Nhà đầu tư “tẩy chay” cổ phiếu thưởng

Theo NDĐT

Vào mùa các doanh nghiệp chia cổ tức năm nay, phần lớn các doanh nghiệp đều chia cổ tức bằng cổ phiếu (CP) và thưởng quyền mua cổ phiếu tăng vốn cho các cổ đông hiện hữu. Tuy nhiên, các nhà đầu tư (NĐT) hiện nay tỏ ra không mặn mà với CP thưởng.

Rủi ro CP… “thưởng”

 

“Chị Bình đấy ạ? Vâng, em ở công ty chứng khoán, báo cho chị ngày 25-8 là hết hạn nộp tiền mua cổ phiếu thưởng của VNE chị ạ!”. Tính toán giây lát, chị Nguyễn Thúy Bình, NĐT tại Công ty chứng khoán Click & phone quyết định bỏ quyền mua này. Theo chị Bình, cân nhắc các yếu tố được và mất khi nộp tiền mua CP thưởng thời điểm này, rủi ro nhiều hơn cơ hội.

 

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, nhà đầu tư tại Công ty chứng khoán Hoàng Gia (IRS), nếu NĐT được thưởng cổ tức bằng CP (không phải nộp tiền mới) thì rủi ro giảm giá CP trong xu hướng giảm sẽ không khiến các NĐT lo ngại, bởi với tâm lý chung, đó là phần lợi nhuận thêm thắt. Thế nhưng, việc phải nộp tiền để mua CP tăng vốn của doanh nghiệp, trong bối cảnh thị trường giảm giá hiện nay sẽ khiến các NĐT phải cân nhắc. Hơn thế, đối với loại CP nhà đầu tư được quyền mua ưu đãi mà thị giá không chênh nhiều so với giá ưu đãi thì việc NĐT phải cân nhắc là đương nhiên. Nếu không tính toán kỹ thì rủi ro nhiều hơn cơ hội.

 

Theo ông Tuấn, lấy thí dụ cổ phiếu VNE (Công ty CP Xây dựng điện VNECO), các NĐT được quyền mua với tỷ lệ 5:4 (sở hữu 5 CP được mua thêm 4 CP mới với giá 10.000 đồng/CP). Nếu như trước ngày các NĐT phải nộp tiền mua CP tăng vốn của VNE mà CP này vẫn đạt mức giá từ 15.000 đến 20.000 đồng/CP thì chắc chắn ai cũng nộp tiền mua vì mức giá chênh quá lớn (50% trở lên). Thế nhưng, với phiên giao dịch ngày 25-8, thị giá VNE chỉ có 12.400 đồng/CP, không chênh nhiều so với giá ưu đãi.

 

Mức chênh quá thấp so với giá trên sàn giao dịch của CP thưởng do VNE đưa ra khiến các NĐT đặt ra bài tính. Trước hết là thị trường chung đang trong xu hướng giảm, thị giá của VNE sẽ giảm theo. Kết quả kinh doanh của VNE ở quý II bị giảm tới hơn 86% so với quý I, điều này khiến VNE mất đi sức mạnh tăng giá.

 

Nhưng những tính toán trên chưa phải điểm mấu chốt. Quan trọng ở đây là việc nộp khoản tiền này vào mua CP thưởng, NĐT sẽ bị om vốn không biết đến bao giờ (thông thường phải mất ba tháng hoặc hơn) CP này mới về tài khoản. Trong xu hướng giảm của thị trường hiện nay, nhiều cơ hội đang mở ra với NĐT có tiền. Họ có thể chọn mua các CP đã giảm giá mạnh nhưng lại có kết quả kinh doanh tốt, có khả năng tăng giá trở lại mạnh hơn VNE. Đây là lý do chính khiến nhiều NĐT sẵn sàng từ bỏ quyền mua CP thưởng nếu thị giá không chênh đáng là bao.

 

Cố ý chậm thưởng?

 

Có nhiều lý do về việc chậm đưa CP thưởng, CP mua ưu đãi tăng vốn lên sàn niêm yết. Theo ông Nguyễn Đình Trung, Phó trưởng Phòng Quan hệ công chúng Công ty cổ phần Bất động sản Dầu khí (PVFC Land), trước hết việc chậm đưa các loại CP thưởng lên giao dịch là do sự thiếu quan tâm của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ sốt sắng với việc này ở giai đoạn đầu, khi lập kế hoạch tăng vốn, xin ý kiến cổ đông phát hành cổ phiếu tăng vốn, xin ý kiến chấp thuận của các cơ quan cấp phép và chốt ngày đóng tiền của các cổ đông. Khi xong xuôi việc xin tăng vốn, thu được tiền của các cổ đông, đến giai đoạn hoàn thiện nốt các thủ tục đưa CP thưởng lên sàn thì họ thây kệ, đến bao giờ cũng được. Vì CP thưởng càng chậm lên sàn, CP càng không bị pha loãng, sẽ duy trì được mức giá nhất định trên thị trường. Qua đó, các cổ đông lớn có thể tranh thủ “giải tán” bớt CP nắm giữ trước khi CP thưởng lên sàn.

 

Ông Nguyễn Hoàng Long, Trưởng Phòng phân tích Công ty chứng khoán An Bình cũng cho rằng, việc doanh nghiệp chậm đưa CP thưởng lên sàn cũng là điều dễ hiểu bởi họ chẳng có lợi lộc gì, cho nên khi nào rảnh mới làm. Ngoài ra, khi đưa CP thưởng lên sàn, doanh nghiệp phải dành thời gian làm một số thủ tục như đăng ký lại giấy phép kinh doanh (vì tăng vốn điều lệ); làm các thủ tục lưu ký chứng khoán với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (vì phát hành thêm CP); xử lý lượng CP lẻ sau chia thưởng… “Tuy nhiên, những việc trên chỉ mang tính thủ tục, không có gì phức tạp. Cái chính là doanh nghiệp thiếu trách nhiệm với các cổ đông của mình”, ông Long nói.

 

Theo ông Nguyễn Văn Huyến, NĐT tại Công ty chứng khoán Mêkông, lâu nay, việc các doanh nghiệp chậm đưa CP thưởng lên sàn đã gây nhiều thiệt hại cho các NĐT. Cụ thể như cách đây hai tháng, giá CP trên sàn khá cao, nếu CP thưởng về sớm, các NĐT đã có thể bán ra và tránh được thiệt hại giảm giá CP thời gian qua.

 

“Đã đến lúc các cơ quan quản lý cần quy định cụ thể về thời gian các doanh nghiệp phải hoàn thành việc đưa CP thưởng lên sàn giao dịch nhằm bảo vệ quyền lợi cho các NĐT. Phía các doanh nghiệp cũng cần phải nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc này, không thể duy trì cách ứng xử: “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” đối với các cổ đông của mình như lâu nay…”, ông Huyến bức xúc.