ chức Jefferies ở New York, bà Aneta Markowska, băn khoăn: “Liệu có phải chúng ta đang áp đảo người tiêu dùng tại nhiều nước khác. Người Mỹ đang có sức mua cao hơn, kết quả trực tiếp từ chính sách tài khóa. Châu Âu có thể đang trong trạng thái lạm phát trì trệ trong năm tới”.

Còn theo tính toán của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), nước Mỹ chiếm đến 9/10 trong tổng số mức tăng 22 điểm phần trăm của nhu cầu hàng hóa tiêu dùng bền tại nhóm các nền kinh tế phát triển tính từ cuối năm 2019.

Kinh tế Mỹ nhiều khả năng sẽ tăng trưởng khoảng 6% trong năm 2021 và 4% trong năm 2022, tốc độ cao nhất trong nhiều thập kỷ, các chuyên gia phân tích chỉ ra. Động lực tăng trưởng cao của Mỹ nhiều khả năng sẽ đẩy tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất trong gần 7 thập kỷ vào năm 2023, theo tính toán của Deustche Bank.

Vào năm 2022, sản lượng kinh tế Mỹ nhiều khả năng sẽ tăng vượt mức sản lượng trước đại dịch COVID-19, còn sản lượng kinh tế tại Trung Quốc và nhóm các thị trường mới nổi sẽ vẫn thấp hơn 2% so với ngưỡng trước khủng hoảng, chuyên gia thuộc JP Morgan Chase nhận định.

Mức lương người lao động tại Mỹ tăng khoảng 4%/năm, cao hơn so với mức tăng trưởng khủng hoảng trong khi đó mức lương tại khu vực đồng tiền chung châu Âu chỉ tăng 1%, theo số liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS).