Nhà đầu tư bất động sản phải làm gì trước tin đồn?

Theo Nhật Minh/reatimes.vn

Theo các chuyên gia, một trong lý do đẩy sốt đất gia tăng đó chính là tin đồn. Để tránh các rủi ro xảy ra, nhà đầu tư cần cẩn trọng và nấn ná đợi chờ trước tin đồn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tại một hội thảo về bất động sản, TS. Võ Trí Thành đặt vấn đề về tình trạng tại sao thị trường lại xảy ra tình trạng sốt đất nền tại nhiều nơi dù đã có những cảnh báo song vẫn lặp lại câu chuyện liên quan đến sự thiếu hiểu biết của các nhà đầu tư, sự tắc trách của cơ quan quản lý và tâm lý đầu tư "bầy đàn".

Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, cho rằng, đất nền nổi sóng xuất phát từ các thông tin tốt. Tuy nhiên, một nguyên nhân là do các môi giới đã đẩy lên thành cơn sốt đất bằng việc tạo ra tin đồn khiến nhà đầu tư có tâm lý đầu tư theo hướng "bầy đàn".

Theo đó, ông Khởi cho rằng: “Do đó, khi nào thông tin rõ ràng minh bạch ví dụ sáp nhập tỉnh thành, lên thành phố, lên quận thì thị trường mới bớt sốt ảo, và không chạy theo tin đồn, theo tâm lý đám đông.”

Tuy nhiên, ông Thành đặt câu hỏi, trong trường hợp tin đồn trở thành sự thật sau 3 tháng thì điều gì sẽ xảy ra. Ông Khởi cho rằng, độ trễ của thông tin thị trường bất động sản thường rất lâu. Thường hai năm sau mới thành sự thật, trong khi cơn sốt chỉ xảy ra trong thời gian ngắn. Nếu như một năm sau mà thông tin đẩy sốt đất không thành sự thật thì sốt đất sẽ xẹp ngay.

Trước nhận định tin đồn có độ trễ, TS. Võ Trí Thành khuyên rằng, các nhà đầu tư nên cố gắng nấn ná cùng thông tin quy hoạch thị trường bất động sản, không nên nóng vội chạy theo thông tin ảo.

Còn ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng: "Nhà đầu tư phát triển hay nhà đầu tư thứ cấp đều có mục đích chung là sinh lời, mục tiêu sinh lời với nhà đầu tư thứ cấp thì lợi càng nhiều càng tốt. Trong khi đó, vấn đề về minh bạch thông tin tại các địa phương hiện nay vẫn rất yếu".

Chính phủ và Thủ tướng cũng có nhiều nghị định về vấn đề này, nghị định 117 quy định tất cả các địa phương trong giai đoạn 2017 và 2018 phải có báo cáo thị trường đưa ra được các vấn đề về phát triển, định hướng kinh tế, thị trường đi theo thế nào, lượng nhà buôn bán ra làm sao, tất cả cần phải được kê khai công bố trên hệ thống cổng thông tin địa phương và chính phủ. Rõ ràng điểm này đang thiếu, vì vậy tạo ra sự mập mờ về thông tin.

Nhà đầu tư phát triển hay nhà đầu tư thứ cấp đều có mục đích chung là sinh lời, mục tiêu sinh lời với nhà đầu tư thứ cấp thì lợi càng nhiều càng tốt. Trong khi đó, vấn đề về minh bạch thông tin tại các địa phương hiện nay vẫn rất yếu.

Theo ông Đính, tin đồn tạo ra cơ hội, nhà đầu cơ mà thấy có cơ hội từ tin đồn, có lợi là họ sẽ lao vào. Nếu cuối cùng khi thông tin không đúng, những nhà đầu cơ này sẽ phải tìm cách để tháo hàng ra. Ví dụ tin đồn sắp có khu đô thị, sân bay, trung tâm thương mại sẽ phát triển, họ sẽ lao vào. Rõ ràng thị trường không kiểm chứng được tin đồn, nếu địa phương công bố công khai thì các nhà đầu tư mới có cái kiểm chứng.

"Vì vậy tạo ra cơ hội cho các nhà đầu cơ trót đầu tư sai cố gắng dùng hết công nghệ này công nghệ kia để tạo ra thông tin giả mạo. Hiện tượng này không phải chỉ ở một nơi mà xuất hiện tại rất nhiều nơi. Trên khắp cả nước, cứ một thời gian ở đâu đó lại có thông tin như thế này do truyền thông đưa lên.

Cuối cùng loanh quanh toàn nhà đầu cơ với nhau, người có nhu cầu mua thực sự rất ít. Người có nhu cầu mua thực sự giờ cũng có hiểu biết, có kiến thức cơ bản, có nhiều đơn vị tư vấn chuyên nghiệp, họ sẽ có lời khuyên, tư vấn chuẩn mực. Nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ luôn lắng nghe và tìm hiểu. Còn những người chộp giật sẽ bị mắc cạn. Phần lớn người đầu cơ sẽ thua thiệt so với nhà đầu tư chân chính", ông Đính nhận định.