Nguy cơ vỡ nợ bất động sản Trung Quốc tăng cao

Theo gafin.vn

(Tài chính) Thị trường bất động sản Trung Quốc suy yếu trầm trọng dấy lên đồn đoán, chính phủ sẽ áp dụng các biện pháp chấn chỉnh lại lĩnh vực này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Chi phí đảm bảo lợi suất đối với trái phiếu USD do các công ty bất động sản Trung Quốc phát hành đã tăng 35 điểm cơ bản trong tháng 8, ghi nhận mức tăng lớn nhất trong số các nước mới nổi châu Á, theo chỉ số của Bank of America Merrill Lynch.

Công ty xếp hạng tín nhiệm Moody's và Standard & Poor’s cũng dự báo trong nửa sau của năm 2014 Trung Quốc có thể sẽ chứng kiến một vài vụ vỡ nợ của các doanh nghiệp bất động sản nhỏ do doanh số bán bất động sản giảm và khó khăn trong việc huy động vốn trả nợ.

Lĩnh vực bất động sản Trung Quốc chính là rủi ro ngắn hạn lớn nhất đối với tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sau khi giá nhà mới đều giảm mạnh tại nhiều thành phố lớn trong tháng 6, theo nhận định của JPMorgan Chase & Co.

Cục thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết, tháng 6, giá nhà giảm tại 55/70 thành phố, ghi nhận số lượng nhiều nhất kể từ tháng 1/2011. Tuy nhiên, tồn kho nhà chưa bán tại 20 thành phố lớn vẫn tăng mạnh lên mức tương đương với doanh số bán nhà trong hơn 23 tháng.

Môi trường kinh doanh tại Trung Quốc gây nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp bất động sản. Các ngân hàng ngày càng kỹ lưỡng hơn trong việc lựa chọn doanh nghiệp để cho vay nên những công ty bất động sản hoạt động yếu kém vẫn phải đối mặt với áp lực thanh khoản lớn.

Ví dụ gần đây nhất chính là sự sụp đổ của công ty bất động sản Zhejiang Xingrun trong tháng 3 khi không thể trả nợ 3,5 tỷ nhân dân tệ (569 triệu USD). Ngày 14/7, công ty bất động sản Baoan Hongji cho biết, lợi nhuận 6 tháng đầu năm có thể sẽ giảm 96% so với cùng kỳ năm ngoái, dấy lên nghi ngờ về khả năng thanh toán nợ của công ty này với các nhà đầu tư.

Trước tình trạng giá nhà giảm thấp mà tồn kho bất động sản tăng cao, một số thành phố như, Hohhot và Jinan, đã bắt đầu nới lỏng hạn chế đối với bất động sản để kích thích thị trường mua. Trong khi đó, chính quyền tỉnh Fujian đã yêu cầu các ngân hàng tăng cường cho vay thế chấp và mở rộng hoạt động cho vay với các các doanh nghiệp bất động sản, theo thông báo trên trang web của Sở Phát triển Nhà đất và Nông thôn - Thành thị Fujian.

Tuy nhiên, Moody's hiện vẫn giữ quan điểm tiêu cực đối với linh vực bất động sản của Trung Quốc.

Môi trường tín dụng của Trung Quốc nhìn chung vẫn khá chặt chẽ đối các doanh nghiệp bất động sản nhỏ. Ngân hàng và các công ty tín dụng đã cắt giảm hỗ trợ tài chính đối với những công ty có rủi ro vỡ nợ cao, chuyên gia phân tích Fu Bei tại S&P nhận định.