Nguy cơ khủng hoảng tài chính vì lãi suất

Theo Thái Bảo/doanhnhansaigon.vn

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất khiến nhà đầu tư Mỹ lạc quan, nhưng ở đường dài nó sẽ là mầm mống khủng hoảng kinh tế, theo Forbes.

 Chủ tịch FED. Nguồn: Bloomberg
Chủ tịch FED. Nguồn: Bloomberg

Tuần trước, FED tăng lãi suất kỷ lục với 0,25 điểm phần trăm, từ 2 tới 2,25%, mức cao nhất kể từ tháng 4/2018.

Theo Forbes, sẽ khó có cú đáp an toàn một khi chu kỳ tăng diễn ra. Trên thực tế, tất cả những đợt tăng lãi suất thời nay đều dẫn đến kết cục là một cuộc suy thoái, khủng hoảng tài chính hoặc ngân hàng. Và lần này có thể sẽ không phải ngoại lệ.

Cơn ảo giác mang tên lãi suất thấp

Khi lãi suất thấp, tín dụng và tài sản tăng mạnh, người dân không tích trữ tiền bạc mà chi tiêu nhiều hơn, trong khi doanh nghiệp mạnh tay đầu tư sản xuất.

Khi ngân hàng trung ương muốn tạo động lực vực dậy nền kinh tế sau thời kỳ khủng hoảng, lãi suất sẽ luôn được duy trì ở mức thấp. Ngân hàng trung ương, hay trong trường hợp này là FED, sẽ can thiệp vào nền kinh tế và thị trường tài chính. Cách làm này luôn tồn tại một mặt trái nguy hiểm, bao gồm gây méo mó và mất cân bằng thị trường. Bằng cách “cầm chân” lãi suất,  FED đã tạo ra tín hiệu sai, góp phần khiến các doanh nghiệp hoặc cá nhân kiếm lời trên mức lãi suất bất thường ra đời.

Các doanh nghiệp và cá nhân này thường sử dụng tín dụng giả, được biết tới với cái tên “đầu tư dại dột” (malinvestment), sẽ lập tức lao đao khi lãi suất trở về mức bình thường. “Đầu tư dại dột” xuất hiện gần như ở mọi đợt bất ổn: bong bóng công nghệ những năm 90 với trào lưu dot-com, bong bóng nhà đất khoảng giữa những năm 2000 tại Mỹ, hay hàng loạt các tòa nhà trọc trời bị bỏ hoang ở các nền kinh tế mới nổi khác trong đợt khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Rất khó để xác định chính xác doanh nghiệp hay đầu tư nào là “dại dột” trong một nền kinh tế bị ngân hàng trung ương chi phối. Nói về trường hợp này, nhà tài phiệt Warren Buffet có một câu rất hay: “Chỉ khi hết sóng bạn mới biết ai ở truồng”. Khi các đợt sóng lãi suất qua đi, một loạt những doanh nghiệp xấu sẽ lộ diện, sự thất bại trên diện rộng của nền kinh tế cuối cùng dẫn đến suy thoái hoặc khủng hoảng tài chính.

Kết cục không có đường lui

Hệ quả của những đợt tăng lãi suất trước đây là không thể chối cãi, và với tình hình hiện nay, kết quả tương tự sẽ tái diễn. Nhưng lần này, không phải là bong bóng công nghệ hay tài chính, mà gần như tất cả mọi thứ đều sẽ phát nổ, trong đó bao gồm nhiều quốc gia, ngành công nghiệp và mọi loại tài sản.

Sau gần một thập kỷ duy trì mức lãi suất thấp, Mỹ và cả nền kinh tế toàn cầu đã bơm phồng những quả bóng này và tạo ra nhiều méo mó. Một mức lãi suất cao sẽ bóc trần tất cả. Vì gánh nợ quá năng, nên dù mức lãi suất không đạt mốc kỷ lục như trong quá khứ, khủng hoảng vẫn có thể xảy ra.

Các nhà đầu tư chứng khoán Mỹ, khu vực vốn nhạy cảm với giao động lãi suất, đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng rất cao. Chỉ số S&P 500 đã tăng 300% kể từ tháng 3/2009, cũng vì bị FED chi phối. Xét theo tỷ lệ vốn hóa trên GDP, giá trị thị trường chứng khoán đã bị đẩy lên còn cao hơn thời bong bóng dot-com. Điều này chứng tỏ, đợt khủng hoảng mới có thể còn tồi tệ hơn.

Đợt suy thoái mới, nếu xảy ra, chắc chắn sẽ tác động không nhỏ các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam. Lãi suất duy trì ở mức thấp và việc nới lỏng định lượng ở Mỹ và các quốc gia châu Âu đã khiến hàng nghìn tỷ đô la tiền nóng đổ về những nền kinh tế này, khiến bong bóng tín dụng và tài sản dần phình to. Nợ của các nền kinh tế mối nổi gần như tăng gấp 3 trong thập kỷ qua, đạt 60 nghìn tỷ USD, và chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng khi lãi suất ở Mỹ và giá trị đồng USD tăng lên.